Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mặn - Ngọt đánh nhau, lúa non chết héo
13 | 05 | 2009
Nước mặn từ Bạc Liêu tràn sang vùng đất chuyên canh lúa chất lượng cao của tỉnh Sóc Trăng vốn là chuyện thường niên ở vùng đất Ngã Năm (Sóc Trăng), nơi tiếp giáp giữa đôi bờ mặn - ngọt. Tuy nhiên, năm nay chuyện “tranh chấp mặn - ngọt" đã trở thành nỗi bức xúc của cả người dân và lãnh đạo hai tỉnh khi hàng ngàn hecta lúa hè thu ở huyện Ngã Năm có nguy cơ mất trắng vì dòng nước mặn từ Bạc Liêu tràn về không báo trước...

Đã hơn mười ngày nay nông dân các xã trong huyện Ngã Năm đứng ngồi không yên vì độ mặn trên hầu hết kênh rạch đều tăng cao đột ngột. Chủ tịch UBND xã Vĩnh Biên Phạm Khắc Điệp bức xúc: “Chúng tôi không kịp trở tay vì không được ai thông báo mặn sẽ về, nên các tuyến kênh trong toàn xã đều bị mặn. Hiện nay nước dưới kênh độ mặn vẫn còn khá cao do phía Bạc Liêu tiếp tục xả cống đưa nước mặn vào sâu trong nội đồng để nuôi tôm, trong khi 2.500ha lúa hè thu của chúng tôi mới được 15-20 ngày tuổi, rất dễ bị thiệt hại nếu không có nước ngọt”.

Theo ông Quách Văn Khương - phó chủ tịch UBND xã Vĩnh Biên, những năm trước, nước mặn từ Bạc Liêu cũng có tràn qua nhưng đều được thông báo trước và độ mặn phổ biến chỉ 3-4‰ nên lúa còn sống được. Năm nay mặn lên đến 6,9‰ từ cuối tháng 4 và hiện mực nước rất lặng, chảy yếu nên chắc chắn thời gian mặn sẽ kéo dài. Nếu phía Bạc Liêu ngưng xả cống và có mưa nhiều cũng phải mất khoảng nửa tháng sau nước dưới các kênh rạch mới ngọt trở lại.

Với tình hình xâm nhập mặn như hiện nay, 2.500ha lúa hè thu ở xã Vĩnh Biên đang đứng trước nguy cơ thiệt hại rất lớn. Hai ngày qua, có mưa lớn liên tục nhưng hiện đã xuất hiện một số diện tích lúa bị thiệt hại trong đợt mặn kéo dài gần 10 ngày. Ông Quách Văn Oai, nông dân ấp Vĩnh Tiền, xã Vĩnh Biên vừa xuống giống hơn tuần, lúa non gặp nước mặn nên bị thiệt hại hoàn toàn, đang phải chạy đôn chạy đáo đi mua lúa giống sạ lại.

Ông Nguyễn Văn Tiên - trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ngã Năm - cho biết: “Đợt mặn vừa qua chúng tôi không được phía Bạc Liêu thông báo nên không thể thông tin kịp thời cho người dân đối phó. Đợt mặn này rất cao và xâm nhập sâu tuyến Quản Lộ-Phụng Hiệp đến tận xã Long Tân (giáp huyện Long Mỹ, Hậu Giang) với độ mặn đo được là 2,4‰. Tại thị trấn Ngã Năm có lúc nước mặn đến 10‰.

Tuy nhiên, phía Bạc Liêu không thừa nhận do xả cống mà cho rằng do mực triều biển Tây dâng cao. Hiện các xã đang thống kê diện tích lúa bị thiệt hại để ngành nông nghiệp lên phương án chuẩn bị lúa giống hỗ trợ nông dân gieo sạ lại cho kịp thời vụ”.

Đến ngày 10-5, qua kiểm tra từ máy đo cho thấy độ mặn trên một số kênh rạch ở huyện Ngã Năm vẫn còn rất cao. Hiện nước dưới kênh Nàng Rền mặn 7,2‰, ngã tư kênh Tư 7‰, trước UBND xã Mỹ Bình 6,2‰, kênh Ranh ở ấp Mỹ Bình (Mỹ Quới) 6,5‰, tại UBND xã Mỹ Quới 7,1‰, ngã ba Làng Mới 8,7‰, Chùm Tre (ấp Mỹ Tây) 7,4‰…

Ông Dương Quốc Việt - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Sóc Trăng - khẳng định: “Phía Bạc Liêu không thể đổ lỗi khách quan rằng mực triều biển Tây dâng cao nên nước mặn xâm nhập sâu nội đồng như thế được vì các bản tin thủy văn khu vực cho biết mực triều biển Tây chỉ lên không quá 20cm”.

Tại buổi họp do Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) tổ chức tại Sóc Trăng với sự có mặt của lãnh đạo ngành nông nghiệp 3 tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu và Hậu Giang, đại diện Chi cục Thủy lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết cống lớn Giá Rai bị hư 2/3 cửa nên ảnh hưởng đến việc xả mặn mấy ngày qua.

Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 20 cống phục vụ cho công tác điều tiết mặn - ngọt, nhưng hầu hết xuống cấp nên Bạc Liêu đang tìm hướng nâng cấp hệ thống cống này, kinh phí dự kiến khoảng 150 tỉ đồng.



Nguồn: Tuổi trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường