Sản xuất
Theo kết quả điều tra chăn nuôi tại thời điểm 1/8/2007, quy mô đàn trâu trên cả nước tăng 2,58%, đạt 2,996 triệu con; trong đó đàn trâu nuôi lấy thịt tăng 7,3%; trâu cày kéo tiếp tục xu hướng giảm nhẹ như các năm trước do làm đất bằng máy tăng. Đàn bò đạt 6,724 triệu con, tăng 3,29%; trong đó đàn bò thịt tăng 5,4%, đàn bò sữa giảm 14,5 nghìn con (-12,9%). Các địa phương có tổng đàn bò tăng cao so với cùng kỳ năm trước tập trung ở vùng trung du, miền núi có điều kiện đồng cỏ để chăn thả; đàn bò sữa giảm do chương trình nuôi bò sữa nhiều nơi không có hiệu quả.
Đàn gia cầm đạt 226,027 triệu con tăng 5,3%; trong đó đàn gà 157,967 triệu con tăng 3,9%, đàn thuỷ cầm trên 68 triệu con tăng 8,8%. Đàn gia cầm được khôi phục và phát triển nhanh do dịch cúm gia cầm về cơ bản đã được kiểm soát.
Đàn lợn đạt 26,561 triệu con bằng 98,9% cùng kỳ năm trước, trong đó đàn lợn thịt tăng 0,5%, đàn lợn nái giảm mạnh (-22,4%). Đàn lợn giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của dịch bệnh lở mồm, long móng và bệnh rối loạn hô hấp và sinh sản ở lợn trong những tháng đầu năm trải đều trên phạm vi cả nước, cộng với giá giá thức ăn, giá con giống tăng cao gây nhiều khó khăn cho những hộ chăn nuôi qui mô nhỏ.
Nhập khẩu
Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 70% so với nhu cầu, còn lại phải nhập khẩu để bổ sung. Nguyên nhân chủ yếu của do hiện nay ngành nông nghiệp vẫn thiếu khả năng thực hiện quy hoạch phát triển các nguồn nguyên liệu thô cũng như công nghiệp phụ trợ cho chế biến thức ăn chăn nuôi. Với trên 1 triệu ha ngô, năng suất bình quân 3,6 tấn/ha, sản lượng trên 3,6 triệu tấn ngô/năm nhưng các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu hàng trăm ngàn tấn/năm (riêng năm 2006 là khoảng 500.000 tấn). Các nguyên liệu khác như: bột cá 60% đạm, vi khoáng, amino acid… cũng phải nhập khẩu do trong nước không thể tự sản xuất hoặc nguồn cung ứng hạn chế. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá thức ăn chăn nuôi của Việt Nam luôn cao hơn so với các nước trong khu vực từ 10-20%.
Nguồn: Bộ NN PTNT
Trong nhiều năm qua, nhu cầu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi liên tục tăng. Nếu như năm 2001, kim ngạch nhập khẩu thức ăn chỉ là 200 triệu USD thì đến năm 2006, kim ngạch nhập khẩu đã tăng gấp 4 lần, đạt 800 triệu USD. Quý I/2007, kim ngạch nhập khẩu đạt 232 USD, tăng 63,8% so với quý I /2006 thì tới tháng 6/07, tổng kim ngạch dành cho nhập khẩu thức ăn chăn nuôi đã lên tới 538 triệu USD, tăng 76,3% so với 6 tháng cùng kỳ năm 2006. Kết thúc quý III/07, kim ngạch nhập khẩu thức ăn đã lên đến 902 triệu USD, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn: Tổng cục thống kê
Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thức ăn gia súc và nguyên liệu cho Việt Nam, chiếm 57,4% trong tổng kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này. Ngoài ra, thị trường này còn cung cấp cám gạo, khô dầu dừa, khô dầu hạt cải. Inđônêxia và Malaixia là 2 thị trường thường xuyên cung cấp khô dầu hạt cọ, khô dầu dừa, bột cá và chất tổng hợp chất bổ trợ cho chăn nuôi Việt Nam
Giá cả
Giá các loại thịt có xu hướng tăng nhẹ từ đầu năm 2007. Giá thịt bò trong 9 tháng nhìn chung khá ổn định, giá trung bình 75.000 VND/kg, không thay đổi so với cùng kỳ năm trước. Thịt lợn hơi biến động nhẹ, so với thời điểm đầu năm (14.500 VND/kg), cuối quý II, giá tăng lên 22.600 VND/kg (tức tăng 56% so với đầu năm). Sau đó, giá thịt lợn hơi ổn định và giảm nhẹ từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 9. Giá trung bình 9 tháng là 18.300 VND/kg, tăng 1,19% so với mức giá trung bình 18.000 VND/kg của 9 tháng đầu năm 2006. Biến động nhiều nhất là giá thịt gà ta làm sẵn. Trong 2 tháng đầu năm, giá thịt gà ta làm sẵn ổn định ở mức 46 000 đồng/kg, sau đó giá thịt gà liên tục tăng mạnh trong tháng 3 và ngày 25/3/2007 lên đến 90.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với tháng 1, đây là mức cao nhất trong 9 tháng đầu năm 2007. Sang tháng 4, giá thịt gà đã giảm mạnh 20.000 đồng/kg, và giữ ổn định ở mức 60.000 – 70.000 trong những tháng còn lại. Giá thịt gà ta trung bình trong 9 tháng đầu năm là 68.000 VND/kg, tăng 28% so với giá trung bình cùng kỳ năm 2006.
Nguồn: Trung tâm thông tin PTNT, www.agro.gov.vn
Chính sách
Theo quy hoạch phát triển chăn nuôi, dự tính đến năm 2010 nhu cầu về thức ăn tinh cho ngành chăn nuôi cần khoảng 18,6 triệu tấn và năm 2015 là 24,1 triệu tấn. Với mục tiêu giảm tỷ lệ nhập khẩu nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi xuống còn 50% vào năm 2010, Cục Chăn nuôi sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể nhằm tạo đủ nguồn thức giàu năng lượng như cám, gạo, ngô, sắn...; đồng thời chủ động khai thác tối đa nguồn nguyên liệu giàu đạm, đầu tư nghiên cứu công nghệ sản xuất hoá dược, khoáng, vi lượng, vi sinh, enzyme, công nghệ sinh học tạo nguồn nguyên liệu thức ăn bổ sung trong nước. Cục Chăn nuôi cũng kiến nghị Nhà nước có cơ chế khuyến khích các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi trực tiếp ký hợp đồng với người nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu trồng ngô, đậu tương, sắn... để có nguồn nguyên liệu ổn định.
Liên hệ với tác giả bài viết: Trần Lan Phương – tranlanphuong@agro.gov.vn