Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trâu, bò chết rét do chủ quan sẽ không được hỗ trợ
12 | 01 | 2009
Miền Bắc đang hứng chịu đợt rét đậm kéo dài. Nguy cơ đàn trâu, bò tại các tỉnh miền núi phía Bắc chết rét là rất lớn. NNVN đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Hoàng Kim Giao, sau khi Cục Chăn nuôi vừa có đợt kiểm tra công tác phòng, chống rét tại một số địa phương.

Sau thiệt hại lớn của năm ngoái, đến nay các địa phương và người dân đã có chuyển biến gì chưa ông?

Đã có chuyển biến rõ về nhận thức, từ tỉnh cho đến cấp xã, thôn, người chăn nuôi. Hầu hết các tỉnh đều đã có văn bản chỉ đạo việc phòng, chống rét cho trâu, bò. Các tỉnh cũng đã tổ chức các đoàn đi kiểm tra tại cơ sở. Các huyện ký cam kết với xã, xã ký cam kết với dân quyết tâm thực hiện mọi biện pháp phòng, chống, không để trâu bò chết rét. Các chuồng trại khi chúng tôi đi qua đã được che chắn, sửa chữa lại. Nền chuồng được vệ sinh sạch sẽ, hoặc được lát bằng gạch.

Việc ký cam kết được thực hiện cụ thể ra sao?

UBND huyện ký cam kết với các xã, thị trấn yêu cầu tuân thủ chỉ đạo việc phòng, chống đói rét cho trâu bò; tập huấn, hướng dẫn nông dân dự trữ rơm và các loại thức ăn thô xanh khác. Tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin bắt buộc. Nếu xã nào để 10 con trâu, bò chết rét trở lên thì lãnh đạo xã sẽ bị xem xét kiểm điểm. Một số nơi đưa việc này vào chỉ tiêu gia đình văn hóa.

Lào Cai: Đã xuất hiện nghé chết rét

Mặc dù ra tay chống rét cho trâu bò nhưng thống kê chưa đầy đủ ở các xã của huyện Bắc Hà đến nay đã có 8 con nghé bị chết rét, trong đó xã Lùng Phình 5 con, Lầu Thí Ngài 3 con (nghé chết rét mới từ 8-12 tháng tuổi).

Ông Đào Duy Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, tỉnh Lào Cai đã thành lập các đoàn công tác xuống các địa phương kiểm tra việc chống rét cho gia súc, yêu cầu chính quyền địa phương vận động người dân không thả rông gia súc, che chắn chuồng trại và dự trữ nguồn thức ăn thô, xanh trong những ngày giá rét. Huyện Sa Pa đã vận động người dân sơ tán đàn trâu bò từ vùng cao xuống vùng thấp, xã Trung Chải có số trâu bò chết nhiều nhất năm 2008 từ đầu vụ rét 2009 đã sơ tán những con trâu mẹ, nghé non xuống xã Cốc San (Bát Xát) để tránh rét.

Còn vấn đề gì chúng ta phải khắc phục sớm để chủ động trước những đợt rét đậm, hại năm nay?

Chúng ta không được chủ quan. Thời gian tới có thể rét dài hơn, đậm hơn, rất khó lường. Do vậy, phải luôn luôn có ý thức phòng, tránh rét. Hiện nay, việc kiểm tra vẫn chưa rộng khắp và xuống tới từng hộ gia đình. Có những nơi, phải cầm tay chỉ việc cho nông dân. Đáng lo ngại là một số hộ vẫn chăn nuôi thả rông, đưa về ngay là không được, nhưng phải hướng dẫn người dân quản lý đàn trâu, bò này. Khi rét phải biết trâu, bò nhà mình ở đâu để cung cấp thức ăn, huy động bạt che chắn lưu động cho gia súc. Ngoài ra, người dân vẫn chưa có ý thức loại thải đàn trâu bò trước đợt rét, mà muốn giữ lại. Cần khuyến cáo họ, đối với nhưng con gia súc già, nhất là con đực mà không dùng cày kéo thì nên vỗ béo rồi giết thịt, sang năm mua con khác. Nếu cứ tiếc giữ lại thì không đem lại lợi ích kinh tế.

Theo ông, nếu năm nay tiếp tục rét đậm khả năng chống chọi của đàn gia súc thế nào?

Chỉ có thể nói là tốt hơn năm ngoái, chứ còn khẳng định là đảm bảo không sao thì khó. Do trữ lượng thức ăn không nhiều. Người dân đã dần có thói quen dự trữ sớm, nhưng do vừa rồi miền núi phía Bắc bị trận lụt nên rơm không có nhiều. Chúng tôi cũng khuyến cáo nông dân nên băm nhỏ cây sắn làm thức ăn.

Còn việc hỗ trợ trâu, bò chết rét, có gì thay đổi so với năm ngoái không?

Văn bản của các tỉnh cũng nêu rõ quan điểm, nơi nào để trâu, bò chết đói, chết rét do chủ quan thì sẽ không được hỗ trợ. Ở Hà Giang, Lào Cai đều tuyên truyền rõ cho người dân điều này, nếu năm nay để trâu, bò chết thì không có kinh phí hỗ trợ.

Xin cảm ơn ông!



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường