Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp nào gây ô nhiễm phải xử lý nghiêm
18 | 09 | 2008
Liên quan đến việc Công ty Vedan xả nước thải độc hại ra sông Thị Vải (Đồng Nai), TSKH Phan Xuân Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: “Tổ chức nào vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật”.
Ông Dũng nói: “Suốt một tuần nay, báo chí đưa tin rất nhiều về vụ việc Công ty Vedan, nhưng đến giờ phút này, Ủy ban Khoa học - Công nghệ - Môi trường QH vẫn chưa nhận báo cáo chính thức nào về vấn đề này. Chúng tôi mới chỉ cập nhật thông tin từ báo chí".

Cống xả nước thải từ nhà máy Vedan ra sông Thị Vải. Ảnh: CTV

"Quan điểm của chúng tôi là đã có Luật Bảo vệ môi trường rồi, vì vậy không chỉ Công ty Vedan mà bất cứ doanh nghiệp nào gây ra ô nhiễm thì trước hết phải xử lý khắc phục môi trường ở nơi ấy".

"Cá nhân, tổ chức nào vi phạm thì phải xử lý nghiêm theo pháp luật, bất kể đó là ai", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khẳng định.

Ông Dũng cho rằng, hiện nay các cơ quan chính phủ đã vào cuộc tích cực rồi. " Chúng tôi muốn sự việc sớm được kiểm tra, làm rõ để có những kết luận khoa học, phù hợp với thực tiễn để xử lý vụ việc chính xác và thích đáng".

Sự kiện này mới diễn ra, nên đến thời điểm này (17/9/2008), Ủy ban Khoa học Công nghệ Môi trường của QH vẫn chưa họp bàn chính thức.

"Nhưng trong một vài ngày tới, chúng tôi sẽ có cuộc họp tại TP Hồ Chí Minh. Trong buổi họp đó, vấn đề Công ty Vedan gây ô nhiễm sẽ được đưa ra bàn thảo cụ thể và sau đó sẽ có ý kiến chính thức’, ông Dũng cho hay.

Phát triển kinh tế là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Nhưng phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, không thể hi sinh môi trường vì tăng trưởng kinh tế. Cũng từ quan điểm ấy mà vào năm 2005, Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ môi trường.

Trong quá trình thực hiện, có những chỗ chưa đáp ứng được yêu cầu vì không thể một lúc mà chúng ta hoàn thiện được tất cả. Do đó mới có việc giám sát, phát hiện chỗ nào thì lập tức phải xử lý ngay chỗ ấy.

"Càng ngày, vấn đề bảo vệ môi trường càng phải được nâng cao, phát triển kinh tế phải đi đôi với nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường nói.

Sông Thị Vải với chiều dài gần 80 km chảy qua TP.HCM và các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu. Đây là dòng sông mang nguồn nước mặn, lợ với với chế độ bán nhật triều và hệ động thực vật từ thượng đến hạ nguồn rất phong phú, đa dạng. Mỗi ngày dòng sông phải hứng chịu khoảng 24.500m3 nước thải từ các nhà máy xí nghiệp trực tiếp xả thẳng ra sông.

Kết quả quan trắc qua các năm cho thấy mức độ ô nhiễm nước sông Thị Vải ngày một nghiêm trọng, đặc biệt là ô nhiễm do các chất hữu cơ. Đoạn sông bị ô nhiễm nặng nhất kéo dài 10km từ xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai đến xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa, Vũng Tàu với nồng độ DO nhỏ hơn hoặc bằng 0,5 mg/lít, thậm chí có đoạn DO rất nhỏ không đảm bảo sự phát triển bình thường của thủy sinh vật.

Nguyên nhân chủ yếu của sự ô nhiễm môi trường được cơ quan chức năng "vạch ra" là do nước thải công nghiệp của Công ty Vedan (trên 5.5159 m3 nước thải/ ngày; khoảng 44.800m3 dịch thải sau lên men/tháng).



Nguồn: Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường