Chúng tôi được ông Hoàng Phước Bính - Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê dẫn đi thăm các trang trại và được gặp gỡ những "Kiện tướng" trồng hồ tiêu của huyện. Dọc đường đi, hai bên đường chỗ nào cũng thấy tiêu. Những trụ tiêu được người nông dân trồng thành những hàng dài thẳng tắp, có vườn cây đã phủ kín trụ, có vườn cây mới vươn lên ôm chặt lấy trụ bê tông. Đang mùa thu hoạch nên đi đến đâu cũng nghe mùi hăng hắc, nồng nồng đặc trưng. Chỗ thì có đông người đang bắc thang trèo lên hái, phía dưới gốc tiêu được trải bạt nilon. Ai nấy đều phủ kín mít từ đầu đến chân, chỉ để lộ hai con mắt, hai tay hái thoăn thắt những chùm hồ tiêu thả xuống bạt. Hái xong một cây là họ thu gom lại chất đầy vào bao mang về sân phơi; chỗ thì phơi phóng và quay tiêu để sơ chế tạp chất… Không khí mùa thu hoạch tiêu tất bật và bận rộn, song trên gương mặt ai nấy đều hân hoan chào đón một vụ tiêu bội thu về sản lượng.
Ông Bính dẫn chúng tôi đến tận trang trại hồ tiêu của gia đình anh Hồ Thanh Dũng. Đây là một trang trại có khoảng hơn 3 ha hồ tiêu, cho năng suất khá cao, trên 10 tấn/ha. Việc chăm sóc, thu hoạch tiêu là do chị Trần Thị Xuân vợ anh Dũng đảm nhận. Chị Xuân được mệnh danh là "Kiện tướng" trồng tiêu tại thôn Phú Quang, xã Ia Hrú, về trồng tiêu cho năng suất cao. Anh Dũng thì đảm nhận khâu sơ chế và bán sản phẩm. Đến nơi, đúng vào lúc anh Dũng đang quay tiêu trong máy quay tay. Máy quạt bụi, lá, cọng tiêu ra phía trước, thả hạt tiêu phía sau, phải quay máy mấy lần mới cho ra sản phẩm hạt tiêu tương đối sạch không có lẫn tạp chất. Trên sân kho phơi đầy hạt tiêu đã ngã màu đen sẫm xen lẫn màu đỏ sẫm vì tiêu chín không đều nên khi phơi có màu như thế. Anh Dũng cho biết: Nếu kỳ công thì khi hái xong, chọn những chùm tiêu chín đỏ phơi riêng để sau này chế biến thành tiêu đỏ. Cứ để lẫn lộn giữa tiêu đỏ và tiêu chín già nhưng đang còn màu xanh thì khi phơi khô sẽ trở thành tiêu đen. Gia đình làm nhiều, có trên 6000 trụ tiêu, lại ít lao động nên không có sản phẩm tiêu đỏ.
Ra tận vườn, chị Xuân đang hái tiêu cùng với 18 người làm công, người thì bắc thang lên hái, người thì thu gom tiêu cho vào bao. Dưới gốc tiêu là những tấm bạt xanh phủ đầy những chùm tiêu xanh, đỏ lẫn lộn. Cái thang của người hái tiêu cũng khác thang bình thường, nó có bốn chân, làm bằng sắt, khi bắc để leo lên hái tiêu không đụng chạm vào cây tiêu. Thấy chúng tôi đến, chị Xuân vội vã xuống thang và cởi khăn bịt mặt, vui vẻ nói chuyện. Khi được hỏi về năng suất và giá cả năm nay thì chị Xuân trả lời ngay: Năm nay gia đình tôi được mùa về sản lượng, năng suất bình quân đạt 6 kg/trụ, nhưng giá quá thấp chỉ 29 ngàn đồng/kg, giá phân bón lại cao. Vụ tiêu trước chỉ bán 1 tấn tiêu đã đủ tiền mua phân bón cho 1 ha cả vụ. Vụ tiêu năm nay, phải bán trên 5 tấn mới đủ tiền mua phân bón. Nếu không nắm vững kỹ thuật thì lỗ, song gia đình tôi đã có kinh nghiệm nhiều năm trồng tiêu, mới đầu cũng có thất bại, giờ thì yên tâm 6000 trụ tiêu đang trong thời kỳ cho thu hoạch cao, lại không bị sâu bệnh nên thu nhập cũng khá. Nếu được giá như năm ngoái (60-70 ngàn đồng/kg) thì trồng tiêu cho siêu lợi nhuận, không có cây gì sánh bằng.
Ông Hoàng Phước Bính tâm đắc: Vùng đất Chư Sê rất thích hợp cho trồng tiêu. Trên địa bàn huyện đã có trên 3000 ha tiêu, hàng năm cho sản lượng đạt từ 12.000 - 15.000 tấn, chiếm 17% sản lượng hồ tiêu cả nước. Là huyện đứng đầu về năng suất, sản lượng và chất lượng ngành hàng Hồ tiêu Việt Nam. Từ khi được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học & Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký độc quyền nhãn hiệu Tập thể cho Hồ tiêu Chư Sê, Hồ tiêu Chư Sê đã vươn xa đến 73 quốc gia trên thế giới và các vùng lãnh thổ, vượt các nước có nghề trồng tiêu lâu đời như ấn Độ, Indonexia, Malaixia... Sản phẩm Hồ tiêu Chư Sê đạt tiêu chuẩn ASTA và TCVN. Nhiều nhà nhập khẩu đã khẳng định sản phẩm Hồ tiêu Chư Sê đạt chất lượng hàng đầu thế giới. Sản phẩm từ Hồ tiêu Chư sê đã có chỗ đứng trên thị trường, vừa tiện lợi, vừa đảm bảo chất lượng, thơm ngon.
Trong hai năm (2009-2010), Bộ Khoa học và công nghệ, UBND tỉnh Gia Lai sẽ hỗ trợ triển khai 3 đề tài, dự án phục vụ cho việc quản lý, khai thác và phát triển thương hiệu sản phẩm Hồ tiêu Chư Sê với tổng kinh phí đầu tư 4.120 triệu đồng - Ông Nguyễn Đình Tiến - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết.
Hồ tiêu đã mang lại sự giàu có cho nhân dân trong vùng. Toàn huyện có hơn 100 hộ thu hoạch đạt từ 30 tấn hồ tiêu nhân trở lên mỗi năm. Nhà cửa của các lão nông được xây đến tiền tỷ, có xe ô tô…, làm cho bộ mặt nông thôn ngày một khởi sắc. Trên đường về thành phố Pleiku, rời xa thủ phủ Hồ tiêu Chư sê, trong lòng cảm thấy vui và tự hào quê hương Gia Lai được thiên nhiên ưu đãi cho một vùng đất đã cho ra sản phẩm bậc nhất thế giới, phục vụ cho người tiêu dùng không chỉ trong nước và cả toàn cầu. Mùi nồng, hắc của hồ tiêu như bám vào cơ thể, quần áo, về đến nhà vẫn còn thấy mùi đặc trưng ấy để mà nhớ mãi một chuyến đi.