Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cần hài hòa hóa các “tuyến” hội nhập
14 | 03 | 2008
Tiến sĩ Võ Trí Thành, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương cho rằng: “Bên cạnh những tác động tích cực, các cam kết thương mại song phương, khu vực và đa phương có thể gây tác động “méo mó” trong việc phân bổ nguồn lực do chệch hướng thương mại (khác biệt thuế quan, qui tắc xuất xứ) và đầu tư (lĩnh vực dịch vụ có thể không thu hút được nhà cung ứng tốt nhất); hạn chế việc tham gia có hiệu quả vào mạng sản xuất khu vực; làm tăng phí tổn thực thi (qui trình thuế quan, tổ chức thực hiện) và tổn phí đàm phán không cần thiết. Để khắc phục những hạn chế này nhằm tận dụng tốt nhất các cơ hội phát triển, cần hài hòa hóa các tuyến hội nhập”.
Đó là lời phát biểu của Tiến sĩ Võ Trí Thành tại Hội thảo “Các cam kết thương mại khu vực, mối quan hệ với WTO và tác động đến Việt Nam” do Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP - Uỷ ban châu Âu tài trợ) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức ở Hà Nội vừa qua.
Đánh giá tác động từ việc thực thi các cam kết thương mại song phương, khu vực và đa phương, các chuyên gia dự án MUTRAP cho rằng, hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn so với hội nhập khu vực. Tuy nhiên, sự chênh lệch giữa lợi ích đạt được trong các ngành khác nhau cũng có thể làm nảy sinh những vấn đề về cấu trúc và phân phối thu nhập nếu không có chính sách phù hợp. Việc tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương và khu vực có thể mang lại nhiều kinh nghiệm hữu ích trong đàm phán và đối phó với sự cạnh tranh từ bên ngoài, thúc đẩy áp dụng công nghệ để có đủ năng lực cạnh tranh quốc tế... Song, rủi ro có thể nảy sinh là làm phân tán, chệch hướng các nguồn lực cần thiết khỏi các cuộc đàm phán đa phương dẫn tới xu hướng bảo hộ của những nhóm vận động hành lang cấp khu vực gây ra xáo trộn, tăng chi phí hành chính của nhiều qui tắc về xuất xứ khác nhau; có thể dẫn tới tăng gánh nặng về thủ tục hải quan, qui tắc xuất xứ, thành lập các nhóm công tác khác nhau, làm cạn kiệt nguồn lực và tăng gánh nặng chi phí giao dịch.
Bài học thực tiễn sau 1 năm Việt Nam hội nhập WTO cho thấy, sự kết hợp và tận dụng quá trình hội nhập để thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế chính là nhân tố quan trọng nhất tạo niềm tin, qua đó thúc đẩy đầu tư, kinh doanh phát triển. Hội nhập càng sâu, rộng tiềm năng vốn có của Việt Nam càng được khơi dậy và Việt Nam vẫn có nhiều mặt hàng có khả năng cạnh tranh dựa trên lợi thế so sánh tĩnh. Quá trình cạnh tranh và thu hút khá hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài (FDI) bước đầu đã chứng minh Việt Nam cũng có thể tạo dựng tốt lợi thế cạnh tranh động. Tuy nhiên, hội nhập sâu, rộng hơn đồng nghĩa với việc quản trị rủi ro, ổn định kinh tế vĩ mô phức tạp hơn; giữa nhu cầu và khả năng hiện thực đạt tốc độ tăng trưởng cao mâu thuẫn với năng lực quản trị phát triển (xử lý các vấn đề xã hội, qui hoạch, phát triển kết cấu hạ tầng…); hoạt động kinh doanh sôi động, đa dạng gắn với cơ hội tạo lợi nhuận nhanh chóng đối nghịch với sự bất cập trong quản trị rủi ro của doanh nghiệp và năng lực giám sát tài chính (khung khổ pháp lý, kỹ năng và sự phối hợp tổ chức bộ máy)...
Tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương, khu vực và đa phương là một thực tế Việt Nam đang thực hiện. Để tận dụng tốt và phát huy hiệu quả hơn các cơ hội, giảm thiểu tác động tiêu cực từ các tuyến hội nhập đa dạng này, việc hài hoà là cần thiết. Theo đó, các hiệp định thương mại về cơ bản là theo nguyên tắc thị trường, ông Thành cho rằng, xây dựng thể chế thị trường chính là nhân tố quan trọng nhất cho việc hài hòa hóa các tuyến hội nhập. Nhà nước, thị trường, hội nhập bổ sung không loại trừ nhau. Việc thực hiện vai trò/chức năng quản lý nhà nước cần chuyển trọng tâm sang chính sách có lan tỏa tích cực đến toàn bộ nền kinh tế (ổn định vĩ mô, phát triển kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực…) theo qui tắc, song tăng tính linh hoạt và coi trọng rà soát, giám sát (độc lập, chuyên nghiệp, có tầm nhìn tổng thể, minh bạch).
Tiếp đến cần phải kết hợp giữa cải cách bên trong với liên kết đa phương nhằm tăng hiệu quả, giảm thiểu “méo mó” thương mại và đầu tư do các hiệp định tự do hóa thương mại gây ra; thực hiện nghiêm các cam kết sẽ hơn là tìm cách né tránh (nhất là với dịch vụ); chủ động tham gia vào vòng đàm phán Doha bám sát nguyên tắc mở cửa đảm bảo lựa chọn nhà cung ứng dịch vụ tốt nhất và với tư cách nước xuất khẩu nông sản.
Trong khuôn khổ khu vực, cần thúc đẩy liên kết Đông á và các liên kết khác (ASEAN +) trên cơ sở xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) làm trục; chủ động thúc đẩy và thực hiện các nỗ lực, sáng kiến nhằm củng cố liên kết ASEAN và xây dựng AEC gắn với việc kiện toàn và tăng cường Ban Thư ký ASEAN cùng các cơ chế giải quyết tranh chấp; linh hoạt hóa trong việc thực hiện các nguyên tắc cơ bản của ASEAN (nguyên tắc đồng thuận và không can thiệp); thúc đẩy các lĩnh vực có lợi thế so sánh và tác động thuận lợi hóa thương mại và đầu tư (du lịch, hậu cần…); xây dựng khung khổ cho dịch chuyển lao động ít kỹ năng; tạo dựng cơ chế phối hợp thống nhất hơn trong đối thoại, quan hệ với các đối tác ngoài khối...
Đối với hợp tác quốc tế song phương, cần quan hệ với các đối tác lớn thông qua các hình thức cam kết đa dạng (có thể vượt qua ngoài khuôn khổ thương mại, đầu tư, chẳng hạn hợp tác nâng cao năng lực…); tăng cường hợp tác với EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản… trên các lĩnh vực đầu tư, dịch vụ chất lượng cao, chuyển giao công nghệ, tận dụng vai trò “công xưởng thế giới” của Trung Quốc và một số lợi thế dịch vụ của ấn Độ để thúc đẩy liên kết theo mạng sản xuất trong khu vực…


Theo VENO
Báo cáo phân tích thị trường