Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Con rồng Việt Nam hướng tới phát triển kinh tế sông Mekong
01 | 09 | 2007
Tạp chí Tuần báo thế giới (Nhật Bản):"Trong số các nước ở châu Á, Việt Nam là quốc gia tiến hành điều chỉnh môi trường đầu tư mạnh mẽ nhất. Thêm vào đó, với lực lượng lao động dồi dào, có khả năng nắm bắt công nghệ nhanh và chi phí nhân công rẻ, Việt Nam chứa đựng những điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư”.

Tạp chí “Tuần báo thế giới” số ra cuối tháng 12 tại Nhật Bản có đăng bài viết về Việt Nam, nội dung như sau: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam không dừng lại. Năm 2006, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam vẫn được đánh giá vượt ngưỡng 8%. Nguồn nhân lực phong phú cộng với giá nhân công rẻ tiếp tục là “ma lực” khiến lượng đầu tư từ các nước trên thế giới đổ về Việt Nam tăng nhanh. Việt Nam đang đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước. Số dự án đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2006 đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, có một thực tế là sự tăng trưởng cao đó chỉ tập trung vào những thành phố lớn. Các thành phố địa phương ở Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ số vốn đầu tư tăng, làm xuất hiện những mối lo về sự cách biệt phát triển kinh tế trên toàn quốc. Với mục tiêu phát triển bình đẳng, chính phủ Việt Nam đã tập trung đầu tư phát triển khu vực Nam Bộ, và kế hoạch công nghiệp hoá khu vực sông Mekong đã được thúc đẩy.

Năm 2006 – năm kỷ lục về môi trường đầu tư thuận lợi

Theo tác giả bài báo đăng trên "Tuần báo thế giới", Việt Nam là quốc gia hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi nhất cho đầu tư phát triển – đang trở thành một địa điểm hấp dẫn nhất.

Hiện nay, trong số các nước ở châu Á, Việt Nam là quốc gia tiến hành điều chỉnh môi trường đầu tư mạnh mẽ nhất. Thêm vào đó, với lực lượng lao động dồi dào, có khả năng nắm bắt công nghệ nhanh và chi phí nhân công rẻ, Việt Nam chứa đựng những điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư. Mức lương thấp nhất đối với nhân công Việt Nam làm cho các doanh nghiệp nước ngoài là 55 USD/tháng, chỉ bằng một nửa so với Thái Lan (110 USD) và Philippines (121 USD). Cơ cấu dân số theo hình kim tự tháp với 70% số dân có độ tuổi dưới 30 cho thấy ở Việt Nam có nguồn lao động khổng lồ không bao giờ thiếu. Bên cạnh đó, người dân Việt Nam lại rất chăm chỉ, cần mẫn. Tại các nhà máy, xí nghiệp, có thể bắt gặp hình ảnh các cô công nhân thao tác kỹ thuật rất thuần thục và điêu luyện.

Với những điều kiện tốt như vậy, tổng số dự án mới đầu tư vào Việt Nam năm 2005 là 922 dự án, cao nhất từ trước tới nay. Tính đến ngày 20/10/2006, Việt Nam đã thu hút thêm 705 dự án mới đầu tư. Trong số các dự án của năm 2005, Nhật Bản có 105 dự án, chiếm gần 1/7 tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam và nâng tổng số dự án của Nhật Bản vào Việt Nam trong vòng 7 năm lên gấp 10 lần. Đến ngày 20/10/2006, tổng số dự án của Nhật Bản vào Việt Nam đã đạt con số 115, mức cao kỷ lục. Theo đánh giá của trưởng đại diện ngân hàng lớn của Nhật Bản có chi nhánh ở thành phố Hồ Chí Minh, "trong vòng 5 đến 10 năm nữa, Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ còn tiếp tục đổ vào thị trường này".

Tháng 11/2006, Việt Nam được kết nạp làm thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Trên website của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra thông điệp “môi trường đầu tư trong nước sẽ còn được cải thiện”. Trước đó, Việt Nam cũng đã hoàn tất các khâu chuẩn bị cho việc cải thiện môi trường đầu tư trước khi gia nhập WTO. Theo luật đầu tư mới của Việt Nam, các quy định sẽ áp dụng chung cho các công ty trách nhiệm hữu hạn có vốn nước ngoài và trong nước, cũng như xoá bỏ việc hạn chế tỷ lệ đầu tư và lĩnh vực đầu tư. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phá bỏ bức tường cản trở các nhà đầu tư nước ngoài từ trước đến nay.

Các kế hoạch đầu tư trước đây đều chủ yếu tập trung vào những khu vực xung quanh thủ đô Hà Nội và thành phố công nghiệp Hồ Chí Minh. Các khu công nghiệp ở những khu vực xung quanh hai thành phố này liên tiếp mọc lên. Các khu công nghiệp gần thành phố Hồ Chí Minh đã lên kế hoạch triển khai cả khu vực thuế quan, kho bãi và hệ thống lưu thông. Đối với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chuyên xuất khẩu hàng gia công, việc các khu công nghiệp thiết lập hệ thống này sẽ tạo ra một sức hút mới để họ mở rộng hoạt động.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế của hai thành phố trọng điểm này từ năm 2006 – 2010 sẽ vượt qua mức 10%/năm. Chính phủ Việt Nam cũng đã bắt đầu dốc sức cho việc phát triển kinh tế của các tỉnh thành phố địa phương khác nhằm xoá bỏ khoảng cách tăng trưởng kinh tế này. Tại miền Trung và miền Nam Việt Nam, chính phủ đã xác định những khu vực đặc biệt quan trọng nhất để tập trung đầu tư phát triển kinh tế.

Vận chuyển - vấn đề cơ bản để phát triển các thành phố địa phương

Diện tích khu vực sông Mekong là 40.000 km2, gồm 12 tỉnh và 1 thành phố. Với khu vực chỉ có 12% là đất đai, tiềm năng sản xuất vẫn chủ yếu dựa vào hàng nông - thuỷ sản. Chính phủ Việt Nam đã quyết định biến nơi này thành một cứ điểm mới về phát triển kinh tế, đề ra kế hoạch phát triển đến năm 2010, trong đó xác định mục tiêu cụ thể là tăng tỷ lệ sản xuất từ mức 23% lên 31%.

Khu vực sông Mekong thích hợp cho việc nuôi dưỡng các loài thuỷ sản như tôm, cá da trơn. Khu công nghiệp thành phố Cần Thơ đã nhận được tốc độ phát triển mạnh nhờ vào việc chế biến các loại cá nuôi ở khu vực sông Mekong. Ngoài lĩnh vực chế biến thuỷ sản, khu vực này cũng bắt đầu nhận được sự đầu tư của các nhà sản xuất vào những lĩnh vực khác. Trong tài khoá 2007, một nhà sản xuất ôtô lớn của Hàn Quốc sẽ cùng Tổng Công ty công nghiệp ôtô Việt Nam (Vina Motor) thành lập một nhà máy liên doanh sản xuất ôtô với kế hoạch sản xuất hơn 20.000 xe tải/năm.

Tiền lương ở những khu vực xung quanh sông Mekong rất rẻ, chỉ bằng 10 – 20% so với mức lương ở TP Hồ Chí Minh. Điều cơ bản là việc phát triển giao thông ở khu vực này còn chậm, khiến tình trạng chuyên chở không được như mong muốn. Từ thành phố Cần Thơ đến điểm xuất khẩu TP Hồ Chí Minh dài 200 km, mặc dù phải hai lần vượt qua sông Mekong, song mới chỉ có một cây cầu nối tuyến đường quốc lộ này. Một cây cầu mới đang được xây dựng thêm bằng nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Nhật Bản và dự kiến đến năm 2008 sẽ hoàn thành. Trong khi đó, một cảng biển có khả năng bốc dỡ container sẽ được xây dựng và hoàn thành vào năm 2010.

Việc chính phủ Việt Nam xác định khu vực sông Mekong là trọng điểm để phát triển kinh tế khiến nước này phải đầu tư thêm nhiều cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống. Để làm được điều này, việc tìm kiếm các nguồn đầu tư nước ngoài, trước tiên là Nhật Bản, là điều vô cùng cần thiết. Đây cùng là cơ hội để Nhật Bản mở rộng đầu tư vào một thị trường có tốc độ tăng trưởng cao – con rồng của châu Á./.



Theo VOV
Báo cáo phân tích thị trường