Vụ đông xuân năm 2007-2008, tỉnh Đắc Lắc có kế hoạch gieo sạ trên 25.000 ha chủ yếu là các giống lúa mới, trong đó, diện tích lúa lai chiếm 15% trong tổng diện tích gieo trồng. Dựa vào điều kiện sinh thái của địa phương, ngành khuyến nông tỉnh Đắc Lắc sau thời gian khảo nghiệm đã tuyển chọn được hàng chục loại giống lúa mới thuần chủng, có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, có năng suất, chất lượng gạo ngon, có khả năng chống chịu cao với điều kiện thời tiết bất lợi như KSB 54, KSB 218, IR 841, IR64, loại trung bình như Tam Nông 93, Khang dân 18, VD20...để chuyển giao cho các hộ nông dân đưa vào sản xuất đại trà.
Hiện đang là thời điểm nông dân 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp thu hoạch rộ lúa vụ 3 (thu đông). Thông thường năng suất lúa vụ 3 rất thấp, thế nhưng vụ 3 năm nay năng suất bình quân 5,5 - 6 tấn /ha, cá biệt có nơi lên đến 8 tấn/ha - mức cao nhất từ trước tới nay. Hàng năm, diện tích xuống giống lúa vụ 3 tại khu vực ĐBSCL khoảng 300.000 ha, cho sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn lúa, đã đóng góp không nhỏ vào sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước và tăng thu nhập cho bà con nông dân vùng lũ. Tuy nhiên, việc sản xuất lúa vụ 3 liên tục đã bắt đầu bộc lộ nhiều hạn chế. Nhiều năm không xả lũ, đất đai bị bạc màu, mầm dịch bệnh đặc biệt là rầy nâu và bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá luôn tồn tại trên đồng ruộng. Dù có giống lúa tốt kháng rầy cũng khó có thể ngăn chặn được rầy nâu lâu dài, bởi đặc tính của chúng rất dễ thích nghi, thay đổi theo môi trường. Do vậy, làm lúa vụ 3 liên tục, chi phí sản xuất của nông dân sẽ tăng cao còn lợi nhuận giảm xuống. Nhưng không thể cấm nông dân làm lúa vụ 3 bằng mệnh lệnh hành chính, mà chỉ có thể khuyến cáo để bà con thấy được những tác hại nếu canh tác lúa liên tục.
Năm 2007, tổng diện tích gieo trồng lúa của Tỉnh An Giang đạt 519.463 ha, tăng 16.000 ha so với năm trước. Đến nay, Tỉnh đã kết thúc năm sản xuất lúa 2007 với sản lượng thóc đạt 3,1 triệu tấn, tăng 175.000 tấn so với năm trước, trong đó có trên 81% thóc chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Năng suất bình quân cả năm 5,95 tấn/ha, tăng 1,4 tạ/ha so với năm 2006. Tình hình sản xuất nông nghiệp năm nay gặp rất nhiều khó khăn như dịch bệnh diễn biến phức tạp, thời tiết không thuận lợi, giá phân bón tăng cao, thiếu nhân công thu hoạch do phải xuống giống tập trung, đồng loạt để “né rầy” theo từng đợt. Với những chính sách và giải pháp phù hợp về áp dụng khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, đặc biệt là việc phát động phong trào thi đua phòng chống dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá và bệnh đạo ôn trên lúa… nên việc khống chế dịch bệnh được kịp thời và hiệu quả cao. Chương trình 3 giảm 3 tăng kết hợp tiết kiệm nước được đông đảo nông dân tham gia, năng suất tăng cao, giá thành trong sản xuất giảm, đảm bảo mức tăng trưởng trong toàn ngành.