1. GDP tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua
Mặc dù có những tác động bất lợi của kinh tế thế giới và thiên tai, dịch bệnh ở trong nước, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2007 đạt được khá toàn diện, với 20/23 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Trong năm 2007, năm đầu tiên Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nền kinh tế nước ta đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận: tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) tiếp tục được duy trì ở mức độ cao, đạt 8,5%; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 16%; dự trữ ngoại tệ tăng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,7%...
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Ngành nông nghiệp tuy gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn vươn lên đạt được kế hoạch. Công nghiệp đạt tốc độ tăng trưởng khá cao và tăng thêm tỷ trọng công nghiệp chế biến. Lần đầu tiên trong nhiều năm qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của GDP.
Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng khá cao (20,5%) trong năm đầu gia nhập WTO. Các cân đối kinh tế vĩ mô cơ bản được bảo đảm.
Đây mới là năm thứ 2 thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2006-2010, nhưng kết thúc năm 2007 đã hoàn thành vượt mức 10 chỉ tiêu chủ yếu, hoàn thành và hoàn thành cơ bản 17 chỉ tiêu của cả kế hoạch 5 năm. Hiện còn 25 chỉ tiêu, Chính phủ dự kiến hoàn thành sớm vào năm 2008 - được coi là năm bản lề của toàn giai đoạn.
Việc đạt được các chỉ tiêu như đã nêu trong báo cáo của Chính phủ đồng thời còn thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết về Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) do Liên hợp quốc khởi xướng.
Công tác điều hành của Chính phủ đã có nhiều đổi mới, quyết liệt hơn, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc về kinh tế-xã hội; đã phân cấp mạnh hơn cho các bộ, ngành, địa phương. Công tác thực hiện Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã được tập trung triển khai, bước đầu đã có kết quả.
Những tiến bộ đạt được về kinh tế-xã hội đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế.Vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao.
2. Vị thế của Việt Nam tiếp tục được nâng cao
Năm 2007 đánh dấu việc Việt Nam ngày càng hội nhập chặt chẽ vào nền kinh tế thế giới với việc chính thức được công nhận là thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 11/1/2007.
Bước tiến quan trọng tiếp theo trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam là trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Sự kiện này được đánh giá là "thành công ngoại giao hàng đầu" mà Việt Nam giành được kể từ khi quyết định hòa nhập cộng đồng thế giới, du mốc quan trọng của việc triển khai chính sách đa dạng hoá, đa phương hoá quan hệ quốc tế.
Gia nhập Hội đồng bảo an cũng sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tranh thủ tốt hơn sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Việc đề cử Việt Nam là ứng cử viên duy nhất của châu Á và tỉ lệ phiếu bầu đạt 96%, chứng tỏ cộng đồng thế giới đã rất tín nhiệm Việt Nam trong việc tham gia giải quyết các vn đề hoà bình, an ninh trên toàn cầu.
Đạt được vị thế mới như vậy, phải kể đến sự hỗ trợ to lớn của các hoạt động đối ngoại, trong đó những chuyến thăm cấp cao của các vị lãnh đạo Nhà nước có vai trò hết sức quan trọng.
Năm 2007 ghi nhận nhiều chuyến thăm có ý nghĩa lịch sử của các nhà lãnh đạo Việt Nam tới các đối tác kinh tế lớn đã làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương và đa phương giữa Việt Nam với các nước này trên nhiều lĩnh vực nhất là lĩnh vực kinh tế, đồng thời đóng góp tích cực vào việc duy trì hoà bình và ổn định chung của khu vực và thế giới.
Đáng chú ý, với mỗi chuyến thăm, rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam được tháp tùng đã mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho cộng đồng doanh nghiệp. Ngoài ra sự nỗ lực phấn đấu trong nội tại đất nước cũng đóng góp to lớn cho uy tín của Việt Nam.
Rất nhiều tổ chức quốc tế đã ghi nhận những cải cách của Việt Nam và đưa ra những đánh giá lạc quan về triển vọng của Việt Nam. Báo cáo về môi trường kinh doanh năm 2008 của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 9/11/2007 cho thấy môi trường kinh doanh ở Việt Nam đã thuận lợi hơn, thể hiện ở việc tăng ba bậc lên vị trí thứ 91 trong bảng xếp hạng 178 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Kết quả khảo sát về triển vọng thu hút đầu tư của Hội nghị thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) vừa công bố cũng xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 6 trong tổng số 141 nền kinh tế được khảo sát (sau Trung Quốc, n Độ, Mỹ, Nga và Brazil).
3. Thu hút vốn đầu tư đạt mức kỷ lục
Việt Nam từng bước cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao về khả năng thu hút đầu tư, làm cho nguồn vốn đầu tư phát triển tiếp tục tăng nhanh, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và đầu tư của khu vực dân cư và doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Huy động vốn đầu tư toàn xã hội năm 2007 tăng 16,4% so với năm 2006 và bằng 40,6% GDP; trong đó vốn đầu tư của khu vực dân cư và tư nhân tăng 19,5% và chiếm 34,4% tổng vốn đầu toàn xã hội.
Cam kết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh, đạt 20,3 tỷ USD. Con số này vượt mức kỷ lục 12 tỷ USD của năm 2006 và tăng 69,1% so với cùng kỳ năm trước. Cam kết đầu tư FDI tăng ngoạn mục rõ ràng được thúc đẩy bởi việc Việt Nam gia nhập WTO. Các nhà đầu tư xem tư cách thành viên WTO không chỉ mang lại nhiều cơ hội đầu tư hơn, mà cả sự an tâm về khả năng tiên liệu trước những việc sẽ xảy ra và quyết tâm thực hiện các cải cách chính sách đi kèm. Việt Nam đã chứng tỏ là ngôi sao đang lên ở khu vực châu Á xét về mức độ thu hút đầu tư.
Dòng vốn đầu tư gián tiếp cũng tăng mạnh trong năm 2007 nhờ sự phát triển nhanh chóng của các thị trường vốn, đặc biệt là thị trường chứng khoán đang trên đà mở rộng về lượng. Theo số liệu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài tính đến thời điểm cuối năm 2007 đạt 7,6 tỉ USD.
Tổng mức vốn gián tiếp trong 5 năm qua ước đạt khoảng 12 tỉ USD. Nếu tính theo giá trị vốn gốc gián tiếp vào Việt Nam, báo cáo của Ngân hàng ANZ thống kê luồng vốn gián tiếp thực vào Việt Nam năm 2007 khoảng 5,7 tỉ USD và sẽ đạt khoảng 7,3 tỉ USD năm 2008.
Hiện có khoảng 25 quỹ đầu tư nước ngoài quy mô lớn đang tham gia đầu tư tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Trong đó, nguồn vốn đổ vào nhiều nhất là ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, tài chính.
Tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG 2007) vừa kết thúc vào đầu tháng 12/2007, cộng đồng tài trợ quốc tế cũng đã cam kết viện trợ cho Việt Nam hơn 5,4 tỉ USD, mức cao nhất từ trước tới nay.
Bên cạnh nguồn ODA thông thường, các nhà tài trợ đã bắt đầu mở ra những kênh ODA mới với quy mô lớn cho Việt Nam, trong đó có nguồn tín dụng hỗ trợ thông thường (OCR) của ngân hàng ADB, nguồn vốn tái thiết và phát triển (IBRD) của WB bên cạnh nguồn vốn ưu đãi IDA.
Năm nay cũng là năm lượng kiều hối của kiều bào ở nước ngoài chuyển qua các dịch vụ ngân hàng tăng đột biến. Theo con số thống kê được của Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài, lượng kiều hối chuyển về Tp.HCM năm 2007 trên 6 tỷ USD. Một số thống kê thực tế khác ước đạt mức kỷ lục 10 tỉ USD. Dự báo dòng vốn đầu tư tiếp tục tăng trong những năm tới.
Tuy nhiên, chỉ số ICOR vẫn đang nằm trong xu thế tăng. Điều này cho thấy việc nâng cao hiệu quả vốn đầu tư, đang là thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam.
4. Xuất khẩu tăng cao, nhập siêu lớn
Kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt 48,38 tỷ USD, tăng 21,5% so với năm trước. Tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người đạt khoảng 568 USD, cao nhất từ trước tới nay.
Tỷ lệ xuất khẩu hàng hoá trên GDP tăng cả về tổng số lẫn xuất khẩu hàng hoá ngoài dầu thô. Hiện tổng kim ngạch xuất khẩu chiếm 67,9% GDP.
Năm 2007 là năm có mức độ tăng cao về xuất khẩu các mặt hàng nông nghiệp, may mặc, điện tử và máy tính. Có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD là dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ sản, sản phẩm gỗ, điện tử máy tính, cà phê, gạo và cao su với kim ngạch đạt 33 tỷ USD, chiếm 68,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 60,83 tỷ USD, cũng là mức kỷ lục từ trước tới nay, tăng tới 35,5% so với năm 2006. Sở dĩ có sự gia tăng này là do nhu cầu đầu tư lớn và nhu cầu nguyên vật liệu đầu vào đi kèm với mở rộng sản xuất công nghiệp.
Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt trên 10 tỷ USD, xăng dầu đạt trên 7 tỷ USD, sắt thép đạt gần 5 tỷ USD, vải 4 tỷ USD, điện tử máy tính và linh kiện đạt gần 3 tỷ USD.
Do tốc độ tăng nhập khẩu cao gấp rưỡi tốc độ tăng xuất khẩu, nên đã nâng mức nhập siêu lên mức kỷ lục với kim ngạch tăng 12,45 tỉ USD, tỉ lệ nhập siêu/xuất khẩu đã tăng trên 70% so với năm 2006.
Mặc dù nhập siêu tăng cao chủ yếu do biến động giá trên thị trường thế giới. Giá các mặt hàng xăng dầu, sắt thép, phân bón, chất dẻo, giấy sợi, dệt, bông trên thị trường thế giớI tăng cao. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn thừa nhận có những mặt hàng trong nước có thể sản xuất được nhưng chúng ta vẫn phải nhập khẩu.
Hơn nữa, trong khi xuất siêu với Mỹ, EU,… chúng ta lại nhập siêu lớn đối với các nước trong khu vực. Tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trên tổng kim ngạch nhập khẩu đã tăng từ 13% năm 2004 lên gần 19% năm 2007. Tỷ trọng cũng cao với các nước ASEAN một phần do Việt Nam nhập khẩu phần lớn xăng dầu từ các nước này.
5. Chỉ số giá tiêu dùng ở mức hai chữ số
Nếu năm 2000, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Việt Nam đứng hàng thấp nhất trong các nước mới nổi ở Đông Á, thì năm 2007, chỉ số này của Việt Nam lại ở mốc cao nhất.
Diễn biến giá cả thị trường năm 2007 khác với mọi năm. Tháng 3 giá giảm sau khi tăng đột biến vào tháng 2 do nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Từ tháng 4 đến tháng 5, CPI tăng liên tục và tăng cao. Đến tháng cuối năm, CPI tăng vọt lên 2,91% so với tháng 11/2007 và ở mức 12,63% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, CPI bình quân năm 2007 so với năm 2006 là 8,3%.
Đặc trưng của chỉ số giá tiêu dùng năm 2007 là hầu hết các nhóm hàng đều có tốc độ tăng giá cao hơn năm trước. Đặc biệt, các nhóm hàng lương thực thực phẩm và vật liệu xây dựng tăng mạnh (11-15%), tỷ trọng của các nhóm này chiếm khoảng 52,8% trong rổ hàng hóa tính CPI, nhóm hàng dược phẩm và y tế cũng tăng 5,12%. Chỉ số giá vàng cũng tăng ở mức cao 13,62%. Ngược lại, nhóm hàng bưu chính viễn thông lại giảm 2,81%.
Khảo sát trên thị trường những ngày gần đây của Tổ điều hành thị trường trong nước cho thấy, giá một số mặt hàng đã bắt đầu tăng khoảng 10%-20% nhất là nước giải khát, thực phẩm chế biến, đông lạnh, bánh kẹo...
Tiến sĩ Lý Minh Khải, Tổng cục Thống kê, cho biết, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 1 và tháng 2/2008 sẽ tiếp tục tăng ở mức cao, thậm chí có thể tăng hơn tốc độ của những năm trước đây. Tết Nguyên đán năm nay sẽ rơi vào tuần đầu tháng 2, nên rất có thể tháng 2/2008 có thể là tháng cực đại về chỉ số giá tiêu dùng.
Theo dự báo, nếu tháng 1/2008 chỉ số giá tiêu dùng sẽ ở mức 1,2%-1,5% thì tháng 2 sẽ nhảy lên 2,5%. Và người tiêu dùng sẽ tiếp tục "gồng mình" để đón cơn bão giá mới trong dịp tết này.
Hai nguyên nhân gây tăng giá được nhắc đến nhiều nhất là mặt bằng giá thế giới tăng quá cao và sức ép lớn từ nguồn vốn nước ngoài. Giá vàng, giá xăng dầu lên mức kỷ lục do nguồn cung của nước ta chịu tác động lớn từ thị trường thế giới.
Tổng nguồn vốn nước ngoài đổ vào Việt Nam trong năm 2007 vào khoảng 14-15 tỷ USD, một con số cao hơn nhiều dự đoán từ đầu năm và gây biến động lớn về cân đối tiền hàng. Đây cũng là bài học cho công tác quản lý, điều hành và dự báo giá của nước ta.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, CPI năm 2008 (theo cách tính mới) có thể trong khoảng 8,2-8,5% so với năm 2007.
6. Thị trường chứng khoán tăng trưởng rất mạnh
Có thể nói trong năm 2007, quy mô thị trường chứng khoán Việt Nam tăng rất mạnh, giá trị giao dịch tăng rất cao, tương đương 3 lần so với năm 2006.
Tổng giá trị vốn hóa thị trường đến ngày 28/12/2007 đã đạt gần 500 nghìn tỉ đồng (sàn Tp.HCM 370 nghìn tỉ đồng, sàn Hà Nội 130 nghìn tỉ đồng). So với GDP tính theo giá thực tế năm 2007 (ước đạt 1.140 nghìn tỉ đồng), thì tổng giá trị vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 43,8%, cao hơn rất nhiều so với năm 2006 chỉ đạt 22,7% và năm 2005 là 1,21%, vượt xa mục tiêu đề ra cho đến năm 2010.
Nếu tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái, thì tổng giá trị vốn hóa thị trường của Việt Nam mới đạt khoảng 31,25 tỉ USD, còn thấp xa so với quy mô của các thị trường trong khu vực, ở châu Á và trên thế giới.
Tuy nhiên, với đà tăng tốc được đánh giá là vững chắc hơn trong năm 2007 và những năm tiếp theo do chủ yếu là tăng về khối lượng chứng khoán, thì giá trị vốn hóa thị trường chắc chắn sẽ đạt mức 70-100 tỷ USD trong vòng 1, 2 năm tới.
Cũng trong năm 2007, hoạt động huy động vốn được xem là một đặc trưng nổi bật của thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng huy động vốn ước đạt 90.000 tỷ đồng thông qua đấu giá, phát hành thêm trên thị trường chính thức, tăng gấp 3 lần so với tổng mức huy động vốn của năm 2006.
Có 179 doanh nghiệp đã được phép chào bán 2,46 tỷ cổ phiếu ra công chúng, tương ứng với khoảng trên 48.000 tỷ đồng, gấp 25 lần so với năm 2006. 3.468 triệu trái phiếu tương ứng với 3.750 tỷ đồng cho ba ngân hàng thương mại cổ phần, 25 triệu chứng chỉ quỹ tương ứng 250 tỷ đồng cho Quỹ tăng trưởng Manulife.
Chính sự hấp dẫn này của thị trường chứng khoán đã ngày càng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thị trường chính thức, tổng số tài khoản giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 7.500 tài khoản, trong đó nhà đầu tư tổ chức khoảng 300 tài khoản, tăng gấp 3 lần so với năm 2006, nắm giữ từ 25-30% cổ phần của công ty niêm yết và doanh số giao dịch chiếm khoảng 18% giao dịch toàn thị trường.
Nếu tính cả thị trường không chính thức thì tổng giá trị danh mục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 20 tỷ USD, trong đó trên thị trường chính thức là 7,6 tỷ USD.
Trong năm 2008, luồng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tăng hơn nữa và đặt ra thách thức trong việc thu hút và quản lý dòng vốn ngoại này.
7. Thị trường tiền tệ: Một năm được mùa
So với 2006 thì năm 2007, được coi là năm "được mùa" của thị trường ngân hàng.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, tính đến hết 2007 và so với 2006, tổng nguồn vốn huy động trong toàn hệ thống ngân hàng thương mại tăng 36,5%, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế ước tăng khoảng 34%.
Đặc biệt, khối ngân hàng thương mại cổ phần có tốc độ tăng trưởng dư nợ lên tới 103% so với năm 2006 và tăng 65% nếu so cuối năm với đầu năm. Chưa kể, thị phần tín dụng của khu vực này cũng tăng tới 24,7% so với tỷ lệ 19,7% của thời điểm cuối 2006.
Năm 2007 còn đánh dấu bước chuyển biến lớn của các ngân hàng thương mại, nhất là khối cổ phần trong việc mở rộng mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch trên khắp cả nước nhằm chiếm lĩnh thị phần trước khi lộ trình mở cửa ngân hàng được mở cửa hoàn toàn.
Theo đó, Techcombank hiện có 120 điểm giao dịch tại 22 tỉnh thành; VIB phát triển 80 chi nhánh và 37 tổ công tác trên khắp cả nước; ACB với 111 chi nhánh và phòng giao dịch. Một số ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động từ nông thôn lên thành thị như SHB cũng nhanh chân phủ sóng mạng lưới khắp toàn quốc.
Cùng với đó, năm 2007 còn đón nhận thêm 4 thành viên mới là Ngân hàng Dầu khí, Bảo Việt, Liên Việt và FPT, hứa hẹn cuộc cạnh tranh thị phần ngày càng gay gắt hơn.
Thêm một sự kiện lớn trên thị trường ngân hàng trong năm nay là hai hệ thống thẻ Banknetvn và Smartlink thực hiện kết nối với nhau, chấm dứt một thời gian dài "cát cứ" trong làng thẻ ngân hàng.
Ngoài ra, bên cạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của tín dụng, các ngân hàng đã biết chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ đa dạng, đặc biệt là triển khai các sản phẩm phái sinh mà đi đầu là BIDV và Techcombank...Đặc biệt, nếu như các năm trước, hầu hết các ngân hàng thường rơi vào cảnh thiếu vốn nhưng năm nay, hầu hết các ngân hàng đều dư vốn và đạt lợi nhuận cao.
Nhiều ngân hàng như Mbank, SHB, VAB, Habubank, Techcombank, VIB..., đã biết tận dụng cơ hội này để đầu tư có chiều sâu vào nhân lực, công nghệ cũng như phát hành cổ phiếu tăng vốn.
Tuy nhiên, xét về tổng quan thị trường tiền tệ trong năm qua thì vẫn còn bộc lộ một số điểm đáng lưu ý.
Thứ nhất, chính sách điều hành tiền tệ vẫn còn không ít bất cập, nhất là sự lúng túng trong việc góp phần kiềm chế lạm phát. Cùng với đó, việc mua nhiều USD vào dự trữ nhằm theo đuổi chính sách "neo" tỷ giá giữa cặp tiền VND/USD để hỗ trợ xut khẩu đang bộc lộ không ít khó khăn nht là trong bối cảnh đồng USD đang bị xuống giá.
Thứ hai, việc IPO Vietcombank với mức giá đấu bình quân gia quyền chỉ cao hơn khoảng 7.000 đồng so với mức giá khởi điểm đấu giá đã cho thấy, con đường cổ phần hóa các ngân hàng quốc doanh không hề phẳng lặng.
Thứ ba, một hiện tượng trong nhiều năm gần đây là vào dịp cuối năm, khả năng thanh khoản các khoản vay ngắn hạn của ngân hàng thương mại rất kém. Thực tế này dẫn đến có những thời điểm lãi suất qua đêm tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng lên tới 15%/năm. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã kịp thời can thiệp thông qua các nghiệp vụ mua bán công cụ nợ của thị trường mở nhưng rõ ràng, đó chưa phải đã quyết được tận gốc vấn đề.
8. Thị trường bất động sản "tan băng"
Năm 2007 là quãng thời gian mà các mảng thị trường bất động sản ở nhiều thành phố lớn của Việt Nam trở lại sôi động.
Số dự án bất động sản được đầu tư xây dựng và giao dịch tăng lên mạnh mẽ so với những năm trước đó. Giá bán và thuê bất động sản cũng tăng so với năm 2006.
Năm 2007, tại Tp.HCM có thêm 50 cao ốc văn phòng với tổng diện tích 450.000m2 đi vào hoạt động, tại Hà Nội, con số này là 63 cao ốc với tổng diện tích 358.000m2. Hầu hết các khách sạn cao cấp, văn phòng cho thuê tại các thành phố lớn đều đạt công suất 95-100%. Giá cho thuê văn phòng tại các trung tâm lên mức từ 20- 40 USD/m2, cá biệt có nơi lên đến 100 USD/m2.
Trong năm qua, một điểm đáng chú ý là dòng vốn FDI tăng trưởng mạnh mẽ có khá nhiều dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản có quy mô lớn: dự án Khu đô thị đại học quốc tế (Tp.HCM) trị giá 3,5 tỷ USD, dự án Cụm công trình công viên, khách sạn tại hồ Yên Sở (Hà Nội) trên 2 tỷ USD, dự án xây dựng tổ hợp dịch vụ cao cấp ở khu đô thị mới Cầu Giấy cho tập đoàn Keangnam của Hàn Quốc trị giá 500 triệu USD.... cùng hàng chục dự án khác trị giá hàng tỷ USD đang trong giai đoạn xúc tiến đầu tư.
Với chủ trương điều chỉnh quy hoạch vùng Thủ đô, vùng đô thị Tp.HCM, dự báo thu hút lượng vốn đầu tư FDI khổng lồ tại các tỉnh Nam Trung bộ... Các dự án đầu tư xây dựng tại các khu vực lân cận bùng nổ mạnh mẽ.
Giá chuyển nhượng đất, nhà lô và giá nhà chung cư tại các khu vực đều tăng từ 3-4 lần, có nơi lên tới hàng chục lần. Cũng nhờ thị trường sôi động, giá cổ phiếu của không ít doanh nghiệp trong và ngoài ngành có dự án địa ốc như Lilama, Trường Hải, Viglacera, Viettonic Tân Bình, Nhiệt điện Phả Lại, Sơn Đồng Nai... đã tăng mạnh.
Nhiều dự báo và đánh giá năm 2008 thị trường bất động sản sẽ tiếp tục khởi sắc khi nhu cầu hạ tầng sẽ tăng cao để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế nhanh của Nhà nước, cùng với sự có mặt ngày càng nhiều của các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản lớn trên thế giới, sự nhập cuộc của các ngân hàng bên cạnh các dịch vụ tư vấn và tiếp thị,..
9. Ùn tắc, tai nạn giao thông gây thiệt hại nặng nề
Năm 2007 được xem như một năm "u ám" của ngành giao thông khi mà tình hình trật tự an toàn giao thông diễn biến vô cùng phức tạp.
Kẹt xe, tắc đường, số người tử vong tai nạn giao thông luôn là đề tài "nóng" thu hút được sự quan tâm của dư luận. Theo thống kê của Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia, năm 2007, trên địa bàn cả nước xảy ra 13.290 vụ tai nạn giao thông, làm 11.909 người chết và 9.859 người bị thương. Trung bình mỗi tháng lại có gần 1.100 người chết vì tai nạn giao thông.
Không chỉ gây thiệt hại về người, ùn tắc và tai nạn giao thông tại các đô thị đã gây thiệt hại to lớn về kinh tế. Chỉ riêng Tp.HCM ước tính mỗi năm mất 14.000 tỷ đồng, con số này bằng gần một nửa nguồn thu ngân sách nội địa của thành phố năm 2007, tương đương với nguồn vốn xây dựng toàn bộ hệ thống thủy lợi giai đoạn 2006-2010 cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Như vậy, nếu tính cả Hà Nội và các địa phương khác con số thiệt hại ước tính lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Đã có nhiều nguyên nhân được đưa ra phân tích và mổ xẻ, và tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu như: ý kiến tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, chưa đảm bảo hài hòa với phát triển phương tiện giao thông; phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh và đặc biệt chưa có chiện lược phát triển về phương tiện giao thông và phát triển hợp lý về phương tiện giao thông công cộng.
Trong năm, từ Chính phủ đến Bộ Giao thông Vận tải và các cơ quan chức năng đã phải đau đầu tìm phương cách giải quyết, nhiều lúc còn tỏ ra khá bế tắc. Chính phủ đã phải khẩn cp ban hành Nghị quyết 32/2007/CP đưa ra một số giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông; sửa đổi Nghị định 146 thay thế Nghị định152 nhằm tăng cường xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Bên cạnh đó, còn có không ít những đề xuất gây "sốc" mạnh cho người dân: thu phí phương tiện tham gia giao thông vào giờ cao điểm, tăng phí sử dụng cá nhân, bố trí học lệch giờ, lệch ca..., tuy nhiên tất cả mọi biện pháp vẫn chưa đủ để hạn chế, giảm thiểu tai nạn theo xu hướng ngày càng tăng.
Khép lại một năm đầy biến động, giao thông vận tải cũng tìm cho mình một điểm sáng khi Nghị quyết 32/CP về việc bắt buộc người tham gia giao thông đội mũ bảo hiểm trên mọi cung đường đã được triển khai thành công.
Từ ngày 15/12, tuyệt đối đại bộ phận người dân đã nghiêm chỉnh chấp hành và đội mũ bảo hiểm thực sự đã trở thành một nét đẹp văn hóa.
10. Thảm họa thiên tai, sập cầu và lở núi
So với 10 năm trước đây thì mức độ bão, lũ nhiều hơn cả về cường độ lẫn số lượng. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong tháng 11, thiên tai đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại 15 tỉnh, thành phố thuộc Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ, với hàng trăm người chết, mất tích và bị thương cùng thiệt hại về vật chất lên đến hàng ngàn tỷ đồng.
Thiên tai, chủ yếu là các đợt triều cường, mưa lũ và lốc xoáy, đã làm 117 người chết, 9 người mất tích và 88 người bị thương. Thiệt hại về vật chất ước tính lên tới hơn 3.400 tỷ đồng do lũ, lốc xoáy làm hư hại hoặc sập đổ hơn 400.000 ngôi nhà; nhiều diện tích lúa, hoa màu và thủy sản nuôi trồng bị hư hại hoặc cuốn trôi; hàng trăm nghìn m3 đất đê, đường kênh mương và đường xe cơ giới, bị cuốn trôi.
Các đợt lũ lụt liên tiếp xảy và đặc biệt cơn bão số lịch sử số 5 đã đã làm số hộ và số nhân khẩu thiếu đói tăng cao. 4.000 người lâm vào tình trạng không có nhà ở.
Trong tháng 11 đã có 88.600 hộ với 340.300 nhân khẩu thiếu đói, chiếm 0,76% về số hộ và 0,67% số nhân khẩu nông nghiệp của cả nước. So với tháng trước đó, số hộ thiếu đói tăng gấp 2,3 lần và số nhân khẩu thiếu đói tăng gấp 1,9 lần. Nếu so với cùng kỳ năm trước, số hộ thiếu đói gấp 4,4 lần và số nhân khẩu thiếu đói gấp 3,6 lần.
Khoảng 8 giờ sáng ngày 26/9/2007, cầu Cần Thơ (đang xây) đã bị sập nhịp cầu dẫn dài 90m phía bờ Vĩnh Long. Vụ sập cầu này đã làm cho hàng chục người chết, thiệt hại ước tính trên 40 tỷ đồng. Sự cố sập cầu Cần Thơ đã được Hãng thông tấn AFP của Pháp bình chọn là một trong 10 thảm họa lớn của thế giới năm 2007.
Cùng với thảm hoạ sập cầu Cần Thơ, ngày 15/12, một vụ sập núi đá kinh hoàng đã xảy ra tại công trường thuỷ điện bản Vẽ (Tương Dương - Nghệ An). 18 công nhân đang làm việc đã bị núi đá đè chết dưới lớp sâu hàng chục mét.
Vụ sập núi đá xảy ra tại khu vực khai thác mỏ đá D3 để lấy đá thi công công trình thuỷ điện bản Vẽ. Trong lúc đang làm việc thì bất ngờ núi đá từ ngọn núi cao hàng trăm mét ào ào đổ xuống. Tất cả công nhân làm việc phía dưới không kịp trở tay. Ước tính thiệt hại về vật chất gần 20 tỷ đồng.