Trong chuyến công tác tại Công ty rau quả 19- 5 (Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An) vừa qua, tôi cứ băn khoăn mãi về câu chuyện làm ăn của nông dân bản xứ và cán bộ, công nhân công ty với cây dưa hấu lai F1: Dưa chết nhiều, chết tự nhiên chứ không phải do thiên tai lũ ống, lũ quét hoặc thời tiết khắc nghiệt. Vậy nguyên nhân từ đâu?
Từ việc Công ty rau quả 19- 5 đưa một số giống dưa hấu lai vào gieo trồng thử nghiệm và thành công, mấy năm nay người dân nơi đây đã mạnh dạn đưa cây dưa hấu lên đồi, lên nương. Đồi nương rất dốc, dưa hấu lại xếp vào loại rau, cần nhiều nước tưới, mới nghe tưởng chuyện ngược đời, nhưng những thành công từ các ruộng dưa đã chứng minh đây là hướng đi đúng trong chuyển đổi cây trồng của họ. Năng suất dưa luôn đạt từ 40 đến 50 tấn/ha, giá bán tại vườn như năm ngoái được đến 4.500đồng/kg, tính ra mỗi năm trồng hai vụ dưa, một vụ màu thì chả mấy mà đã có thể nói lời tạm biệt với đói nghèo.
Thế nhưng, trời chẳng chiều lòng người. Được vài ba vụ thắng lớn, khi mô hình đã được nhân rộng thì cây dưa thoắt trở nên đỏng đảnh: trồng xong một thời gian cứ lụi dần rồi chết. Năm nay, hiện tượng dưa chết xuất hiện khá nhiều, từ đất trồng vụ thứ 2 trở đi, đất trồng càng nhiều vụ thì lượng dưa chết càng lớn. Theo ước tính, số dưa chết đã lên tới con số 70% diện tích trồng.
Dưa chết phải đi trồng dặm.
|
Tôi đến ruộng dưa của nhà anh Vấn Hằng – người dân ở đây có cách gọi tên hộ theo cách ghép tên hai vợ chồng. Năm nay, nhà anh trồng 5 sào dưa (mỗi sào ở đây được tính bằng 1.000m2) thì chết lụi cả 5 sào, đất bazan trơ ra một màu đỏ quạch. Thiệt hại chỉ tính riêng tiền hạt giống đã mất hơn triệu bạc, buốt hết cả ruột. Đau nhất là nhà anh Tâm Nhuận: trồng mười sào dưa chết hết cả mười. Kế đến là các nhà Đại Luyến bị chết mất 4 sào, nhà Năm Huy trồng 8 sào thì chết 4, nhà Lợi Huyền 6 sào chết 3,…
Hiện tượng dưa chết không phải năm nay mới xảy ra mà đã lác đác xuất hiện trong vài ba năm gần đây. Điều đáng ngạc nhiên là dưa trồng bị chết hầu hết rơi vào những vùng đất trồng dưa lần 2 - 3 trở đi, còn những vùng đất trồng năm đầu gần như không có cây bị chết. Tất cả những người trồng dưa mà tôi gặp đều “tha thiết đề nghị các nhà khoa học” giúp họ tránh được cảnh dưa chết.
Cái khó ló cái khôn. Sau vài vụ lác đác có hiện tượng dưa chết, người dân Nghĩa Đàn cũng mò mẫm tìm cách giảm thiểu thiệt hại bằng cách loại suy. Nhà nào cũng đều dùng ít nhất là ba giống dưa khác nhau, thậm chí có nhà dùng tới 4- 5 loại. Làm như vậy, ngoài chuyện giảm lượng dưa chết còn tiện cho việc so sánh năng suất, giá hạt giống từng loại.
Nhà nào cũng trồng ít nhất ba giống dưa để giảm lượng dưa chết.
|
Ông Lợi Lan, người làng Xâm, xã Nghĩa Lâm trầm ngâm: Dân trồng dưa bỏ tiền ra là phải lo đau đáu. Tiền vốn phần lớn đều là tiền vay ngân hàng, nếu không cũng đều là công sức, mồ hôi dồn góp nhiều năm. Vốn quăng ra đồi rồi, dưa héo cũng chả khác nào ruột mình héo. Mà cái ác nhất là không rõ nguyên nhân. Không biết nguyên nhân thì làm sao tìm ra cách mà khắc phục...
Vì dưa trồng đất 1 sống tốt, từ đất 2 trở đi thì chết nhiều nên một vài hộ đã tính đến kiểu “du canh dưa” có nghĩa năm nay trồng đồi này, năm sau trồng ở đồi khác? Nhưng đất đâu ra mà trồng theo kiểu du canh như vậy? Chẳng nhẽ lại phá rừng?
Tôi gặp anh nông dân Thảo Chín, người làng Chảo- Nghĩa Lâm ngay tại đồi dưa đang chết khi anh đang trồng dặm. Anh cho biết: Năm ngoái nhà anh trồng 2,5 sào dưa, thu được hơn 20 triệu đồng. Vợ chồng bàn nhau thừa thắng xông lên, năm nay trồng 5 sào, nếu xuôi chèo mát mái, sau ba tháng là có cục tiền trong tay. Ác nỗi, năm nay dưa chết nhiều nên hai vợ chồng suốt ngày phải đi trồng dặm, mà vì dưa chết nhiều quá nên trồng dặm cũng chẳng khác gì trồng mới.
Dưa chết, ngoài chuyện mất tiền giống mỗi sào khoảng 150.000 đồng còn mất tiền làm đất, tiền phân bón lót, tổng cộng từ 2,5 đến 3 triệu đồng/sào. Nhiều nhà ở chỗ không có nguồn nước thuận lợi còn phải thuê ao bơm nước tưới như nhà ông Vấn, mỗi vụ phải thuê ao tưới mất 1 triệu đồng, mà phải đưa tiền trước...
Là một nhà khoa học, với mong muốn tìm ra nguyên nhân để giúp đỡ bà con nông dân tìm ra nguyên nhân khắc phục hiện tượng dưa chết, tôi đã nhờ các anh Tuấn Hương và Đại Luyến lấy hộ 2 mẫu đất nông hóa để đem về Hà Nội phân tích. Tôi cũng hết sức mong muốn các nhà khoa học nông nghiệp khác cùng vào cuộc.