Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hòa Bình: để mô hình chăn nuôi gà thịt sinh học không dừng lại ở việc thí điểm
24 | 06 | 2007
Năm 2006 là năm đầu tiên tỉnh Hoà Bình triển khai mô hình chăn nuôi gà thịt an toàn sinh học tại 5 huyện: Lạc Sơn, Tân Lạc, Đà Bắc, Kim Bôi với số lượng 1.000 con tại mỗi địa phương. Tính đến thời điểm này, Kim Bôi là một trong những địa phương thực hiện tốt nhất. Chỉ còn chưa đầy 15 ngày nữa là lứa gà của Kim Bôi xuất chuồng với tỉ lệ sống đạt 100%.

Kim Bôi thực hiện mô hình tại 2 xã: Trung Bì và Kim Bình với tổng số 10 hộ tham gia làm thí điểm. Anh Bùi Văn Toản (một trong những hộ thực hiện mô hình) cho biết: trước kia, gia đình nuôi giống gà ta, thả tự do. Hơn nữa, việc phòng bệnh cho gà chưa đúng quy trình nên gà hay rù và bị chết. Từ khi tham gia thực hiện theo mô hình, 100 con gà anh nuôi đều tăng trưởng tốt, cân nặng mỗi con xấp xỉ 2 kg". Quan sát chuồng gà nhà anh Toản, chúng tôi thấy: diện tích để nuôi 100 con gà không lớn lắm, rất phù hợp với tập quán chăn nuôi của đồng bào. Chỉ cần một diện tích nhỏ từ 10 đến 12 m2 là đã đủ chỗ cho 100 con gà. Chuồng gà được chia làm 2 khu: 1 khu có lợp mái và che chắn cẩn thận làm chỗ trú cho đàn gà khi mưa, gió, ấp nở. Khu thứ 2 rộng hơn một chút với khoảng không rộng dùng làm nơi cho đàn gà đi kiếm mồi tự do. Tất cả 2 khu này đều được bao quanh bằng một hàng rào ở góc vườn giúp người nuôi vừa dễ làm vệ sinh lại chuồng trại lại kiểm soát được đàn gà của mình. Việc phòng bệnh cho gà ngay từ khi mới thả giúp tránh khỏi bệnh thông thường mà gia cầm hay mắc phải: bại liệt, tụ huyết trùng... Đến ngày thứ 45, toàn bộ đàn gà sẽ được tiêm vắcxin cúm gà, đây là khâu quyết định tỉ lệ sống của đàn gà và cũng đảm bảo được tiêu chuẩn gà an toàn sinh học. Chị Bùi Thị Lý (xã Kim Bình) vui mừng cho biết: gia đình chị nuôi 102 con, số vốn ban đầu bỏ ra là 580.000 đồng. Với giá thị trường hiện nay mỗi con gà bán ra chị sẽ lãi 20.000 đồng (cao hơn giống gà trước chị nuôi từ 7.000 đến 10.000 đồng/con). Như vậy, đợt xuất chuồng lần này, sẽ thu về khoảng 2 triệu đồng trừ tất cả chi phí".

Các cơ quan chức năng của Kim Bôi nói riêng và của 2 xã Trung Bình và Kim Bình nói riêng đang đứng trước vấn đề làm cách nào để nhân rộng, kéo đồng bào tham gia thực hiện mô hình trên. Ông Bùi Văn Xiện, Chủ tịch UBND xã Trung Bình: các hộ tham gia vào mô hình đều được hỗ trợ tiền giống, thức ăn, thuốc thú y, sát trùng. Khi hết làm thí điểm thì sự hỗ trợ cũng hết có chăng chỉ là một phần nhỏ. Do vậy, để duy trì được mô hình cần phải có sự tham gia một cách tự nguyện của người dân chứ không thể ép dân làm để lấy thành tích. Riêng ở xã Trung Bình có 6 hộ tham gia thực hiện mô hình. Số hộ này sẽ là hạt nhân cho việc nhân rộng mô hình. Vì vậy, địa phương đang dự định hỗ trợ tạo nguồn vốn để 6 gia đình trên tiếp tục duy trì, từ đó giúp đồng bào thấy được hiệu quả mà tiếp tục làm theo. Riêng Trung Bình và Kim Bình thực hiện chủ trương nhân rộng từ từ không chạy theo thành tích. Nếu năm 2006, Trung Bình có 6 hộ thì sang năm 2007 chỉ tăng lên khoảng 15 hộ. Địa phương sẽ là nơi trực tiếp giúp đỡ nông dân khai thác nguồn giống tin cậy, hướng cho đồng bào chăn nuôi theo thời vụ.



Theo Agroviet
Báo cáo phân tích thị trường