Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cao su xuất khẩu giảm
14 | 10 | 2008
Theo số liệu thống kê sơ bộ, tính đến hết tháng 9/2008, Việt Nam xuất khẩu được khoảng 455 ngàn tấn cao su các loại, chỉ bằng 91,6% so với cùng kỳ năm 2007, nhưng nhờ giá cao su xuất khẩu tăng nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 34,24%, đạt 1,25 tỉ USD.
Riêng tháng 9/2008, cả nước ta xuất khẩu được trên 70 ngàn tấn cao su các loại với kim ngạch khoảng 200 ngàn USD, giảm 6,42% về lượng và giảm 10,97% về trị giá so với tháng 8/2008. Như vậy với kế hoạch đề ra cho xuất khẩu cao su cả năm nay đạt 780 ngàn tấn với trị giá 1,56 tỉ USD là có khả năng đạt được.

So với tháng 8/2008, trong tháng 9/2008 xuất khẩu cao su SVR3L vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tốt, tăng 17,28% về lượng và tăng 9,66% về trị giá, đạt 35,5 ngàn tấn, trị giá 95,6 triệu USD.

Giá xuất khẩu trung bình trong tháng đạt 2.941 USD/T, giảm tiếp 204 USD/T. Trong đó, giá xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 2.895 USD/T, giảm 217 USD/T, Đài Loan đạt 3.011 USD/T, giảm 234 USD/T, Đức đạt 3.164 USD/T, giảm 119 USD/T, Nga đạt 2.959 USD/T, giảm 86 USD/T. Ngoài ra, giá xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng giảm từ 100 đến 200 USD/T.

Xuất khẩu cao su SVR10 cũng tăng 8,75% về lượng và tăng 0,82% về trị giá so với tháng trước, đạt 13,48 ngàn tấn với trịg ía 36,76 triệu USD. Chủng loại cao su này được xuất chủ yếu sang Trung Quốc và Malaysia. Giá xuất khẩu trung bình đạt 2.721 USD/T, giảm 222 USD/T.

Trong đó, giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm mạnh nhất, giảm 256 USD/T, xuống còn 2.686 USD/T. Tiếp đến, Hàn Quốc giảm 247 USD/T, xuống còn 2.902 USD/T, Malaysia giảm 166 USD/T. Ngược lại, giá xuất khẩu chủng loại cao su này sang một số thị trường khác vẫn tăng như giá xuất sang Đức tăng 46 USD/T, đạt 2.853 USD/T, Pakistan tăng 44 USD/T, đạt mức 2.712 USD/T.

Bên cạnh đó, lượng xuất khẩu một số chủng loại cao su khác cũng tăng khá như latex tăng 22,67%, RSS3 tăng 73,85%, CSRL tăng 65,77%…



Nguồn: vinanet
Báo cáo phân tích thị trường