Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ca cao sẽ là thế mạnh mới của nông sản
29 | 12 | 2007
- Năm 2004, dự án Success Alliance (S.A - dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ) thông qua tổ chức phi chính phủ ACDI/VOCA đã được triển khai tại 4 tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu với lợi thế là vùng trồng cây dài ngày diện tích lớn.

Sau 4 năm thực hiện (từ năm 2004 đến 2007), dự án đã đào tạo hơn 17.000 nông dân về kiến thức canh tác, sơ chế ca cao, hỗ trợ 3 triệu cây giống, phát triển thêm 7.500 ha, đưa tổng diện tích trồng ca cao lên 9.700 ha.

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, dù trồng xen canh với cây khác như dừa, cây ăn trái ở Bến Tre, cà phê ở Đắc Lắc hay điều ở Bình Phước… nhưng ca cao là cây có chi phí thấp mà thu nhập khá cao và ổn định đầu ra, khi giá cây ăn trái những năm qua đều thấp. Các giống cây ca cao VN có hàm lượng béo rất cao (55%-56%), đó là yếu tố quan trọng quyết định giá mua.

Trước đây, Tập đoàn Cargill VN đã đưa 2 mẫu hạt ca cao trồng ở Bến Tre và Đắc Lắc phân tích tại Mỹ, đều cho chất lượng rất tốt. Theo anh Nguyễn Vĩnh Thành, Giám đốc bộ phận thu mua ca cao của Cargill VN, có thể nói chất lượng hạt ca cao VN vào loại tốt nhất châu Á. Từ những kết quả của dự án S.A, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt “Đề án phát triển cây ca cao đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”, diện tích ca cao là 60.000 ha với kim ngạch xuất khẩu đạt 50 - 60 triệu USD.

Những sản phẩm từ ca cao, đặc biệt là chocolate được ưa chuộng ở châu Âu và châu Mỹ nhưng gần đây, các nước châu Á, đặc biệt là Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á cũng trở thành thị trường tiêu thụ mạnh với mức tăng trưởng 8%-12%/ năm (nhu cầu thế giới tăng 3%-4%/năm). Ngành chế biến ca cao thế giới giá tương đối ổn định, khoảng 700 USD/ tấn đến 3.000 USD/ tấn. Theo Hiệp hội Ca cao thế giới (WFC) mỗi năm thị trường thiếu khoảng 100.000 tấn. Riêng thị trường nội địa trong những năm tới cũng sẽ cần 50.000 tấn/năm. Các công ty bánh kẹo, thực phẩm trong nước như Đức Phát, Kinh Đô, Ovatine… mỗi năm vẫn phải nhập khẩu 8.000 tấn ca cao để sản xuất thành phẩm.

Cùng với việc thực hiện dự án S.A, Công ty Masterfoods (thuộc Bộ Nông nghiệp và Cơ quan phát triển quốc tế Mỹ) hỗ trợ dự án nhằm xây dựng vùng nguyên liệu đạt chất lượng và ổn định để cung cấp hạt ca cao xuất khẩu cho thị trường Mỹ. Các công ty trong và ngoài nước như Thành Phát, Cargill VN, ED & F man, Armayaro (Anh), Olam (Singapore), Mishubishi Coporation (Nhật)… đều có trạm thu mua tại Bến Tre, Bình Dương, Đồng Nai…

Sản lượng ca cao trong nước hiện nay và trong thời gian tới chưa thể đáp ứng nhu cầu mua của các công ty. Đặc biệt là sản phẩm hạt ca cao lên men của VN hiện đang rất thiếu, vì người nông dân vẫn chủ yếu bán trái tươi ngay sau khi thu hoạch. Về vấn đề này, ông Roos Jaax, Giám đốc S.A cho biết, dự án đã xây dựng 20 điểm tập huấn về lên men trong quá trình chuyển giao kỹ thuật. Hạt ca cao được lên men đúng kỹ thuật và đảm bảo chất lượng sẽ đem lại hiệu quả và lợi nhuận cao nhất cho người trồng. Song song với việc mở rộng diện tích trồng ca cao, VN cần sớm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia cho hạt ca cao phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế nhằm tránh những thiệt hại khi sắp bước vào thị trường ca cao thế giới.



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường