Tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2005
A. TÌNH HÌNH KINH TẾ
1. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu kinh tế tổng hợp
Theo số liệu sơ bộ, tổng sản phẩm trong nước năm 2005 tăng 8,4% so với năm 2004, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 10,6% và khu vực dịch vụ tăng 8,5%. Trong 8,4% tăng trưởng chung, công nghiệp và xây dựng đóng góp 4,2 điểm phần trăm; dịch vụ 3,4 điểm phần trăm và nông lâm nghiệp thuỷ sản 0,8 điểm phần trăm.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm nay đạt mức tăng thấp hơn so với con số ước tính từ tháng 9, chủ yếu do sản lượng lúa mùa ở các tỉnh miền Bắc giảm (ảnh hưởng trực tiếp của bão số 7, bão số 8) và thiệt hại do dịch cúm gia cầm. Thuỷ sản tăng mạnh, do cầu trong nước tăng (bù vào thịt gia cầm và sản phẩm chế biến từ gia cầm) và xuất khẩu tăng so với năm trước. Lâm nghiệp tăng nhẹ, chủ yếu do tăng sản lượng gỗ khai thác.
Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng 10,6%, trong đó giá trị tăng thêm của khu vực công nghiệp chế biến tăng 13,1% (9 tháng tăng 12,5%, cao hơn mức tăng 11% đã ước tính vào cuối tháng 9 và công nghiệp chế biến quí IV tăng 14,7%); giá trị tăng thêm của công nghiệp khai thác năm nay chỉ tăng 0,9%, chủ yếu do dầu thô khai thác trong suốt cả 4 quí đều thấp hơn sản lượng cùng quí tương ứng của năm 2004 và sản lượng dầu thô khai thác cả năm cũng chỉ đạt mức 92,3% sản lượng năm 2004. Công nghiệp điện, ga, nước tăng 12,2%; xây dựng tăng 10,8%.
Khu vực dịch vụ có mức tăng trưởng 8,5%, cao hơn hẳn mức tăng trưởng 7,3% của năm 2004. Trong khu vực này, các ngành có tỷ trọng lớn và thuộc lĩnh vực dịch vụ kinh doanh như thương nghiệp; khách sạn, nhà hàng; vận tải, bưu điện, du lịch; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm đều có mức tăng cao hơn so với mức tăng của từng ngành trong năm trước: Thương nghiệp năm nay tăng 8,3% (năm 2004 tăng 7,8%); Khách sạn nhà hàng tăng 17% (2004 tăng 8,1%); Vận tải, bưu điện, du lịch tăng 9,6% (2004 tăng 8,1%)...
Do khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục tăng trưởng cao hơn mức tăng chung và tăng nhanh hơn các khu vực khác nên cơ cấu kinh tế ngành tiếp tục chuyển dịch theo chiều hướng tăng ở khu vực công nghiệp, xây dựng và giảm ở khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Tỷ trọng công nghiệp và xây dựng tăng từ 38,13% năm 2001 lên 41,03% năm 2005, dịch vụ tăng từ 36,63% lên 38,08% và nông lâm nghiệp thuỷ sản giảm từ 23,24 xuống còn 20,89%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2005 ước tính tăng 16,6% so với năm 2004 và đạt 115% dự toán cả năm. Trong tổng số, các khoản thu nội địa đạt 109,2% dự toán; thu từ dầu thô đạt 146,1% (chủ yếu do giá dầu tăng cao so với khi lập dự toán); thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu bằng dự toán năm. Các khoản thu chủ yếu trong thu nội địa nhìn chung vượt dự toán cả năm.
Tổng chi ngân sách Nhà nước năm 2005 ước tính đạt 112,5% dự toán cả năm và tăng 19,5% so với năm 2004, đã đảm bảo nhu cầu chi từ ngân sách Nhà nước. Trong tổng số, chi cho đầu tư phát triển đạt 106,1% dự toán (chi đầu tư xây dựng cơ bản đạt 105,5%); chi thường xuyên đạt 107,8%; chi trả nợ và viện trợ đạt mức dự toán năm. Bội chi ngân sách bằng mức dự toán cả năm và bằng 4,9% GDP.
2. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản
Giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản năm 2005 theo giá so sánh năm 1994 ước tính đạt 182,0 nghìn tỷ đồng, tăng 4,9% so với năm 2004, trong đó nông nghiệp tăng 3,2%; lâm nghiệp tăng 1,2%; thuỷ sản tăng 12,1%.
Sản lượng lúa cả năm ước tính đạt 35,79 triệu tấn, giảm 35,8 vạn tấn so với năm 2004, do diện tích giảm 119 nghìn ha và năng suất chỉ đạt xấp xỉ năm 2004. Sản lượng lúa các địa phương phía Bắc giảm 67,9 vạn tấn, các địa phương Nam phía tăng 32,1 vạn tấn, riêng đồng bằng sông Cửu Long tăng 66,7 vạn tấn so với năm 2004. Nếu tính thêm 3,76 triệu tấn ngô và các loại cây lương thực có hạt khác thì sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 39,55 triệu tấn, xấp xỉ sản lượng năm 2004.
Sản xuất cây công nghiệp hàng năm tăng khá so với năm trước. Sản xuất cây công nghiệp lâu năm có nhiều tiến bộ, do diện tích thu hoạch được mở rộng, trong đó sản lượng chè tăng 4%; cao su tăng 11,8%; hồ tiêu tăng 4,9%; điều tăng 13,3%; riêng cà phê giảm 8,2% do nắng hạn. Sản lượng nhiều loại quả tăng so với năm trước, do diện tích cây ăn quả tăng, cải tạo vườn tạp và tăng diện tích cây trồng đặc sản, có giá trị hàng hoá cao.
Chăn nuôi gia súc phát triển nhanh, nhờ tăng cầu thực phẩm thay thế cho các sản phẩm gia cầm; giá bán sản phẩm ổn định ở mức cao và áp dụng phương thức nuôi công nghiệp, phát triển mô hình trang trại: đàn trâu tăng 1,8% so với năm 2004, đàn bò tăng 12,9%, đàn lợn tăng 4,9%. Chăn nuôi gia cầm bị ảnh hưởng bởi dịch cúm tái phát, tính từ 1/10/2005 đến nay tổng số gia cầm bị tiêu huỷ là 3,58 triệu con, trong đó gà 1,21 triệu con; ngan, vịt 1,89 triệu con.
Diện tích rừng trồng tập trung cả nước đạt 184,5 nghìn ha, tăng 0,1% so với năm 2004; số cây phân tán (chỉ tính cây lâm nghiệp) đạt 245,8 triệu cây, tăng 1,9%; sản lượng gỗ khai thác (kể cả gỗ nguyên liệu giấy) đạt 2703,0 nghìn m3, tăng 2,9%. Công tác bảo vệ, phòng chống cháy rừng đã được quan tâm và đầu tư nhiều hơn năm trước, nhưng do thời tiết nắng, nóng kéo dài gây hạn hán ở nhiều nơi, nên diện tích rừng bị thiệt hại vẫn ở mức cao.
Sản lượng thuỷ sản cả năm ước tính 3432,8 nghìn tấn, tăng 9,2% so với năm 2004, trong đó nuôi trồng 1437,4 nghìn tấn, tăng 19,5%, khai thác 1995,4 nghìn tấn, tăng 2,9% (khai thác biển 1809,7 nghìn tấn, tăng 4,4%). Nuôi trồng thuỷ sản tăng do diện tích tăng 4,3% và đa dạng hoá hình thức nuôi trồng theo hướng hiệu quả cao và bền vững. Khai thác thuỷ sản tăng, do các địa phương đã hướng dẫn ngư dân hợp tác sản xuất, bám biển dài ngày, tìm ngư trường mới, tổ chức các đội tàu dịch vụ thu mua sản phẩm và cung ứng nhiên liệu cho tàu đánh bắt xa bờ, góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất tàu, thuyền.
3. Sản xuất công nghiệp
Sản xuất công nghiệp năm 2005 tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng cao so với kế hoạch và tăng cao hơn so với tốc độ tăng của những năm gần đây. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2005 theo giá cố định 1994 ước tính tăng 17,2% so với năm 2004, trong đó khu vực Nhà nước tăng 8,7%; khu vực ngoài quốc doanh, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20,9% (dầu mỏ, khí đốt giảm 4,6, các ngành khác tăng 28,1%). Khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng thấp, chủ yếu do số doanh nghiệp giảm, giảm nhiều nhất là doanh nghiệp Nhà nước địa phương quản lý, do tiếp tục thực hiện chủ trương của Nhà nước về đổi mới, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang các hình thức sở hữu khác như cổ phần hoá.
Trong ba ngành công nghiệp cấp I, công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng 84,9%, tăng 19,5% so với năm trước, đóng góp chính vào tăng giá trị sản xuất công nghiệp 2005; sản xuất, phân phối điện, ga và nước tăng 14,1% và công nghiệp khai thác chỉ tăng 1,4%, chủ yếu do khai thác dầu thô giảm, chỉ đạt 92,3% sản lượng năm 2004.
Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng mạnh so với năm 2004 như: Than sạch khai thác, thuỷ sản chế biến, sữa hộp, phân hoá học, gạch lát, thép cán; dây cáp điện; máy công cụ; ô tô lắp ráp và điện. Do khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, một số sản phẩm chủ yếu tăng ở mức 10-15% so với năm trước như quần áo may sẵn; giấy bìa; xi măng, xe máy lắp ráp; bia... Bên cạnh đó có một số sản phẩm giảm so với năm 2004 như: dầu thô khai thác; ga hoá lỏng; đường, mật; ti vi lắp ráp; xe đạp hoàn chỉnh...
Nhìn chung, công nghiệp năm 2005 tăng trước hết do tăng cầu sản phẩm công nghiệp được sản xuất trong nước trên thị trường nội địa và tăng xuất khẩu. Nhà nước tăng đầu tư cho các công trình công cộng, kết cấu hạ tầng... làm tăng nhu cầu các sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm phục vụ xây dựng như sắt, thép, xi măng... Qui mô sản xuất công nghiệp được mở rộng so với năm 2004: Theo ước tính sơ bộ, số doanh nghiệp công nghiệp thực tế đang hoạt động đầu năm 2005 tăng 27,5% so với đầu năm 2004; tương ứng với số lao động tăng 12,6%; vốn tăng 25,6%; doanh thu tăng trên 30% so với năm 2004.
4. Đầu tư
Thực hiện vốn đầu tư phát triển năm 2005 theo giá thực tế sơ bộ đạt 324 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với kế hoạch năm. Trong tổng số, vốn Nhà nước chiếm 53,1%, vốn ngoài Nhà nước chiếm 32,4%, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 14,5%.
Vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc vốn ngân sách Nhà nước năm 2005 ước thực hiện 62,93 nghìn tỷ đồng, bằng 121,2% kế hoạch cả năm, trong đó các đơn vị Trung ương 24,57 nghìn tỷ đồng bằng 123,5% kế hoạch năm; các đơn vị địa phương 38,36 nghìn tỷ đồng bằng 119,8%.
Về đầu tư trực tiếp của nước ngoài, từ đầu năm đến ngày 15/12/2005, trên phạm vi cả nước đã có 771 dự án mới được cấp phép đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,9 tỷ USD, bình quân vốn 1 dự án mới được cấp phép là 5,1 triệu USD. Các dự án mới được cấp phép trong năm nay chủ yếu vẫn tập trung vào công nghiệp và xây dựng. Có 41 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư nước ngoài mới được cấp phép. Có 42 quốc gia và vùng lãnh thổ được cấp phép dự án đầu tư mới tại Việt Nam. Có 509 lượt dự án được tăng vốn trong năm nay, với tổng số vốn tăng thêm là 1825,8 triệu USD (công nghiệp tăng 1407,4 triệu USD; xây dựng tăng 92,1 triệu USD; nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 204 triệu USD và dịch vụ tăng 214,4 triệu USD). Tính chung trong năm nay, cả vốn cấp mới và vốn tăng thêm đạt 5,72 tỷ USD, là mức thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài khá cao so với những năm gần đây.
Thực hiện vốn đầu tư xây dựng cơ bản thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước tập trung tháng 12 và năm 2005
Đầu tư trực tiếp của nước ngoài 01/01 - 15/12/2005
5. Thương mại, giá cả và du lịch
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng cả năm ước đạt 475,38 nghìn tỷ đồng, tăng 20,5% so với năm trước và tăng khoảng 12% nếu loại trừ yếu tố tăng giá. Khu vực kinh tế Nhà nước chỉ tăng 3,9% so với năm trước, khu vực kinh tế tập thể tăng 16,8%; khu vực kinh tế cá thể tăng 25,3%; khu vực kinh tế tư nhân tăng 19,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 20,7%. Theo ngành kinh doanh, thương nghiệp chiếm 77,9% tổng mức và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước; khách sạn, nhà hàng tăng 28,6%, ngành dịch vụ tăng 23,8%.
Giá tiêu dùng tháng 12/2005 tiếp tục tăng 0,8% so với tháng trước, bằng mức tăng giá của tháng 9 và là mức tăng tương đối cao so với mức tăng 0,4% của tháng 10 và tháng 11. Như vậy, giá tiêu dùng so với tháng trước của tất cả các tháng trong năm 2005 đều tăng tuy mức độ có chênh lệch giữa các tháng, tăng thấp nhất là 0,4% và tăng cao nhất là 2,5% (tháng 2/2005, là tháng Tết). So với tháng 12/2004, giá tiêu dùng tháng 12 năm 2005 tăng 8,4%, đáng chú ý là giá của tất cả 10 nhóm hàng hoá và dịch vụ đều tăng. Gía bình quân 12 tháng tăng 8,3% so với năm 2004, là mức tăng khá cao so với các năm gần đây: giá 2004 tăng bình quân 7,7%, năm 2003 tăng 3,2%; giá 2002 tăng 3,9%.
Giá vàng tháng 12 đạt mức tăng kỷ lục so với tháng trước (+7,5%) và vượt mức tăng giá của tất cả các tháng từ đầu năm đến nay. Giá vàng tăng mạnh chủ yếu do giá vàng trên thị trường thế giới tăng, mặt khác do tăng lãi suất đồng đô la Mỹ và tăng giá tiêu dùng, người dân đã chuyển sang dự trữ vàng nhiều hơn trước, làm tăng cầu. So với tháng 12 năm 2004 giá vàng tăng 11,3%. Giá đô la Mỹ tương đối ổn định, giá các tháng so với tháng trước chỉ tăng ở mức từ 0% đến 0,2%; so với tháng 12 năm trước tăng 0,9%, bình quân 12 tháng tăng 0,6% so với năm trước.
Tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2005 ước tính đạt 69,11 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 21,6% và nhập khẩu tăng 15,4%. Trong năm 2005 tốc độ tăng xuất khẩu cao hơn tốc độ tăng nhập nhẩu (xuất khẩu tăng nhanh hơn 6,2 điểm phần trăm), do vậy nhập siêu cả năm nay giảm cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với trị giá xuất khẩu: nhập siêu cả năm chỉ còn 4,65 tỷ USD (năm 2004 là 5,45 tỷ), bằng 14,4% kim ngạch xuất khẩu, giảm 6,2 điểm phần trăm so với tỷ lệ 20,6% trong năm 2004.
Trị giá xuất khẩu hàng hoá năm 2005 đạt 32,23 tỷ USD, tăng 5,73 tỷ USD so với năm 2004. Bình quân một tháng năm nay xuất khẩu 2,69 tỷ USD (bình quân 2004 là 2,2 tỷ USD). Trong tổng kim ngạch, xuất khẩu dầu thô đạt 7,39 tỷ USD, tăng 30,3% so với năm trước; xuất khẩu không kể dầu thô đạt 24,85 tỷ USD, tăng 19,3%, trong đó kinh tế trong nước 13,72 tỷ USD, tăng 14,1%; xuất khẩu của khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 11,13 tỷ USD, tăng 26,2%.
Trong năm nay, sau dầu thô, kim ngạch dệt may ước đạt 4,81 tỷ USD, giày dép 3 tỷ USD, thuỷ sản khoảng 2,74 tỷ USD, 3 mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ; điện tử, máy tính và gạo mỗi mặt hàng đạt kim ngạch cỡ 1,4 tỷ USD đến 1,5 tỷ USD. Xuất khẩu dầu thô tăng thêm chủ yếu do giá xuất khẩu dầu thô bình quân cả năm đã tăng trên 40%, bù lại lượng xuất khẩu giảm. Xuất khẩu gạo tăng mạnh cả giá và lượng và mở rộng thị trường xuất khẩu sang các nước châu á. Xuất khẩu than đá tăng 85,2% về kim ngạch, lượng tăng 53,8%. Một số mặt hàng nông sản có lượng xuất khẩu giảm so với năm trước như cà phê, điều và chè, nhưng đều được lợi về giá. Một số mặt hàng công nghiệp giảm mạnh so với năm trước như xe đạp và phụ tùng (-39,2%); dầu, mỡ động thực vật giảm 18,5%, đồ chơi trẻ em giảm 6,6% ...
Thị trường hàng xuất khẩu của Việt Nam cả năm nhìn chung ổn định và tăng so với cùng kỳ, nhất là các thị trường lớn và xuất hiện nhiều thị trường mới ở khu vực Châu Phi. Thị trường Hoa kỳ tăng 16,2%, Nhật Bản tăng 26,9%, Ôx-trây-lia tăng 41,9%; Trung Quốc tăng 8,8%; Xin-ga-po tăng 28,5%. Riêng một số thị trường lớn thuộc EU giảm như: thị trường Đức và Anh, kim ngạch mỗi thị trường năm 2005 khoảng 1 tỷ USD, nhưng mỗi thị trường đều giảm 1,7% so với năm trước.
Trị giá nhập khẩu hàng hoá năm 2005 đạt 36,88 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2004, trong đó, khu vực kinh tế trong nước 23,19 tỷ USD, tăng 11,1%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 23,5%, do tăng chậm hơn nên tỷ trọng nhập khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ còn 62,9% (năm trước là 65,3%) và của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài là 37,1% (năm 2004 tăng 34,7%) Bình quân mỗi tháng năm nay nhập khẩu 3,07 tỷ USD.
Nhập khẩu hầu hết các nguyên, nhiên vật liệu chủ yếu phục vụ cho sản xuất trong nước đều tăng cả về kim ngạch và lượng nhập so với năm trước. Nhập khẩu máy móc thiết bị, dụng cụ, phụ tùng cả năm tăng không đáng kể (+0,1%). Nhập khẩu ô tô tăng 19,3%, xe máy tăng 17,9%. Kim ngạch nhập khẩu phân bón giảm mạnh, do lượng nhập giảm, kéo theo kim ngạch giảm; bông giảm 14,6% (chủ yếu do giá giảm 20,6%, trong khi lượng tăng 7,6%); dầu mỡ động thực vật giảm 18,5%.
Nhập khẩu hàng hoá từ các nước châu Á chiếm tỷ trọng lớn và nhìn chung tăng tương đối cao: Trung Quốc tăng 27,8%; Xin-ga-po tăng 25%, Đài Loan tăng 16,3%; Nhật Bản tăng 14,4%; Hàn Quốc tăng 8,3% và Thái Lan tăng 29,6%...
Trị giá xuất nhập khẩu dịch vụ năm 2005 ước tính đạt 9,3 tỷ USD, tăng 6%, trong đó xuất khẩu dịch vụ 4,26 tỷ USD, tăng 7,2%; nhập khẩu dịch vụ 5,04 tỷ USD, tăng 5%.
Vận chuyển hành khách năm 2005 ước tính đạt 1267,4 triệu lượt hành khách và 53,3 tỷ lượt hành khách.km, so với năm trước tăng 7,5% về lượt khách và tăng 11,8% về lượt khách.km, trong đó vận chuyển bằng đường bộ và đường không tăng khá hơn, riêng vận chuyển hành khách bằng đường sắt giảm 1,3% về số lượt khách và chỉ tăng 4,7% về số lượt khách.km so với năm 2004.
Vận chuyển hàng hoá năm 2005 ước tính đạt 324,2 triệu tấn và 81,1 tỷ tấn.km, so với năm 2004, tăng 7,3% về tấn và tăng 6,7% về tấn.km. Vận chuyển hàng hoá bằng đường biển tăng 5,7% về tấn và tăng 6,3% về tấn.km; vận chuyển bằng đường bộ tăng 8,3% và tăng 9,2%...riêng vận chuyển hàng hoá bằng đường sắt giảm 0,4% về tấn.
Mặc dù trong năm 2005 giá xăng dầu tăng cao, gây áp lực tăng cước phí vận tải, nhưng các ngành vận tải đã có nhiều cố gắng đáp ứng nhu cầu sản xuất và đi lại của dân cư, góp phần tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trật tự an toàn giao thông trong năm vẫn là vấn đề đáng quan tâm và cần được tiếp tục khắc phục.
Số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2005 ước tính đạt 3,47 triệu lượt người, tăng 18,4% so với năm trước, trong đó khách đến du lịch 2,04 triệu, tăng 28,9%; thăm thân nhân 505,3 nghìn lượt người, tăng 8,1%; vì mục đích khác 427,6 nghìn lượt người, tăng 20,5%; riêng khách vào vì công việc 493,3 nghìn lượt người, giảm 5,4%.
Khách đến Việt Nam từ Mỹ tăng 22,4%; từ Hàn Quốc tăng 36,1%; từ Nhật Bản tăng 20%, từ Đài Loan tăng 11,5%; từ Cam-pu-chia tăng 105,4%; từ Ô-xtrây-li-a tăng 13%, từ Pháp tăng 21,5%. Đáng chú ý là trong năm nay, khách vào tăng mạnh (trên 50%) ở một số nước có tỷ trọng không lớn như từ Xin-ga-po, Thái Lan, Nga, Tây Ban Nha. Riêng khách đến từ CHND Trung Hoa chiếm tỷ lệ cao nhất trong số khách đến, nhưng lại giảm 3,3% so với 2004.
B. MỘT SỐ VẤN ĐỀ XÃ HỘI
1. Dân số trung bình năm 2005 của cả nước ước tính khoảng 83,12 triệu người, tăng 1,33% so với năm 2004, trong đó dân số nam 40,86 triệu người, chiếm 49,2%; dân số nữ 42,26 triệu người, chiếm 50,8%. Dân số khu vực thành thị là 22,23 triệu người, chiếm 26,8% và dân số nông thôn 60,89 triệu người, chiếm 73,2%.
2. Lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế tại thời điểm 1/7/2005 là 42,71 triệu người, tăng 1,12 triệu người (+2,7%) so với năm 2004, trong đó lao động đang làm việc trong khu vực Nhà nước chiếm 9,6%; ngoài Nhà nước chiếm 88,8% và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 1,6%. Theo ngành kinh tế, tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp, thuỷ sản chiếm 56,8%; khu vực công nghiệp, xây dựng 17,9% và khu vực dịch vụ 25,3%.
Tỷ lệ thất nghiệp năm 2005 tiếp tục giảm; tính đến giữa năm 2005, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 5,3%, giảm 0,3 điểm phần trăm so với năm 2004, đồng thời đạt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2001-2005 về giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 6% vào cuối năm 2005.
3. Đời sống dân cư năm nay nhìn chung ổn định. Điều chỉnh mức lương tối thiểu đã tác động tích cực và cải thiện đời sống cán bộ, viên chức và người hưởng lương từ ngân sách. ? nông thôn, đời sống của đại đa số nông dân ổn định và từng bước được cải thiện do sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển; đồng thời nhiều địa phương thực hiện có kết quả chương trình xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, thiếu đói giáp hạt vẫn xảy ra ở một số địa phương các tỉnh Tây Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên, chủ yếu do thiên tai.
4. Hoạt động văn hoá thông tin năm 2005 tập trung thực hiện tốt công tác thông tin truyên truyền các nhiệm vụ chính trị của đất nước và tổ chức thành công các ngày lễ kỷ niệm trọng đại của đất nước như 60 năm cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2/9; các hoạt động văn hoá dân gian và giao lưu văn hoá, lễ hội tôn vinh các giá trị văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam; tổ chức triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 5 năm 2001-2005; không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại; triển lãm “Kho tàng nghệ thuật Việt Nam - Điêu khắc Chămpa” lần đầu tiên tổ chức tại Pháp; các hoạt động giao lưu văn hoá thông tin với các nước nhân kỷ niệm 60 năm thành lập nước.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” phát triển mạnh; Ban chỉ đạo cuộc vận động ở Trung ương và các địa phương trong cả nước đã tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện, công nhận nhiều điển hình tiên tiến và cả nước có khoảng 12,5 triệu gia đình văn hoá.
Công tác thanh tra, kiểm tra văn hoá tiếp tục được đẩy mạnh với nhiều đợt thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hoá, xử phạt các trường hợp vi phạm; ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang và lễ hội. Công tác báo chí, xuất bản phát triển cả về số lượng và chất lượng. Sơ bộ năm 2005, đã xuất bản 17,1 nghìn cuốn sách với 240,2 triệu bản sách.
5. Hoạt động thể dục thể thao trong năm tập trung vào các hoạt động thể dục thể thao quần chúng; chuẩn bị và tham dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 23 (SEA Games 23) tại Phi-líp-pin; chuẩn bị lực lượng tham dự ASIAD 15 tại Doha, Quatar vào năm 2006 và Olimpic 2008 tại Bắc Kinh, Trung Quốc.
Về thể thao thành tích cao, Tại SEA Games 23, tổ chức tại Phi-líp-pin, đoàn thể thao Việt nam đã tham gia thi đấu ở 33/40 môn và đã xuất sắc giành vị trí thứ 3 toàn đoàn với 71 huy chương vàng; 68 huy chương bạc và 89 huy chương đồng. Cũng tại Phi-líp-pin, Đại hội Thể thao Người khuyết tật Đông Nam Á lần thứ 3 (ASEAN Paragames 3) vừa kết thúc, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam đã bảo vệ thành công ngôi vị thứ 2 toàn đoàn. Ngoài ra, cũng đã tham gia nhiều giải thể thao quốc tế và giành được 380 huy chương các loại.
6. Giáo dục và đào tạo
Tình hình khai giảng năm học 2005-2006:
Năm học 2005-2006, cả nước có 401,6 nghìn trẻ em đi nhà trẻ, giảm 5% so với năm trước và đạt 8,6% tổng số trẻ em từ 0-2 tuổi; 2558,2 nghìn học sinh mẫu giáo, tăng 9,7% và đạt 63,4% số trẻ em từ 3-5 tuổi. Số học sinh tiểu học là 7318,2 nghìn em, giảm 5,5% so với năm học trước; học sinh trung học cơ sở 6691,5 nghìn em, tăng 1,1% và học sinh trung học phổ thông là 2993,7 nghìn em, tăng 8,4%. Cả nước có khoảng 353,6 nghìn giáo viên tiểu học; 300,9 nghìn giáo viên trung học cơ sở và 118,2 nghìn giáo viên trung học phổ thông. So với định mức chuẩn, cả nước còn thiếu khoảng 20,2 nghìn giáo viên trung học cơ sở và 21,8 nghìn giáo viên trung học phổ thông.
Năm học này cả nước có 239 nghìn phòng học tiểu học, tăng 1,5% so với năm trước (Số phòng học kiên cố là 95,9 nghìn phòng, tăng 4,35%); 130 nghìn phòng trung học cơ sở, tăng 8,5% (Kiên cố là 79,6 nghìn phòng, tăng 3,9%); 59,1 nghìn phòng học trung học phổ thông, tăng 25,7% (Kiên cố là 45,9 nghìn phòng, tăng 21,1%).
Giáo dục đại học, cao đẳng và dạy nghề
Năm 2005 cả nước có 149 trường đại học, học viện, khoa trực thuộc và 136 trường cao đẳng tổ chức tuyển sinh. Số thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 là 158 nghìn người (đại học là 110,9 nghìn người; cao đẳng là 47,1 nghìn người). Có 1752 học sinh đoạt giải các kỳ thi quốc gia và năng khiếu đăng ký tuyển thẳng vào đại học, cao đẳng.
Trong năm 2005, đã tuyển mới 230 nghìn học sinh học nghề dài hạn, tăng 13,9% so với năm 2004 và 977 nghìn học sinh học nghề ngắn hạn, tăng 2,9%. Mạng lưới cơ sở dạy nghề phát triển nhanh, đã xoá được tình trạng trắng trường nghề ở các địa phương. Đến nay, cả nước có 1691 cơ sở có đào tạo nghề, trong đó 212 trường đại học, cao đẳng, THCN; 236 trường dạy nghề; 404 trung tâm dạy nghề và 839 cơ sở dạy nghề khác.
7. Y tế
Tình hình suy dinh dưỡng của trẻ em: Theo số liệu sơ bộ, tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi (cân nặng theo tuổi) chung cả nước năm 2005 là 25,2%, giảm 1,4 điểm phần trăm so với năm 2004, trong đó khu vực thành thị là 19,6% (-1,6 điểm phần trăm); khu vực nông thôn 29,8% (-1 điểm phần trăm) và khu vực miền núi là 37,5% (-2,2 điểm phần trăm). Tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi chung cả nước là 29,8%, giảm 0,9 điểm phần trăm so với năm 2004 và tỷ lệ suy dinh dưỡng cân nặng theo chiều cao là 7,6%, giảm 0,1 điểm phần trăm.
Tình hình dịch bệnh, Tính từ đầu năm đến nay, cả nước có 88,8 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt rét (trong đó 13 người đã tử vong), so với năm 2004 số người mắc bệnh giảm 23,6%; số tử vong giảm 38,1%; có 49,4 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (trong đó 51 người tử vong), số người mắc bệnh giảm 32,7% và số người tử vong giảm 49,5%; có 1,2 nghìn trường hợp mắc bệnh viêm não vi rút (trong đó 50 người tử vong), số mắc bệnh giảm 51% và số trường hợp tử vong giảm 58,7%; có 66 trường hợp mắc bệnh cúm tuýp A-H5N1, trong đó 22 người đã tử vong. Số người bị ngộ độc thực phẩm từ đầu năm đến 16/12/2005 là 4,3 nghìn trường hợp, trong đó 50 người đã tử vong.
Tình hình nhiễm HIV/AIDS: Đến 19/12/2005, tổng số người nhiễm HIV trong cả nước lên đến 103,9 nghìn người, trong đó có 17,2 nghìn bệnh nhân AIDS và 10 nghìn người đã chết do AIDS.
8. Tai nạn giao thông
Trong 11 tháng nam 2005, trên phạm vi cả nước đã xảy ra 13,3 nghìn vụ tai nạn giao thông, làm chết 10,4 nghìn người và làm bị thương 11 nghìn người. So với 11 tháng năm 2004, số vụ tai nạn giao thông giảm 17,9%; số người chết giảm 6% và số người bị thương giảm 23,5%. Tai nạn giao thông đã giảm đáng kể so với năm trước ở cả ba chỉ số, nhưng vẫn còn cao: Bình quân 1 ngày trong 11 tháng qua, trên địa bàn cả nước xảy ra 39,7 vụ tai nạn giao thông, làm chết 31 người và làm bị thương 33 người. So với bình quân cùng kỳ năm trước, mỗi ngày giảm gần 9 vụ tai nạn; giảm 2 người chết và giảm 10 người bị thương. Tai nạn giao thông trong 11 tháng qua chủ yếu xảy ra trên đường bộ với số vụ tai nạn chiếm 96,4%; số người chết chiếm 97,1% và số người bị thương chiếm 97,8%.
9. Thiệt hại do thiên tai
Năm 2005 đã xảy ra mưa lớn, bão, lũ quét, áp thấp nhiệt đới, lở đất tại nhiều địa phương như bão và lở đất ở các tỉnh miền Bắc, lũ tại đồng bằng sông Cửu Long, mưa lũ tại các tỉnh Nam Trung Bộ gây thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống dân cư. Tổng giá trị thiệt hại ước tính 6,5 nghìn tỷ đồng, trong đó Nam Định thiệt hại khoảng 1,9 nghìn tỷ đồng; Thanh Hoá 1,3 nghìn tỷ đồng; Tuyên Quang 1,1 nghìn tỷ đồng....
Khái quát lại, kinh tế-xã hội năm 2005 tiếp tục phát triển và ổn định. Các chỉ tiêu chủ yếu của nền kinh tế và các lĩnh vực then chốt đạt kết quả cao hơn so với năm trước. Tổng sản phẩm trong nước tăng 8,4% là tốc độ tăng tương đối cao so với tốc độ tăng những năm gần đây, do sự gia tăng khả quan của các ngành sản xuất, dịch vụ. Mặt khác trong năm 2005 sản xuất phát triển đã tạo điều kiện tăng tiêu dùng của dân cư, tăng chi ngân sách Nhà nước, tăng đầu tư và tăng xuất khẩu. Giá tiêu dùng tuy tăng cao nhưng ở mức xấp xỉ tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tình hình xã hội ổn định; văn hoá, y tế, giáo dục tiếp tục phát triển.
Mức tăng trưởng trong năm 2005 đã góp phần tích cực vào hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 7,5%/năm đã được đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2001-2005, tạo tiền đề vững chắc cho cả nước bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 2006-2010. Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế chung và cơ cấu trong nội bộ từng ngành kinh tế, cơ cấu xuất khẩu và sức cạnh tranh của sản phẩm nước ta không chỉ trên thị trường quốc tế mà ngay ở trên thị trường trong nước vẫn là những thách thức lớn đối với nền kinh tế nứơc ta trong những năm tới, nhất là trong năm 2006 khi thực hiện AFTA và ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới, cũng như chuẩn bị tham gia WTO.