Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cấp bách “giải cứu” làng nghề
19 | 02 | 2009
Các làng nghề (LN) Việt Nam đang đứng trước những khó khăn lớn như thị trường hẹp, vốn thiếu, sản phẩm mẫu mã đơn điệu, môi trường ô nhiễm… nhưng đáng lo ngại nhất là các LN đang phải đối mặt với tình trạng hàng loạt lao động mất việc làm.

Nguy cơ phá sản

 

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bắc Ninh cho biết: 6 tháng cuối năm 2008 và những tháng đầu năm 2009, các LN trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Thị trường tiêu thụ sản phẩm gần như "đóng băng". Trước đây, LN đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhưng khủng hoảng kinh tế thế giới đã đẩy nhiều nước lâm vào khó khăn, các DN ở Đồng Kỵ không bán được hàng nên khối lượng sản phẩm của LN đang tồn đọng khoảng 20 triệu USD. Các LN khác cũng như vậy, như 500 DNLN giấy xã Phong Khê có đến 40% DN bị phá sản, 2.000-3.000 tấn giấy không có nơi tiêu thụ. LN Đồng Kỵ 500 DN với 5.000 lao động, trong đó 70% đã ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng. Một số DN có đến hàng trăm lao động làm việc, nay giảm xuống còn 7-8 người. 500 DN sản xuất giấy ở Phong Khê, thu hút khoảng 1 vạn lao động nay có tới 1/2 số DN đã ngừng sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng, các địa phương khác cũng đang "thoi thóp".

 

Một chủ DN chuyên kinh doanh thép và gỗ tỉnh Nam Định cho rằng: Giá nguyên liệu đầu vào biến động thất thường, cụ thể năm 2008 lên tới 40%, trong khi đó giá bán thành phẩm của các tháng cuối năm 2008 và đầu năm 2009 giảm xuống 30%. Bước sang năm 2009, giá nguyên, vật liệu có giảm nhưng lại rơi tự do, giảm tới 40%, do đó các DNLN đều làm ăn thua lỗ. Các DN đang mong chờ sự hỗ trợ về lãi suất vốn vay 4% trong gói khích cầu 17 tỷ đồng của Chính phủ. Trước mắt và lâu dài, nếu không có giải pháp cấp bách, kịp thời, tình hình phá sản của các DNLN sẽ nhiều hơn nữa, hệ lụy là số lao động mất việc làm ngày càng tăng hơn, đẩy gánh nặng cho xã hội.

 

Ông Lưu Duy Dần, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng: 6 khó khăn lớn mà các LN hiện nay đang phải đối mặt là hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn, thị trường chưa phát triển do mẫu mã chậm cải tiến, công nghệ lạc hậu, diện tích sản xuất nhỏ hẹp, thiếu nhân lực có trình độ tay nghề cao và ô nhiễm môi trường. Các LN còn đang đứng trước yêu cầu tạo việc làm thêm cho một lực lượng lao động trước đây đã ra các thành thị để kiếm việc làm, nhưng khó khăn chung của đất nước cộng với giá chi tiêu đắt đỏ, công việc không ổn định nên họ buộc phải về quê để kiếm việc làm. Thêm nữa, tình trạng nguyên liệu tại chỗ ngày càng cạn kiệt, phải nhập khẩu để sản xuất, điều này sẽ khiến cho các LN càng dễ bị tác động bởi các yếu tố như biến động về giá cả thị trường.

 

Giải pháp vực dậy làng nghề ?

 

Ông Nguyễn Văn Biên, Liên  minh HTX Việt Nam cho biết: Trong gói kích cầu của Chính phủ cũng nên dành một phần cho việc tìm hiểu thị trường. Mức vay hỗ trợ 4% là chủ trương đúng song việc tiếp cận lại gặp rất nhiều khó khăn, do vậy phải có cơ chế thông thoáng hơn như không phải thế chấp mà chỉ cần tín chấp. Chính phủ nên xem xét cho các quỹ tín dụng nhân dân địa phương được vay vào gói kích cầu này; bởi hiện nay còn hơn 1.000 quỹ tín dụng nhân dân đang hoạt động, đây là những quỹ gắn với sản xuất, đồng thời nắm chắc được năng lực sản xuất của các cơ sở. Nên hỗ trợ mạnh cho các DN nào thu hút và giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, có chính sách hỗ trợ công nghệ bởi hiện nay việc sản xuất của các DN ở LN còn lạc hậu, muốn cạnh tranh phải có công nghệ mới, để cải tiến mẫu mã sản phẩm.

 

Phần lớn các DN đều cho rằng thủ tục vay vốn của ngân hàng quá khắt khe và cách nào để tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi 4% trong gói kích cầu của Chính phủ. Lý giải về vấn đề này, bà Trần Thị Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước cho biết: Ngày 3-2, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký quyết định hỗ trợ lãi suất vốn vay trong gói kích cầu của Chính phủ cho các DNLN vay vốn sản xuất. Việc cho vay không khống chế, bình đẳng đối với DN nhỏ và vừa, nhưng để vay được vốn ưu đãi này, DN phải có phương án, đề án kinh doanh khả thi và có khả năng thanh toán nợ.

 

Trước những khó khăn của các LN, Bộ NN-PTNT đã xây dựng 4 giải pháp cấp bách và 5 giải pháp lâu dài để "cứu" các LN trong giai đoạn khó khăn. Ông Lưu Duy Dần cho rằng, cần có 3 giải pháp lớn, như hình thành ngay một Ban chỉ đạo nhà nước về tư vấn phát triển bền vững các LN; hình thành quỹ hỗ trợ bảo tồn và phát triển các LN truyền thống; quy hoạch phát triển các LN theo hướng mỗi làng một nghề như ở các nước láng giềng xung quanh đã làm để đưa LN vượt qua cơn sóng gió. 

 

* Hiện nay, cả nước có 2.790 LN, thu hút khoảng 11 triệu lao động. Nhưng qua khảo sát thực tế ở một số tỉnh miền Bắc, miền Trung và Quảng Nam, Bến Tre cho thấy số lao động mất việc làm tại các LN có thể lên đến 50%, tương đương với khoảng 5 triệu lao động.

 

* Theo thống kê của 38 tỉnh, thành phố hiện nay đã có 9 LN phá sản, 124 LN sản xuất cầm chừng do gặp khó khăn (khoảng 10% tổng số LN), 2.166 hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh phá sản và 2 DN sản xuất ngành nghề nông thôn phá sản, 468 DN sản xuất cầm chừng (khoảng 18,6% tổng số DN).



Nguồn: Hànộimới Online
Báo cáo phân tích thị trường