Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xây dựng thương hiệu: “Cái phao” cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ
12 | 05 | 2009
Những mặt hàng thủ công mỹ nghệ(TCMN) truyền thống của Việt Nam như mây tre, gốm sứ…đã xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới.

Mục tiêu đến năm 2010. kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt gần 1,5 tỷ USD.Để có thể đạt được mục tiêu này thì vấn đề xây dựng thương hiệu cho mặt hàng TCMN là giải pháp quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay việc xây dựng thương hiệu cho mặt hàng TCMN vẫn chưa thực sự được chú trọng.

Mất tên tuổi khi lên đường “xuất ngoại”?

Thực tế hiện nay nhiều doanh nghiệp, làng nghề sản xuất hàng TCMN mặc dù đã hợp tác, đầu tư cơ sở vật chất với các đối tác nước ngoài trong việc sản xuất hàng TCMNphục vụ cho xuất khẩu, thế nhưng khi những sản phẩm này được xuất khẩu ra thị trường quốc tếlại không còn mang tên xuất xứ hay thương hiệu của doanh nghiệp mà mang thương hiệu nước ngoài bởi không có thương hiệu hoặc thương hiệu chưa có uy tín trên thị trường.Có tình trạng này là do các cơ sở sản xuất hàng TCMN trong nước không đầu tư vào việc thiết kế mẫu mã sản phẩm. Do vậy cơ sở này có thể "ăn cắp" mẫu mã của cơ sở khác để in catalogue chào hàng. Không chỉ có vậy, hiện nhiều công ty thương mại chỉ làm một việc là sưu tầm mẫu mà sản phẩm rồi đặt sản xuất. Theo Cục Xúc tiến thương mại: Nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN tuy đã nhận thức được việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của đơn vị nhưng vẫn ngại đăng ký thương hiệu vì thủ tục đăng ký bản quyền còn rườm rà, rắc rối, có nhiều chồng chéo, mang tính chất hành chính. Nghệ nhân Đào Văn Bồi, làng Vân Hà (Đông Anh, Hà Nội) cũng than thở: “Đăng ký một nhãn hiệu chung cho cả lô thì rất dễ bị làm nhái, còn đăng ký kiểu dáng cho từng sản phẩm thì doanh nghiệp không thể theo kịp hoặc kham đủ chi phí vì hàng thủ công phải thường xuyên thay đổi mẫu mã”.

Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết: Có tình trạng này là do hiện phần lớn làng nghề chưa thành lập được Hiệp hội, hoạt động vẫn mang tính cá nhân, tự khuếch trương cho cơ sở mình. Người dân làng nghề chưa nhận thức được việc phải đăng ký bảo hộ về chỉ dẫn địa lý, xây dựng thương hiệucho mặt hàng TCNM của mình cho nên chưa được thị trường biết đến. Số doanh nghiệp trong nước thấy được giá trị của hàng thủ công Việt Nam không nhiều, cộng với năng lực còn yếu nên đành chấp nhận xuất khẩu sản phẩm dưới một cái tên khác.

Đâu là giải pháp

Theo Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) thì hiện có 90% hàng Việt Nam vào thị trường thế giới thông qua các trung gian dưới dạng thô hay gia công cho những thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài. Và một khi chúng ta chỉ xuất khẩu theo hình thức này thì hàng TCMN Việt Nam sẽ vẫn chỉ là một cái tên rất mơ hồ, thậm chí là không có cả tên trên thị trường.

Ông Thắng Hải cho rằng: Để hàng TCNM không phải núp bóng các thương hiệu quốc tế mới xuất khẩu được, trong quá trình xây dựng được thương hiệu cho riêng mình các doanh nghiệp, làng nghề TCMN cần giảm bớt việc sao chép mẫu mã của nước ngoài mà cần đặc biệt chú trọng tới khâu thiết kế, tầm nhìn thương hiệu để tạo ra các các kiểu dáng, yếu tố mới cho sản phẩm phù hợp với nhu cầu khách hàng. Muốn làm được điều này đội ngũ thiết kế phải nâng cao hiểu biết văn hóa không chỉ của Việt Nam mà còn của nước ngoài, bởi vì người tiêu dùng không chỉ thích những sản phẩm mang bản sắc văn hóa Việt Nam mà còn cần những sản phẩm có dấu ấn văn hóa quê hương họ. Nếu không, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng xuất khẩu các mặt hàng lệch pha với nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, cần tích cực tham gia nhiều hội chợ quốc tế, bởi đây là giải pháp quan trọng để ngành hàng TCMN quảng bá thương hiệu, sản phẩm tiếp cận các thị trường lớn.Vừa qua, Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ được thành lập với mục tiêu giúp các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin thị trường, giúp họ giữ gìn, bảo hộ bản quyền, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế, để hàng TCMN xây dựng được thương hiệu thì các doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN cùng một dòng sản phẩm bên cạnh tên thương hiệu riêng của mỗi doanh nghiệp cần phải hợp sức lại trong một hiệp hội ngành nghề để khai thác thương hiệu chung. Ngoài ra cũng cần liên tục đầu tư cho quảng bá và phát triểnthương hiệu dưới mọi hình thức như mời gọi đầu tư, hợp tác sản xuất. Tuy nhiên, trong xây dựng thương hiệu, bên cạnh sự cố gắng của các doanh nghiệp sản xuất hàng TCMN thì Nhà nước cũng nên có sự giúp đỡ nhất định như đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường tuyên truyền; hỗ trợ kinh phí cho các làng nghề sản xuất hàng TCMN xây dựng thương hiệu.



Nguồn: www.ktdt.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường