Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giải pháp kỹ thuật mới cho vườn điều Bình Định
02 | 06 | 2008
Bình Định là một tỉnh có diện tích trồng điều lớn nhất miền Trung - Tây Nguyên. Trong những năm qua, dù đã bị chặt bỏ khá nhiều nhưng hiện nay vẫn còn đến 18.000 ha điều^, một loại cây trồng có diện tích lớn chỉ đứng sau cây lúa. Thế nhưng do năng suất quá kém nên không ít chủ vườn điều đã muốn phá bỏ! Liệu cây điều ở Bình Định có bị "khai tử"?
Năng suất quá thấp

Ngành nông nghiệp Bình Định xác định cây điều là một trong những cây trồng mũi nhọn của tỉnh. Theo kế hoạch, đích đến của cây điều ở Bình Định là 20.000 ha. Thế nhưng trong những năm gần đây, sự "thăng tiến" của cây điều đã bị "cầm chân" vì năng suất điều quá thấp. Ông Lại Đình Hoè - Phó Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ cho biết: "Hiện nay trên địa bàn Bình Định có đến 12.000 ha điều kinh doanh nhưng năng suất chỉ đạt từ 2 - 3 tạ/ha, tương đương 30 - 40% so với năng suất bình quân cả nước. Với năng suất này, nông dân không thể có hy vọng "nương tựa" vào cây điều". Ông Hồ Ngọc Hùng- Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, giải thích nguyên nhân: "Trong số 18.000 ha điều, có đến 9.000 ha đã hơn 15 năm tuổi. Diện tích điều này hầu hết được trồng bằng hạt, mật độ trồng quá dày. Bên cạnh đó, hầu hết nông dân chưa có sự đầu tư chăm sóc đúng mức nên cây điều phát triển "èo uột" tạo điều kiện cho sâu bệnh phá hoại nên năng suất kém".

Do đó, trong những năm gần đây, nhiều vườn điều tại một số địa phương đã bị chặt bỏ. Xã Cát Lâm là vùng đất từng có diện tích trồng điều lớn nhất huyện Phù Cát với 1.100 ha. Cách đây 1 năm, sự chán nản đến lúc cao trào, chỉ trong một thời gian ngắn đã có 50 ha điều bị "khai tử". Những chủ vườn điều ở đây tâm sự: "Điều khép tán che kín mặt đất nhưng hầu hết không cho quả, cây nào cho quả cũng chỉ "điểm xuyết" dăm ba trái nên thà chặt làm củi rồi trồng cây khác còn hơn". Ông Phan Sĩ Hùng - Phó phòng NN-PTNT huyện cho biết thêm: "Từ 4.200 ha, hiện tại Phù Cát chỉ còn 3.800 ha điều. Và theo xu thế chán nản của các chủ vườn điều hiện nay, khả năng trong thời gian tới sẽ mất thêm khoảng 1.000 ha nữa". Thậm chí ở một địa phương có khí hậu thích hợp với cây điều như huyện miền núi An Lão người dân cũng đã dần quay mặt với cây điều. Thực trạng trên đã đặt ngành nông nghiệp Bình Định vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan", vì nếu để thay thế cây điều thì ngành nông nghiệp tỉnh này chưa tìm ra đối tượng cây trồng nào khác.

Đã có lối thoát

Trước tình cảnh "bỏ thì thương, vương thì tội" đối với cây điều thì Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ đã mở ra cho người trồng điều Bình Định một lối thoát. Ông Lại Đình Hoè - Phó Viện trưởng Viện KHKTNN Duyên hải Nam Trung bộ, nói: "Thực trạng tệ hại của năng suất điều ở Bình Định là không còn bàn cãi. Thế nhưng đây là loại cây công nghiệp lâu năm cần phải duy trì, nhất là trên những chân đất cát và đất đồi gò. Tuy nhiên, để cải thiện năng suất, ngoài trồng mới thay thế bằng giống tốt, người trồng điều cần phải áp dụng một số giải pháp khoa học và công nghệ trong chăm sóc. Nếu người trồng điều trong tỉnh tuân thủ đồng bộ thì chắc chắn một ngày không xa, các vườn điều sẽ nhanh chóng hồi sinh với năng suất 10 tạ/ha".

Để củng cố lòng tin của người trồng điều, Viện đã xây dựng 5 mô hình "thâm canh tổng hợp vườn điều" bằng nhiều giải pháp KHKT tại 5 xã thuộc các huyện Phù Cát, Phù Mỹ và Tuy Phước với diện tích 70 ha. Tại vườn điều rộng trên 8 ha của ông Huỳnh Văn Trung ở thôn Phú Gia, xã Cát Tường (Phù Cát), một vườn điều cũ, trước đây đã từng lâm cảnh "chẳng có gì để hái" như hầu hết các vườn điều khác, chúng tôi nhận ra sự "hồi sinh" sau khi được áp dụng các giải pháp kỹ thuật mới.

Ông Huỳnh Văn Trung cho biết: "Tôi đã tỉa thưa, loại bỏ những cây không cho trái hoặc cho năng suất thấp hay những cụm cây quá dày nhằm tạo mật độ hợp lý cho vườn điều tạo điều kiện cho tán điều tiếp xúc nhiều ánh sáng và những cành bị sâu bệnh. Việc nuôi dưỡng cây điều cũng không phó mặc cho trời như trước đây, quanh mỗi gốc điều tôi vun đất làm bồn, khoan giếng lấy nước tưới thường xuyên. Để "bồi dưỡng" cho cây, sau mỗi vụ thu hoạch tôi bón phân cho chúng. Đặc biệt, điều là loại cây có nhiều sâu bệnh gây hại ở tất cả các thời kỳ sinh trưởng nên việc phòng trừ chúng cần phải thường xuyên quan tâm. Ngoài ra, cây điều cần được phun các chế phẩm kích thích sinh trưởng vào thời kỳ ra hoa và đậu quả non để tăng khả năng đậu trái và hạn chế rụng quả. Từ khi vườn điều được đầu tư thâm canh, năng suất đã tăng đạt 1,2 tấn/ha. Với giá thu mua hiện nay là 14.000 đ/kg (khô, tốt), 8 ha điều của tôi sau khi trừ mọi chi phí, mỗi năm còn được khoản lãi ròng là 70 triệu đồng".

Hiện nay các chủ vườn điều ở các địa phương trong tỉnh tìm học tập cách làm mới này để ứng dụng cho vườn điều của mình. Khi tất cả các vườn điều đều lấy các giải pháp KHKT làm "lối thoát", hy vọng cây điều sẽ "trụ" được trên đất Bình Định.



Nguồn: agroviet.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường