Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành nông - thủy sản vẫn có cơ hội
19 | 02 | 2009
Hiểu rõ được khó khăn sẽ gặp phải trong năm 2009, các doanh nghiệp (DN) ngành thủy sản, nông sản đã có kế hoạch riêng, bên cạnh nhiều chính sách ưu đãi từ Nhà nước.

Quá nhiều thách thức

Theo báo cáo từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2009 sẽ giảm so với năm 2008 do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn giảm đáng kể, cũng như sự cạnh tranh mạnh về giá cả từ các nước.

Xuất khẩu cá tra, basa sang Nga, Mỹ giảm mạnh do các nước này đưa ra các chính sách hạn chế. Thị trường tôm cũng bị thu hẹp do USD rớt giá. Các DN chế biến tôm hiện chỉ dám sản xuất cầm chừng, lượng tồn kho lớn.

Ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch VASEP, cho biết các thị trường truyền thống của tôm VN là Nhật, Mỹ, EU đều đang rơi vào khủng hoảng. Các thị trường mới như Nga, Ukraine, Hàn Quốc cũng không ổn định. Xuất khẩu tôm năm 2009 có khả năng giảm ít nhất 30% so với năm 2008.

Theo ông Ngô Phước Hậu, Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt, sản lượng cá tra nguyên liệu trong năm qua đạt 1,65 triệu tấn, tăng 160% so với năm trước, dẫn đến khủng hoảng thừa và thua lỗ trên 1.500 tỉ đồng. Trên 50% người nuôi hiện đang “treo ao”, do đó 6 tháng đầu năm 2009 có nguy cơ thiếu hụt cá tra nguyên liệu.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN, cho biết năm 2009, ngành này tiếp tục gặp nhiều khó khăn, sức tiêu thụ giảm 20%-30%, giá cả lại không có lợi cho xuất khẩu.

Các DN trong hiệp hội đã thống nhất thu mua hết điều trong dân mới tính đến chuyện nhập khẩu điều thô. Tương tự, các DN xuất khẩu tiêu, cà phê cũng gặp tình trạng tương tự và đang nỗ lực tìm cách vượt khó khăn.

Nỗ lực tìm kiếm khách hàng

Ông Ngô Phước Hậu nhận xét tuy gặp nhiều thách thức, song vẫn có nhiều cơ hội cho DN thủy sản thành công nếu biết tận dụng tối đa, như nâng cao hiệu quả sử dụng lao động, nâng cao tỉ trọng xuất khẩu hàng giá trị gia tăng, hạn chế xuất khẩu hàng thô, quan tâm đến thị trường nội địa.

Ông Trần Thiện Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Minh Hải, cho biết vấn đề cần giải quyết rốt ráo hiện nay là làm sao tạo niềm tin cho nông dân tiếp tục đầu tư nuôi trồng trở lại. Công ty đã tiếp xúc với người nuôi, hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ứng vốn cho họ theo tiến độ.

DN cũng từng bước khắc phục vấn đề nan giải hiện nay là giá thức ăn chăn nuôi quá cao, bằng cách tìm nguồn thức ăn có mức giá phù hợp nhưng bảo đảm chất lượng. Sau đó, tiến đến liên kết với nhà chế biến thức ăn chăn nuôi, hoặc xây dựng nhà máy cung cấp trọn gói cho nông dân.

Bà Huỳnh Thị Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Agifish An Giang, cho rằng ngoài việc nỗ lực hơn nữa để tìm kiếm thị trường mới cho xuất khẩu, DN còn phải tăng tốc cho thị trường nội địa.

Do đó, Agifish An Giang đã đầu tư thiết bị chế biến sản phẩm, thường xuyên tung ra thị trường nội địa nhiều mặt hàng mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Ngoài những kênh phân phối ở siêu thị, chợ, DN này còn đầu tư mở rộng hệ thống bán hàng khắp cả nước.

Theo ông Đào Văn Chân, Giám đốc Công ty Xuất khẩu Nông sản Ninh Thuận, công ty không chỉ chú trọng đến thị trường mới như Trung Đông, Nga, Nhật, Hàn Quốc, mà còn chăm sóc kỹ các bạn hàng truyền thống.

Ngoài ra, DN còn tìm kiếm các cơ hội xúc tiến thương mại để quảng bá hình ảnh sản phẩm, hợp tác đầu tư với nhiều hình thức, chấp nhận thiệt thòi trước mắt để tính toán cho tương lai.




Nguồn: kinhte24h
Báo cáo phân tích thị trường