Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trung Quốc hướng về thị trường nội địa
08 | 01 | 2009
Phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu và đang rơi vào một đợt suy giảm kinh tế khá nghiêm trọng, Chính phủ Trung Quốc đang hướng tới việc đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, tiếp tục hạn chế xuất khẩu và giảm tỷ lệ tiết kiệm trong dân để duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững.

Trung Quốc đã đạt được tốc độ tăng trưởng cao kỷ lục nhờ vào việc sản xuất ra những mặt hàng giá rẻ và xuất khẩu sang rất nhiều nước khác. Cho tới nay, 30 năm sau khi đất nước này bắt đầu cải cách kinh tế, đang có một sự chuyển đổi về chính sách tại Trung Quốc. Chính phủ nước này đang hướng mạnh vào thị trường trong nước.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đã khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể và đây là thời điểm chính phủ nước này và chính các doanh nghiệp trong nước chuyển hướng mạnh hơn nữa.

Với một thị trường trong nước rộng lớn, chính sách này được xem là khả thi nhưng không phải tất cả đều dễ dàng.

Hướng vào thị trường nội địa

Đã từ ba năm nay, Trung Quốc đã không còn thực sự mặn mà với xuất khẩu. Ngay từ năm 2006, chính phủ nước này đã có một chương trình thử nghiệm nhằm giảm thặng dư thương mại, với mục tiêu chuyển dần sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tiêu dùng trong nước.

Tới 1/7/2007, Chính phủ Trung đã chính thức xoá bỏ và cắt giảm việc hoàn thuế đối với khoảng 37% các mặt hàng xuất khẩu.

Đây là một trong rất nhiều nỗ lực mà chính quyền nước này đang cố gắng chuyển những trung tâm sản xuất lớn như Thâm Quyến (Shenzhen) từ chỗ là một đại công xưởng sản xuất hàng hoá đủ loại cho thế giới thành một trung tâm sản xuất kinh doanh có chọn lọc hơn, thân thiện với môi trường hơn và có công nghệ cao hơn. Hàng hoá sản xuất tại đây sẽ được tiêu thụ phần lớn trong nước.

Không chỉ chính quyền, mà ngay cả các doanh nghiệp trong nước cũng đã bắt đầu ý thức được vấn đề này khi mà cuộc khủng hoảng tài chính bùng nổ trong năm 2008.

Theo đó, những món quà Giáng sinh được sản xuất tại Thâm Quyến như những chú gấu nhồi bông thay tới tay các trẻ em tại châu Âu và Mỹ, sẽ được bán ở thị trường trong nước.

Giám đốc Công ty PP Bear Toy, Hu Lantian cho biết bà có thể không còn dựa vào các khách hàng nước ngoài.

“Tất nhiên, rất nhiều nhà máy sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có chúng tôi, bởi vì đa số mọi người có ít tiền hơn trong thời kỳ suy thoái và sức tiêu dùng đang giảm xuống, nhưng tôi nghĩ rằng, về lâu dài, đây sẽ là một điều tốt”, bà Hu Lantian nói.

Bà Hu coi sự suy giảm kinh tế toàn cầu hiện nay như là một cơ hội để mở rộng thị phần của PP Bear tại thị trường nội địa.

Chính phủ Trung Quốc cũng đã nhiều lần công khai cho biết muốn đẩy mạnh tiêu dùng trong nước nhằm giảm áp lực của một nền kinh tế dựa nhiều vào xuất khẩu. Trung Quốc cũng muốn thu hút nhiều doanh nghiệp công nghệ cao tới các “công trường sản xuất” như Thâm Quyến.

Chính quyền các thành phố như Thâm Quyến cũng rất tán thành với việc chuyển đổi này.

Và điều này cũng giống như những gì đã xảy ra ở Nhật Bản và Hàn Quốc vào cuối thế kỷ trước.

Chính sách đạt được sự đồng thuận rộng rãi

Hướng vào tiêu dùng nội địa hơn là đầu tư và xuất khẩu là một giải pháp đạt được sự đồng thuận rộng rãi nhất của công chúng tại Trung Quốc. Đây cũng là điều được rất nhiều nhà làm luật tại nước này gần đây nhấn mạnh lại.
Theo thứ trưởng Uỷ ban Cải cách và Phát triển quốc gia, ông Liu Tienan, chính phủ nước này nên tiếp tục các nỗ lực nhằm đẩy mạnh tiêu dùng nội địa trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bất ổn.

Theo ông Liu, các chỉ số kinh tế cơ bản của Trung Quốc vẫn tốt nhưng nước này đang đối mặt với nhiều thử thách và Trung Quốc phải tiếp tục các nỗ lực cấu trúc các ngành công nghiệp, đổi mới và thay đổi hình thức phát triển của mình.

Còn theo Phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, Su Ning, thì đây là một hướng đi đúng và với một thị trường rất rộng lớn thì Chính phủ có thể đẩy mạnh tiêu dùng trong nước lên rất nhiều.

Quá trình chuyển đổi: Không dễ dàng

Mặc dù gần như không có câu hỏi nào rằng sự chuyển hướng sang tiêu dùng nội địa có cần thiết cho sự phát triển về lâu dài của Trung Quốc hay không, nhưng một điều đáng quan tâm là dường như có rất nhiều người cho rằng sự chuyển đổi này là một tiến trình dễ dàng và có thể diễn ra đủ nhanh để giúp Trung Quốc thoát khỏi đợt suy giảm kinh tế thế giới này.

Trên thực tế, đây không phải là một bước đi đơn giản.

Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi sẽ rất khó khăn và phải mất nhiều năm, thậm chí có thể hơn 1 thập kỷ. Và lịch sử cũng cho thấy không có một tiền lệ nào mà một nền kinh tế lớn có thể chuyển đổi nhanh chóng.
 
Trong trường hợp của Nhật Bản trước đó, theo các chuyên gia, nền kinh tế này đã bắt đầu một quá trình chuyển đổi tương tự như Trung Quốc hiện nay từ đầu những năm 90 và hiện vẫn còn một quãng đường dài để có thể hoàn thành.

Nhật Bản có thể không phải là một trường hợp đưa ra để so sánh hoàn toàn hợp lý do sự chuyển đổi của nước này xảy ra vào thời kỳ tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu là rất cao và quá trình chuyển đổi là chậm. Tuy nhiên, điều đó cho thấy đây là một nhiệm vụ không dễ dàng. Trung Quốc có thể buộc phải điều chỉnh quá trình chuyển đổi nhanh hơn Nhật chỉ bởi vì sự hấp thụ các hàng hoá của Trung Quốc sẽ sụt giảm nghiêm trọng trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, trong vài năm gần đây, chính quyền nước này đã bắt đầu thuyết phục người dân tăng cường chi tiêu và giảm tiết kiệm như một biện pháp để tăng tiêu dùng quốc nội. Tuy nhiên, hiện tại, tỷ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình tại Trung Quốc chưa hề giảm và vẫn đang ở mức cao, chiếm khoảng 30% thu nhập.



Nguồn: VietNamNet
Báo cáo phân tích thị trường