Rút kinh nghiệm từ các vụ trước, để bảo vệ lúa vụ mùa tiếp tục đạt năng suất cao ngành BVTV khuyến cáo các địa phương và bà con nông dân tập trung làm tốt một số biện pháp sau đây:
- Các Trạm BVTV cần tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời diễn biến sâu bệnh để khuyến cáo bà con nông dân có biện pháp phòng trừ cụ thể nhằm nhanh chóng dập dịch không để lây lan.
- Đối với sâu cuốn lá, ruộng có sâu non trên 50 con/m2 (lúa đang đẻ nhánh), 20 con/m2 (lúa đang đứng cái) sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như: Regent 800WG, Phironil 800WG, Rigell 50SC, Regill 800WG, Aremec 36EC… pha và phun theo chỉ dẫn ghi trên bao bì.
- Đối sâu đục thân, sử dụng 1 trong 3 loại thuốc đặc hiệu nhóm hoạt chất Fipronil (Regent 800WG, Rigill 800WG, Targo 800WG), liều lượng 1,5g/20 lít nước/sào Bắc bộ, phun 1 lần; nhóm hoạt chất Cartap (Padan 95SP, Gà nòi 95SP, Patox 95SP) liều lượng 30g/20 lít nước phun cho 1 sào Bắc bộ. Hai nhóm hoạt chất này có tác dụng trừ cả trứng và sâu non tuổi 1-2 nên chỉ cần phun 1 lần có thể phòng trị được 5-10 ngày, tác dụng bằng 2-3 lần phun các loại thuốc khác. Với sâu đục thân hại lúa ở thời kỳ làm đòng, trỗ bông, với mỗi thửa ruộng, bà con phun thuốc vào thời kỳ lúa bắt đầu trỗ (khoảng 5% số bông), đây là thời kỳ sâu đục thân nở rộ. Nếu dùng thuốc trừ sâu dạng hạt, dạng bột như: Bam 5H, Vibasu 10H (Basudin 10H), Padan 10G, rắc 1kg/sào Bắc bộ khi bướm ra rộ và phải giữ nước ngập ruộng 3-5cm trong 6-7 ngày hiệu quả trừ sâu mới cao.
- Đối với rầy nâu, biện pháp phòng trừ tốt nhất hiện nay là kiểm tra đồng ruộng, nếu thấy rầy có mật số từ 800-1.000 con/m2 (bình quân 1 khóm lúa 20 con) thì sử dụng ngay các loại thuốc: Chess 50WG, Alika 247SC, Oshin 20WG, Penalty 40WP, Actra 25aWG, Dantotsu 16WDG... theo liều lượng khuyến cáo ghi trên bao bì.