Nhìn chung cả năm 2008, lượng chè xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ đạt 104 nghìn tấn, trị giá đạt 147 triệu USD, giảm 5,4% về lượng nhưng tăng nhẹ 0,2% về trị giá so với năm 2007.
Nguyên nhân của sự sụt giảm là do đầu năm 2008, khách hàng lớn của ngành chè Việt nam là Trung Quốc đột ngột không nhập hàng, khiến cho một lượng lớn chè thành phẩm bị ứ đọng không tiêu thụ được. Một số khách hàng khác cũng ép giá đối với sản phẩm chè của Việt nam. Tất cả những điều đó đã gây ra nhiều khó khăn cho doanh nghiệp chè trong nước, khi hầu hết đều là những doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ. Cộng thêm với những khó khăn trước đó như lãi suất cơ bản ở mức cao, khả năng tiếp cận nguồn vốn hạn chế… đã khiến cho không ít doanh nghiệp ngay từ những tháng chính vụ đã phải tạm đóng cửa.
Theo kế hoạch của ngành chè Việt Nam năm 2009, ngành chè dự kiến sẽ xuất khẩu 117 nghìn tấn với kim ngạch đạt khoảng 167 triệu USD, tăng 13,6% so với năm 2008. Theo Bộ Công Thương, đây là mặt hàng duy nhất trong nhóm ngành nông nghiệp đưa ra mục tiêu tăng giá trị, bởi toàn ngành nông nghiệp năm 2009 chỉ đưa kim ngạch xuất khẩu đạt 12,5 tỉ USD, so với 16,2 tỉ USD năm 2008. Trong bối cảnh hiện nay, khi mà hầu hết các mặt hàng nông nghiệp đều đưa ra chỉ tiêu giảm so với năm trước thì ngành chè sẽ phải nỗ lực rất lớn để đạt được mục tiêu trên. Ngoài ra, ngnàh chè cần phải phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp, địa phương, các Bộ, Ngành để có hướng đột phá nâng cao chất lượng chè và vệ sinh an toàn thực phẩm. Bởi đây là vấn đề hết sức quan trọng để ngành chè vươn ra thị trường thế giới. Bên cạnh việc tiếp tục giữ vững thị trường hiện có, ngành chè cần mở ra các thị trường mới, như: Đức, Hà Lan, Ba Lan, Ả Rập Xê út… Mặt khác, ngành chè cần sớm khôi phục lại thị trường I rắc.
Hiện nay, sản phẩm chè Việt Nam đã có mặt trên 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó thương hiệu “CheViet” đã được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường quốc gia và khu vực. Việt Nam hiện đang là quốc gia đứng thứ 5 trên thế giới về sản lượng và xuất khẩu chè chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanca, Kenya.
Giá xuất khẩu trung bình: Sau thời gian ngắn sụt giảm, giá chè của Việt Nam đã có sự trở lại với mức tăng đáng kể trong tháng 9/2008, đạt mức bình quân 1.396 USD/T, tăng 18% so với giá cùng kỳ năm trước. Nhưng tới các tháng gần đây, lượng hàng xuất khẩu vẫn tiếp tục giảm. Tháng 10, theo kế hoạch xuất hàng là 11 nghìn tấn nhưng thực tế chỉ xuất được khoảng 9.500 tấn. Tháng 11, dự kiến là 10 nghìn tấn nhưng lượng xuất thực tế chỉ là trên 8.000 tấn. Con số sụt giảm này đã tiếp tục cả trong tháng 12, khi mà lượng xuất giảm 89,97% so với tháng trước. Giá chè xuất khẩu trung bình trong tháng 12/2008 chỉ đạt 1.390 USD/T.
Bên cạnh đó, giá chè tại Ấn Độ đã tăng trong 2 tháng qua và sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa trong năm tới. Theo Hiệp hội chè Ấn Độ, nguồn cung chè đang khan hiếm trong khi nhu cầu vẫn không ngừng tăng. Dự báo tình hình cung khan sẽ còn tiếp diễn bởi sản lượng tăng không đáp ứng đủ mức tăng nhu cầu, trong khi lượng dự trữ hầu như không còn. Theo thống kê của Hiệp hội chè Ấn Độ, nhờ xu hướng tăng, giá chè trung bình từ đầu năm tới nay đạt bàng mức của năm 1998. Tuy nhiên, trong 10 năm qua chi phí sản xuất chè đã tăng gần 60%, trong khi sản lượng chè chỉ tăng 74 triệu kg, vẫn thấp hơn mức tăng 114 triệu kg mà Hiệp hội đã dự đoán.
Nhìn chung trên thị trường thế giới, tốc độ tăng giá chè tại Ấn Độ chậm nhất trong số các nước sản xuất chè lớn. Tính từ tháng 1 đến tháng 9/2008, giá chè trung bình tại Kenya và Srilanka tăng khoảng 70 Uscent/kg, trong khi giá của Ấn Độ chỉ tăng khoảng 40 Uscent.
Thị trường xuất khẩu: Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2008, Việt Nam đã xuất khẩu chè sang hơn 30 thị trường trên thế giới. Lượng chè xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết các thị trường đều giảm so với tháng trước đó, duy chỉ có xuất khẩu sang Đài Loan, Đức, UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia và Ấn Độ là tăng. Cụ thể, lượng chè xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 161 tấn, kim ngạch 423 nghìn USD, giảm 56,02% về lượng và 4,06% về trị giá, xuất khẩu sang Nga giảm 64,28% về lượng và 57,98% về trị giá, đạt 240 tấn, trị giá 419,5 nghìn USD, xuất sang Ả rập Xê út với 103 tấn, đạt 271 nghìn USD, giảm 19,87% về lượng và 13,76% về trị giá… Còn so với cùng kỳ năm ngoái, thì xuất khẩu chè sang thị trường Đài Loan lại giảm 26,19% về lượng và 1,64% về trị giá, sang Trung Quốc giảm 81,29% về lượng và 58,24% về trị giá, sang Nga giảm 80,47% về lượng và 69,74% về trị giá, sang UAE giảm 61,52% về lượng và 50,27% về trị giá…
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu chè của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản có sự sụt giảm mạnh nhất, với mức giảm 97,56% về lượng và 87,73% về trị giá so với tháng trước, giảm 98,31% về lượng và 93,39% về trị giá so với cùng kỳ năm 2007, chỉ đạt hơn 1 tấn, trị giá 11 nghìn USD.
Mặc dù xuất khẩu chè sang Đài Loan giảm về lượng nhưng đây vẫn là thị trường xuất khẩu chè lớn nhất của Việt Nam trong năm 2008. Kim ngạch xuất khẩu chè của nước ta sang thị trường này tính chung cả năm 2008 đạt 21,4 triệu USD với sản lượng đạt 17,7 nghìn tấn, tuy giảm 7,88% về lượng nhưng lại tăng 17,3% về trị giá so với năm 2007.
Tiếp đến là kim ngạch xuất sang thị trường Nga với 12,2 nghìn tấn, trị giá 16,3 triệu USD, tăng 8,69% về lượng 36,82% về trị giá so với năm ngoái. Đáng chú ý, trong cả năm 2008, kim ngạch xuất sang thị trường UAE và Ấn Độ tuy không cao nhưng lại tăng mạnh, với sản lượng lần lượt là 4,7 nghìn tấn và 3,4 nghìn tấn, kim ngạch đạt lần lượt 7,8 triệu USD và 3,4 triệu USD. Với sản lượng và trị giá như vậy, UAE đã đạt mức tăng 81,72% về lượng và 76,14% về trị giá, còn thị trường Ấn Độ tăng 169,65% về lượng và 126,45% về trị giá so với năm 2007.
Ngược lại, so với năm 2007, xuất khẩu chè sang một số thị trường lại có sự giảm sút trong cả năm 2008. Cụ thể như xuất sang thị trường Trung Quốc giảm 63,85% về lượng và 61,29% về trị giá, xuất sang thị trường Ba Lan giảm 23,2% về lượng và 2,8% về trị giá, xuất sang thị trường Indonesia giảm 40,43% về lượng và 15,83% về trị giá…
Về doanh nghiệp: Thống kê trong tháng 12/2008, cả nước có tất cả 116 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu chè, trong đó có 13 doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cao trên 200 nghìn USD, 35 doanh nghiệp đạt kim ngạch khá. Dẫn đầu và nổi bật nhất là Công ty đầu tư phát triển chè Nghệ An với kim ngạch xuất khẩu đạt 612,4 nghìn USD. Tiếp đến là Tổng công ty chè Việt Nam với 575,9 nghìn USD, công ty TNHH SX thương mại Phúc Long với 354,5 nghìn USD, Công ty TNHH thế hệ mới Vĩnh Phúc với 344 nghìn USD, Công ty TNHH 1 TV chè Phú Bền với 342,3 nghìn USD…