Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Hiệp hội Điều VN cố gắng giải quyết, tránh gây kiện tụng
04 | 06 | 2008
Vì chậm giao hàng cho các đối tác nước ngoài; vừa qua, đại diện các DN Anh Quốc đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ VN lăm le sẽ đưa 38 DN xuất khẩu hạt điều VN ra toà án quốc tế.
Việc này gây sự chú ý của cộng đồng DN... PV Lao Động đã phỏng vấn ông Nguyễn Đức Thanh - quyền Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas) về sự việc trên.

Cty luật Clyde & Co đã thay mặt các DN Anh Quốc gửi văn bản "doạ" sẽ kiện 38 DN xuất khẩu điều VN ra toà án quốc tế, nếu không giao hàng đúng hẹn cho họ. Với tư cách là người đứng đầu Vinacas, ông có nhận xét gì về sự kiện này?

Trước hết, phải nhìn nhận là các DN của chúng ta có lỗi khi không tuân thủ các cam kết giao hàng đúng hạn với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, phía nước ngoài chỉ mới gửi văn bản lên Chính phủ, chứ chưa chính thức khởi kiện các DN ra toà. Trong văn bản của Hiệp hội Công nghiệp thực phẩm Hoa Kỳ (AFI), họ không kiện cáo, mà chỉ thông báo tên DN Việt Nam chậm giao hàng, làm các DN Mỹ gặp rắc rối (problems). Chúng ta vẫn còn thời gian để đàm phán, khắc phục...

Vinacas đồng ý với chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải là cố gắng giải quyết triệt để vấn đề, tránh để kéo dài, gây kiện tụng, bất lợi cho các DN Việt Nam. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng, một số quan điểm tại văn bản của phía nước ngoài, chúng tôi không đồng ý, khi họ quy kết DN Việt Nam vi phạm hợp đồng, nhưng không có căn cứ.

Thí dụ: Danh sách do Clyde & Co và AFI đưa ra có nhiều thông tin chưa chính xác. Có DN nói họ không hề có nợ hợp đồng (Cty Duy Tân). Có DN nói họ đã giải quyết xong (Cty Mỹ Lệ, Nitagrex, Bimico, Nhật Huy, Lafooco...). Có DN không hề liên quan gì đến nợ hợp đồng xuất khẩu năm 2007-2008 (Cty Donafood)..., nhưng Clyde & Co vẫn đưa vào danh sách là không hợp lý.

Chúng tôi đã có khuyến cáo phía nước ngoài, chuyện xảy ra trục trặc, rủi ro trong thương mại là điều không thể tránh khỏi. Nhưng khi xảy ra, nên có sự đàm phán, chia sẻ rủi ro, thống nhất mức hỗ trợ hay lịch giao hàng mới; không nên đưa tên các DN vào danh sách vi phạm hợp đồng, vô tình làm tổn hại uy tín mà các DN tạo dựng bao nhiêu năm.

Chúng tôi cũng khuyên họ không nên quan trọng hoá vấn đề, trình lên Thủ tướng; trong khi các DN vẫn đang tích cực đàm phán thực hiện hợp đồng.

Song phải nói cho cùng, các DNVN đã chậm giao hàng, phía nước ngoài mới phản ứng như vậy. Trong xu thế gia nhập sân chơi toàn cầu, vấn đề đúng hẹn trong kinh doanh phải được coi trọng, chứ không thể… du di như cách làm của chúng ta từ lâu nay. Ông cho biết nguyên nhân nào khiến các DN xuất khẩu điều "lâm nạn" như thế?

Tất nhiên, chúng ta biết rằng khi đất nước đã gia nhập WTO, chúng ta phải tuân theo luật lệ chung giữa các quốc gia. Nhưng lâu nay, các chủ DN điều có ai rành rẽ luật đâu. Vì vậy, chúng tôi rất lo ngại sẽ diễn ra cảnh lãnh đạo một DN thuỷ sản năm nào bị giữ ở Bỉ. Vinacas đang thảo luận với bộ phận pháp chế của VCCI để tìm hiểu về luật, bàn cách ứng phó trong sự vụ này.

Còn việc các DN xuất khẩu điều chậm giao hàng, cũng xuất phát từ những khó khăn chung đang diễn ra trong nền kinh tế chúng ta. Tháng 11.2007, các DN ký hợp đồng xuất khẩu FOB có 4.700USD/tấn, nhưng tới nay, giá xuất hạt điều đã tăng 7.000USD/tấn, chênh lệch 49%. Trong lúc đó, chi phí đầu vào tăng vọt: Lãi vay ngân hàng tăng 100%, cước vận chuyển, phí bao bì, lương nhân công đều tăng xấp xỉ 50%, giá nguyên liệu điều thô tăng 44,8%...

Như vậy, khi ký hợp đồng giá thấp, lúc giao hàng thì chi phí cho hàng xuất khẩu lại quá cao. Hầu như DN nào xuất hàng lúc này đều lỗ nặng. Vì vậy, có không ít DN chậm giao hàng là bởi nguyên nhân trên. Chưa nói hiện nay, DN ngành điều thiếu nhân công nghiêm trọng (khoảng 30.000 lao động), càng gây khó khăn cho ngành điều hơn bao giờ.

Vậy giải pháp nào để các DN ngành điều thoát khỏi tình trạng hiện nay, thưa ông?

Chúng tôi muốn gửi gắm đến mọi người, nên có cái nhìn chính xác hơn. Bởi hiện nay, VN là quốc gia xuất khẩu hạt điều hàng đầu thế giới. Thành công của ngành điều được duy trì trong suốt 3 năm liền. Cả nước có tới 200 DN xuất khẩu điều, số DN bị vào danh sách "vi phạm" chỉ là phần nhỏ. Hơn nữa, trong 38 DN có tên trên thì có tới 2/3 là các DN nhỏ, vừa nằm ngoài Vinacas.

Dù xảy ra lình xình trên, nhưng trong 5 tháng qua, ngành điều vẫn xuất khẩu với những con số khả quan: Sản lượng 50.000 tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu 240 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2007, sản lượng xuất khẩu tăng 18%, kim ngạch xuất khẩu tăng 30%. Qua sự việc trên cũng đặt ra cho các DN bài học trong kinh doanh. Các DN chớ ký hợp đồng quá xa với giá thấp dẫn tới giá xuất sau này cao, chi phí tăng, xuất là lỗ...

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng kiến nghị Chính phủ giảm thuế xuất nhập khẩu điều thô từ 5% xuống 0%, thuế giá trị gia tăng xuống 0%; đồng thời, ngân hàng tạo điều kiện cho các DN vay vốn bằng cách tăng hạn mức tín dụng, lãi suất vay hợp lý, không nên ngừng tài trợ cho các DN vay ngoại tệ.. Mọi yếu tố trên sẽ góp phần giúp các DN tránh được các vi phạm trong giao dịch thương mại với nước ngoài.

Hiện nay, nhiều DN đã và đang rốt ráo đàm phán, hoặc cố gắng thực hiện nốt các hợp đồng nợ. Tôi hy vọng rằng, sự vụ trên sẽ sớm giải quyết ổn thoả trong năm 2008.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường