Đây tưởng như là thời vàng son của ruộng lúa gắn bó với ông Pomchan Luanguana (ở Lào) suốt hơn 3 thập kỷ qua khi giá gạo liên tục leo thang.
Tuy nhiên, ông Pomchan, cũng giống như nhiều nông dân khác trên khắp châu Á, không được hưởng lợi từ việc giá gạo tăng cao. Gia đình ông tiêu thụ hầu hết số lúa gạo thu được từ khu ruộng nhỏ của mình.
Với những người hàng xóm của ông, tình hình còn tồi tệ hơn: Họ phải ngừng làm ruộng vì giá nhiên liệu, phân bón và thuốc trừ sâu tăng vọt. “Các cánh đồng trống trơn”, ông Pomchan cho biết.
Tại các nông trại công nghệ cao ở Mỹ, giếng dầu ở Arập Xê út, mỏ than ở Australia, nông dân, thợ mỏ tiếp tục được hưởng lợi khi giá cả hàng hoá tăng mạnh.
Tuy nhiên, với hầu hết nông dân trồng lúa ở châu Á, hàng hoá họ sản xuất ra cuối cùng đều được quy đổi thành “thực phẩm trong dạ dày”, không phải là tiền mặt trong tài khoản ngân hàng. Robert Zeigler, Giám đốc Viện Nghiên cứu gạo quốc tế có trụ sở ở Philippines, cho rằng khi giá cả leo thang, hầu hết nông dân đều không được hưởng lợi vì số gạo họ thu được thậm chí còn ít hơn nhu cầu thực tế của họ.
Giá gạo bắt đầu có xu hướng tăng từ đầu thập kỷ này, nhưng gần đây, nó không chỉ tăng mà “nhảy vọt”. Giá gạo loại B của Thái Lan đạt 795 USD/tấn vào tuần trước, tăng 147% so với cách đây một năm.
Bà Kwanchai Gomez, Giám đốc điều hành Quỹ lúa gạo Thái Lan, khẳng định: “Chưa ai từng chứng kiến lúa gạo tăng cao như vậy, ít nhất trong suốt cuộc đời tôi tính đến nay”. Bà Gomez năm nay đã 68 tuổi. Giá gạo thậm chí trở thành vấn đề “nhạy cảm chính trị” ở một số nước châu Á.
Tại Philippines, nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, Chính phủ cảnh báo bất kỳ ai đầu cơ gạo có thể bị buộc tội phá hoại nền kinh tế và phải lĩnh án tù chung thân.
Thái Lan đến nay vẫn là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, hầu hết nông dân Thái Lan cũng không được hưởng lợi khi giá gạo tăng cao. Nông dân Thái Lan nói chung có quy mô canh tác lớn hơn, hiện đại hơn so với Lào và các khu vực xa xôi của châu Á, nhưng sản lượng lúa gạo của họ vẫn thấp.
Có lẽ nguyên nhân chủ yếu là do họ chưa có phương pháp tốt để bảo quản lúa gạo. Hầu hết nông dân Thái Lan bán gạo ngay sau vụ chính vào tháng 11, khi nguồn cung dồi dào nên giá thường thấp nhất. Giá gạo trắng Thái Lan hiện nay cao hơn 122% so với tháng 11/2007. Tuy nhiên, cũng có một số nông dân Thái Lan áp dụng phương pháp canh tác hiện đại – có thể thu hoạch 4 vụ mùa mỗi năm - được hưởng lợi từ giá gạo tăng. Số này chiếm khoảng 25% tổng số nông dân Thái Lan.
Được hưởng lợi nhiều nhất chính là chủ cơ sở xay xát, nhà đóng gói...vì họ có thể “găm” gạo lại để chờ giá lên cao mới bán ra. Korbsook Iamsuri, chủ của Kamolkij, công ty xuất khẩu kiểm soát khoảng 5% thị trường xuất khẩu của Thái Lan, cho biết việc giá bất ngờ tăng khiến một số nhà xuất khẩu mất hàng chục ngàn USD.
Theo ông Iamsuri, việc “găm” gạo giống như đánh bạc vì giá gạo có thể tăng hoặc giảm. Nhiều khách hàng trên toàn thế giới đang phụ thuộc vào gạo Thái Lan, bao gồm các nước Trung Đông và châu Phi. Nếu giá gạo tiếp tục tăng, có thể là thảm hoạ đối với người nghèo ở châu Á, những người dùng hầu hết thu nhập của họ vào lương thực phẩm và gạo là thứ không thể thiếu.
Bà Kwanchai cho rằng nông dân châu Á sẽ được hưởng lợi từ giá gạo cao nếu hiện đại hoá sản xuất để tiết kiệm chí phí và nâng cao sản lượng. Nông dân Thái Lan trung bình thu hoạch 2,63 tấn lúa/héc ta so với 6,22 tấn/héc ta tại Trung Quốc; 4,22 tấn tại Indonesia; 3,03 tấn tại Ấn Độ và 7,55 tấn tại Mỹ.