Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Cần câu" và "chợ" của nông dân
17 | 02 | 2009
Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo xây dựng đề án đào tạo nghề cho một triệu nông dân. Nếu đề án này được thiết kế tốt và thực hiện đúng thì đó sẽ là yếu tố quan trọng trong việc giải quyết mục tiêu "tam nông" của Đảng và Nhà nước ta.

Theo GS Nguyễn Lân Dũng thì đây chính là "cái cần câu cơm" - tức là trang bị cho nông dân một nghề cụ thể - để giúp cho nông dân kiếm sống tốt hơn, đỡ vất vả hơn.

Trước hết, phải thấy rằng, trước kia đã có thời chúng ta quan niệm "nghề" là đại trà như kiểu VAC (vườn-ao-chuồng), ai ai cũng làm được. Thực tế cho thấy, không phải ở đâu cũng có thể đào ao, ở đâu cũng chăn nuôi có lợi.

Tiếp đó, các phong trào như nuôi tôm, nuôi cá, nuôi bò sữa; thậm chí nuôi ốc bươu vàng, trồng nhãn, trồng vải..., mặc dù có tạo nên sự thay đổi trong giai đoạn đầu nhưng lại dẫn đến hệ lụy về môi sinh, về vấn đề tiêu thụ sản phẩm, nên không ít trường hợp phải chặt cây, phá vườn. Vấn đề ở đây là nghề và đầu ra của nghề - hay nói khác hơn - cái "cần câu" và "chợ", có mối quan hệ mật thiết.

Đề án việc làm cho một triệu nông dân chỉ có thể khả thi khi có những người thầy giỏi. Làm thế nào để đào tạo ra thầy giỏi phải là giải pháp ưu tiên. Liệu các trường nông nghiệp, các trường kỹ thuật có giải quyết được yêu cầu này? Biện pháp nữa là Nhà nước không in những sách dạy nghề hiện có để phát miễn phí cho nông dân. Sách dễ hiểu là cách đào tạo nông dân ít tốn kém nhất.

Mặt khác, việc đào tạo nghề phải tính đến sự khác biệt về vùng, miền, thói quen, đặc điểm địa lý. Nếu cào bằng cách đào tạo như sách giáo khoa của ta hiện nay thì hiệu quả sẽ rất thấp. Học sinh Tây Nguyên hay Tây Bắc không thể theo kịp chương trình mà Hà Nội hay TPHCM đang học là thực tế hiển nhiên.

Đào tạo nghề quyết định phần lớn đến việc cải thiện chất lượng lao động và chất lượng sống, nhưng như thế vẫn là chưa đủ. "Cái chợ" của những sản phẩm mà cái "cần câu" sẽ câu được là vô cùng quan trọng. Tình trạng người trồng nhãn, trồng vải, trồng điều... được mùa mà vẫn phải "cười ra nước mắt" đã xảy ra từ rất lâu rồi. Giải pháp hiệu quả hầu như rất ít.

Nếu người nông dân áp dụng thành công những điều đã học, nhưng lại gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, thậm chí không thể tiêu thụ, thì nghề không thể đem lại lợi ích. Vì thế, đề án đào tạo nghề phải được quy hoạch trước, dự liệu trước những khả năng và thách thức của đầu ra.

80% các làng nghề trên cả nước đang "chết" dần vì lỗ nặng. Phải tính toán được nghề nào nhiều nguy cơ, nghề nào có triển vọng và triển vọng như thế nào ở thị trường nội địa. Những câu hỏi về một cái chợ cho các loại nghề phải đi trước việc hướng nghề, tạo nghiệp.

Cái mà "cái cần câu" đem đến, dù cá ba sa hay tôm, nhất thiết phải có chợ để cho chúng thành hàng hóa. Có như thế, đời sống của người nông dân mới ổn định và bớt nghèo. Hy vọng, đề án đào tạo nghề cho 1 triệu nông dân nếu có hiệu quả sẽ tạo tiền đề cho một bước ngoặt trong việc giảm bớt khoảng cách giàu - nghèo cũng như làm thay đổi diện mạo của nông thôn nước ta.



Nguồn: www.laodong.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường