Các làng nghề như đục đá Hải Lựu (huyện Lập Thạch), nghề mộc Bích Chu (huyện Vĩnh Tường), nghề mộc Thanh Lãng (huyện Bình Xuyên), làng rèn Lý Nhân (huyện Vĩnh Tường), nghề mây tre đan Triệu Đề (Lập Thạch)... đã có sản phẩm xuất khẩu sang 6 quốc gia và vùng lãnh thổ. Doanh thu từ các làng nghề ở Vĩnh Phúc hàng năm lên cả ngàn tỷ đồng. Số người lao động sống dựa hẳn vào làng nghề cũng có tới trên chục ngàn người, từ những người trực tiếp sản xuất đến người cung cấp nguyên vật liệu, tiêu thụ sản phẩm... Vậy nhưng thương hiệu các làng nghề thì chưa được bảo hộ và cũng ít ai quan tâm đến. Có một mặt hàng được Cục sở hữu trí tuệ cấp mã số, mã vạch bảo hộ thương hiệu nhưng hoàn toàn không phải vì có doanh thu lớn hoặc độc đáo nhất mà chỉ vì loại này... dễ làm thương hiệu nhất! Đó là rau su su Tam Đảo. Thương hiệu này do Sở Khoa học - công nghệ Vĩnh Phúc phối hợp với Chi cục bảo vệ thực vật giúp nông dân xây dựng. Vùng sản xuất rau su su Tam Đảo được quy hoạch cụ thể, nông dân được tổ chức sản xuất theo quy trình rau an toàn, cơ quan chức năng kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất bán và tổ chức cho nông dân kiểm tra lẫn nhau trong quá trình thực hiện sản xuất. Từ khi có thương hiệu, rau su su Tam Đảo bán chạy hơn hẳn, giá cả gấp 2 - 3 lần các loại rau bình thường. Tại thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc) và thủ đô Hà Nội đã có các cửa hàng rau an toàn chuyên bán rau su su Tam Đảo...
Sở khoa học công nghệ, Sở công thương Vĩnh Phúc đang mở rộng tuyên truyền, phổ biến cho nông dân, người sản xuất ở các làng nghề nhận thức rõ tầm quan trọng việc đăng ký bảo hộ thương hiệu. Trên 30 cuộc tập huấn, gần 1.000 trang tài liệu được phổ biến đến tay nhân dân về vấn đề thương hiệu. Trước mắt, các ngành liên quan đang giúp các làng nghề xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá thính Lập Thạch, rắn Vĩnh Sơn, đá Hải Lựu, gỗ Bích Chu, gạo Long Trì./.