Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu: Xuất khẩu chè gặp khó
15 | 01 | 2009
Cũng như nhiều nông sản xuất khẩu chủ lực khác, sản phẩm chè cũng gặp khó do ảnh hưởng của “cơn bão” khủng hoảng tài chính trên toàn cầu. Theo TS.Trần Văn Giá, Phó chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, năm 2009 tình hình xuất khẩu chè càng thêm khó.

Một năm sóng gió

Theo thống kê của Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Công Thương), năm 2008, cả nước xuất khẩu được 104.000 tấn chè theo đường chính ngạch, đạt kim ngạch 147 triệu USD, giảm 5,4% về khối lượng và tăng 12,4% về giá trị so với năm 2007. Ngoài ra, chúng ta còn xuất được 8.000 tấn qua đường tiểu ngạch, giá trị kim ngạch đạt 13 triệu USD. Đại diện của một số doanh nghiệp hoạt động trong ngành sản xuất, kinh doanh chè cho rằng, khoảng 6 tháng đầu năm 2008, tình hình xuất khẩu tương đối ổn định nhưng sau đó thì khó khăn liên tiếp ập đến.

Đầu tiên là việc khách hàng lớn của ngành chè Việt Nam là Trung Quốc đột ngột ngừng nhập hàng, khiến lượng lớn chè thành phẩm bị ứ đọng không tiêu thụ được. So với năm 2007, lượng hàng xuất sang Trung Quốc giảm khoảng 23.000 tấn; các thị trường khác 11.000 - 15.000 tấn.

Sản phẩm chè Việt Nam đã có mặt tại 110 quốc gia và vùng lãnh thổ; trong đó thương hiệu “CheViet” đã được đăng ký và bảo hộ tại 70 thị trường quốc gia và khu vực.

Bất chấp nỗ lực của các doanh nghiệp, những tháng cuối năm, lượng hàng xuất khẩu tiếp tục giảm. Tháng 10, theo kế hoạch xuất hàng là 11.000 tấn nhưng thực tế chỉ xuất được khoảng 9.500 tấn. Tháng 11, dự kiến 10.000 tấn nhưng lượng xuất thực tế chỉ đạt 8.000 tấn. Sản lượng xuất khẩu giảm, lượng hàng tồn đọng nhiều kéo theo đó là giá thu mua chè nguyên liệu cũng xuống mức thấp, khiến người trồng chè rơi vào cảnh bế tắc. Hiện, ở nhiều vùng chuyên canh, giá chè nguyên liệu đã giảm tới 50%, chỉ đạt bình quân 2.200 - 2.500 đồng/kg nhưng người dân vẫn không bán nổi dù thời điểm cuối năm chất lượng chè nguyên liệu tương đối tốt.

Theo TS. Giá, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu buộc người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu là nguyên nhân chính khiến lượng chè xuất khẩu của nước ta giảm mạnh. Không những thế, nhiều khách hàng còn yêu cầu thay đổi cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng lượng hàng tốt, giảm lượng hàng có chất lượng trung bình hoặc yêu cầu được trả chậm. Tất cả những điều đó, cộng với những khó khăn từ trong nước đã giáng một đòn khá mạnh lên các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ. Thậm chí, nhiều đơn vị không cầm cự được đã phải ngừng sản xuất, tạm đóng cửa.

Mục tiêu năm 2009 có thành?

Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Hiệp hội Chè Việt Nam khóa III đã thông qua mục tiêu, kế hoạch phát triển của ngành trong năm 2009, phấn đấu đạt sản lượng xuất khẩu 117.000 tấn, tổng kim ngạch 167 triệu USD, tăng 13,6% so với năm 2008. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, để đạt được mục tiêu này là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của cả ngành. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên cho rằng: “Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là ngành chè cần có hướng đột phá để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là tiền đề hết sức quan trọng để ngành chè vươn ra thị trường thế giới”. Ngoài việc tiếp tục giữ vững thị trường hiện có, khôi phục thị trường I-rắc, ngành cần mở ra các thị trường mới như: Đức, Hà Lan, Ba Lan, Ả rập Xê út....

Ông Nguyễn Kim Phong, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam khẳng định: “Để nâng cao vị thế của ngành, các sản phẩm mang thương hiệu “chè Việt” bắt buộc phải đạt tiêu chuẩn quốc gia. Theo đó, ngành sẽ tập trung đầu tư hiện đại hoá công nghệ chế biến, nâng cao năng suất và chất lượng, mở nhiều lớp đào tạo giúp người dân nâng cao kỹ thuật chăm sóc chè, tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, giá cả hợp lý”.

Đề xuất giải pháp trước mắt, ông Giá cho rằng, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông sản nói chung, ngành chè nói riêng bằng cách hỗ trợ vốn để kích thích sản xuất. “Nếu khó khăn của ngành không nhanh chóng được tháo gỡ bằng những chính sách hỗ trợ về tín dụng như khoanh nợ, giãn nợ và nâng hạn mức tín dụng để doanh nghiệp có thể tiếp tục vay phục vụ sản xuất thì sang năm 2009, tình hình càng thêm khó”, ông Giá nhận định.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, bản thân các doanh nghiệp cũng phải đổi mới công nghệ, nỗ lực tìm kiếm thị trường, nắm bắt tình thế để có thể đứng vững trong “cơn bão” suy giảm của kinh tế toàn cầu. Công ty cổ phần Chè Hùng An (Hà Giang) là một ví dụ về thay đổi công nghệ, sản phẩm và tiếp cận thị trường mới. Theo đó, công ty này đã chú trọng phát triển sản phẩm chè đen, chè an toàn, thay công nghệ đốt truyền thống sang sao chè bằng hơi nóng, cải tiến máy vò, sàng... để có sản phẩm tốt hơn, đa dạng hơn; góp phần tiết kiệm chi phí đầu vào, tăng giá trị sản phẩm và vẫn đảm bảo mục tiêu xuất khẩu. Kinh nghiệm từ chè Hùng An là bài học để các doanh nghiệp dần thích ứng với những biến động.



Nguồn: www.kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường