Xuất khẩu vào Mỹ chủ yếu vẫn là dệt may, da giày, sản phẩm gỗ, thủy sản... với tốc độ tăng trưởng năm sau luôn cao hơn năm trước ít nhất 15% trở lên.
Đồ gỗ "nhanh chân" vào thị trường Mỹ
Các sản phẩm gỗ "nhanh chân" hơn khi vào thị trường Mỹ với 1,1-1,2 tỉ USD xuất khẩu, chiếm gần một nửa kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, ước lên đến 2,3 tỉ USD trong năm vừa qua. Mặt hàng này cũng đã vượt thủy sản để vươn lên đứng thứ ba về kim ngạch xuất khẩu, chỉ sau dệt may và da giày.
Đã có rất nhiều doanh nghiệp đầu tư thêm hàng loạt nhà xưởng, máy móc để phục vụ riêng cho thị trường này khi có xu hướng đơn đặt hàng của thị trường Mỹ chuyển từ Trung Quốc sang VN. "Do Trung Quốc bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với một số chủng loại sản phẩm nên sự chuyển hướng của khách đặt hàng Mỹ sang VN nở rộ từ cuối năm 2006 và đầu năm 2007 vừa qua" - ông Nguyễn Hoàng Vũ, phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Savimex, cho biết.
Savimex đã "nhanh tay" đầu tư hơn 1 triệu USD để mở rộng thêm bốn phân xưởng sản xuất, chỉ để sản xuất riêng cho thị trường Mỹ từ cuối quí 3-2007, giải quyết thêm gần 300 công nhân có việc làm mới. Theo ông Vũ, ngay từ đầu năm 2008, tổng giá trị hợp đồng Savimex ký được đã lên đến 10 triệu USD, chủ yếu là nội thất phòng ngủ. Tương tự, Công ty cổ phần xây dựng kiến trúc AA (AA), cũng đã trúng thầu cung cấp gỗ nội thất cho hệ thống khách sạn ở Mỹ trị giá 6 triệu USD, tăng trên 70% so với năm 2007. Theo ông Chad Oven - giám đốc AAF thuộc AA, một khi đã tiếp cận và xâm nhập được vào thị trường Mỹ thì cơ hội phát triển sẽ rất thuận lợi, "nếu doanh nghiệp giao hàng thật đúng hẹn và chất lượng như đã cam kết ban đầu".
Con "át chủ bài": dệt may
Với ngành dệt may, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất của VN, chiếm đến 60% trong tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 7,8 tỉ USD của năm 2007. Hầu hết hợp đồng mà doanh nghiệp có được để xuất khẩu trong quí 1-2008 thì hàng qua Mỹ chiếm 60-70%.
Tại Tổng công ty Phong Phú, bà Phạm Thị Minh Hương, giám đốc phụ trách xuất khẩu, cho biết chỉ riêng hợp đồng cho hai quí đầu năm 2008, Phong Phú đã có trong tay khoảng 8 triệu USD, chủ yếu xuất khẩu khăn các loại và vải.
Với làn sóng đầu tư mạnh vào hệ thống cung ứng nguồn nguyên vật liệu tại chỗ như hiện nay, theo bà Hương, qui trình sản xuất của ngành đang dần được khép kín một cách hiệu quả. Và điều này càng tạo nên sự an tâm nơi khách đặt hàng Mỹ, khi "nếu so với Ấn Độ hoặc Pakistan - các đối thủ nặng ký khác của ngành dệt may VN - sự ổn định về lợi thế chính trị được đối tác Mỹ đánh giá rất cao. Và Mỹ vẫn là thị trường hấp dẫn không thể chối bỏ” - bà Hương nhấn mạnh.
Bốn chữ: uy tín, chất lượng
Theo ông Nguyễn Quốc Khanh - phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ TP.HCM (HAWA), khách hàng Mỹ đánh giá rất cao tay nghề của công nhân VN. Nếu so với sản phẩm cùng đẳng cấp với hàng sản xuất từ Trung Quốc, sản phẩm của VN được đánh giá cao hơn hẳn. So với Malaysia, VN có lợi thế về giá nhân công lao động lẫn chi phí sản xuất. Đó là lý do kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ "đột biến" tăng vọt cả về lượng lẫn chất sau ba năm bước chân vào thị trường này.
Theo ông Khanh, hiện đang có rất nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ ngoài trời, vốn chỉ thịnh ở thị trường EU, chuyển hướng sang sản xuất đồ gỗ nội thất cũng chỉ nhằm mục đích "tấn công" vào thị trường "ngon lành" này. Nhưng do là một thị trường mở, tính cạnh tranh khắc nghiệt, nên "chỉ cần một lần doanh nghiệp giao hàng không đúng hẹn, chất lượng hàng làm "lôm côm" thì ngay lập tức đối tác sẽ "bỏ” ngay mà không cho cơ hội sửa sai" - ông Khanh nói.
Còn kinh nghiệm của ông Nguyễn Lộc, trưởng phòng kinh doanh Công ty cổ phần Cadivi, muốn làm ăn "ngon lành" với đối tác Mỹ, tốt nhất là phải có giá tốt nhất và khả năng đáp ứng đa dạng chủng loại sản phẩm mà đối tác yêu cầu. "Nếu đã thật sự chọn Mỹ làm thị trường xuất khẩu chính, hãy chủ động tất cả mọi thứ để có thể đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của khách hàng, nhất là khâu chuẩn bị nguồn nguyên vật liệu" - ông Lộc nói.
Riêng với ngành dệt may, có nhiều chuyên gia cho rằng khả năng tăng trưởng của ngành có thể sẽ vượt xa chỉ tiêu 5,4 tỉ USD do Bộ Công thương đề ra, bất chấp cả chương trình giám sát hàng dệt may do Mỹ khởi xướng tiếp tục kéo dài đến hết năm 2008.
22 mặt hàng chính vào thị trường Mỹ
Năm 2007, trong 22 mặt hàng xuất khẩu chính vào thị trường Mỹ hiện nay, dệt may chiếm đến 43% (4,4 tỉ USD), da giày xếp thứ hai (khoảng 1,5 tỉ USD), đồ gỗ vươn lên xếp thứ ba (trên 1 tỉ USD), ngay sau đó là thủy sản cũng có kim ngạch tương tự.
Thị trường cạnh tranh nhưng chia đều cơ hội
Với tổng giá trị hợp đồng ký kết trong năm 2008 đạt khoảng 8,5 triệu USD, ông Nguyễn Lộc cho biết: "Đặt chân đầu tiên vào thị trường này từ năm 2005, sau ba năm "nằm gai nếm mật" Cadivi đã có sự tăng trưởng ổn định với mức 20%/năm. Cadivi phải làm mọi cách để có thể vào được thị trường này bởi đây là thị trường rộng cửa nhất, tự do nhất và sức cạnh tranh gần như chia đều cho tất cả doanh nghiệp".