Dưa mất giá, nông dân thâm nợ
Đang là đỉnh điểm của vụ thu hoạch dưa hấu nhưng nỗi lo âu vẫn hằn sâu trên trán nông dân tỉnh Quảng Nam. Năm nay, dưa được mùa, mỗi sào thu hoạch được hơn 1,5 tấn nhưng người trồng dưa lại đang đối diện với cảnh nợ nần do rớt giá.
Chị Trần Thị Mười ở thôn Phước Yên (xã Đại An, Đại Lộc, Quảng Nam) than thở: “Hồi tháng 2 dưa được giá, mỗi ký được 4.000đ, thế là vợ chồng tui bỏ cây bông, cây ớt để chuyển sang trồng 2 sào dưa. Thế mà đến ngày thu hoạch giá chỉ còn 1.500đ/kg”. Đôi mắt mệt mỏi trên gương mặt sạm nắng, anh Tám, chồng chị Mười tiếp lời: “Giá cả thế này là lâm nợ, chú ơi!”.
Cùng cảnh ngộ với vợ chồng chị Mười, hàng trăm hộ nông dân khác ở Quảng Nam cũng đang đứng trước cảnh nợ nần chất chồng vì dưa mất giá. Để trồng một sào dưa Hắc Mỹ Nhân, người trồng dưa phải đầu tư phân bón, bạt che mất hơn 1 triệu đồng, chưa kể công. Ngoài ra, còn phải bỏ tiền thuê đất với giá 2 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, với giá dưa như hiện nay, mỗi sào chỉ thu được hơn 2 triệu đồng. Theo thống kê chưa đầy đủ, vụ này, Quảng Nam có 300ha dưa hấu đều được mùa, năng suất bình quân 1,5 tấn/sào. Với năng suất này chỉ cần giá 2.500đ/kg là nông dân đã có lãi.
Tại Quảng Ngãi, đợt mưa trái mùa liên tục đã khiến hàng trăm héc ta dưa hấu ở các huyện Sơn Tịnh, Bình Sơn, Mộ Đức, Đức Phổ (Quảng Ngãi) bị ngập nước khiến trái bị vàng vỏ, úng thối, nứt toác nên thương lái không mua hoặc mua với giá chỉ vài trăm đồng/kg. Dọc hai bên đường từ xã Tịnh Phong (huyện Sơn Tịnh) kéo dài đến Dốc Sỏi, xã Bình Nguyên (Bình Sơn), quốc lộ 1A, người dân dựng hàng dãy lều bạt để bán dưa với giá rẻ “như bèo”, chỉ 500 - 1.000đ/kg.
Tại tỉnh Bình Định, nhiều ngày qua, dưa hấu từ các huyện Tây Sơn, Phù Cát… tấp nập đổ về Quy Nhơn, rồi lan dần ra các thị trấn lân cận như Tuy Phước, Bình Định với giá 2.000đ/kg, rồi hạ dần chỉ còn 1.000đ/kg.
Chị Nguyễn Thị Luận, nhà ở huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) mắt thâm quầng vì những đêm không ngủ, phơi gió, phơi sương, nằm chờ bán lẻ dưa tại vỉa hè gần ngã ba Đống Đa - Trần Hưng Đạo (TP Quy Nhơn).
Từ ngày hàng ngàn tấn dưa của Việt Nam nằm chết gí tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), chị Luận cũng như hàng trăm nông dân trồng dưa khác phải tự tìm mối tiêu thụ, liên kết vài ba chủ thuê xe chở lên các tỉnh Tây Nguyên hoặc chở về Quy Nhơn tìm cách bán lẻ từng ký với hy vọng “vớt được đồng nào hay đồng đó”.
Thương lái “bỏ của chạy lấy người”
Khi dưa được giá, thương lái ồ ạt đổ về các vựa dưa để “đặt cọc”. Thế nhưng, khi dưa mất giá, nhiều thương lái “bỏ của chạy lấy người”. Chị Nguyễn Thị Sen ở thôn Phú Thọ (xã Tây Phú, huyện Tây Sơn), cho biết: “Nhà tôi cùng 4 gia đình hàng xóm trồng 50 sào dưa, lúc mới trồng đã ký hợp đồng bao tiêu với một thương lái tên Trinh với giá 2.000đ/kg (bán tại ruộng). Cách đây mấy hôm, bà Trinh đặt cọc trước cho 5 nhà chúng tôi 15 triệu đồng. Thế nhưng, khi thu hoạch xong thì chẳng thấy bà Trinh đâu cả. Chúng tôi gọi điện, chấp nhận hạ giá đến 1.000đ/kg vẫn không thấy bà Trinh. Gần 100 tấn dưa của 5 gia đình chúng tôi có nguy cơ thối nhưng chẳng biết làm sao tiêu thụ”.
Không chỉ ở huyện Tây Sơn, tại các xã Cát Lâm, Cát Tài (huyện Phù Cát), Nhơn Tân (huyện An Nhơn), Phước Lộc (Tuy Phước) của tỉnh Bình Định hiện còn hàng trăm héc ta dưa hấu đến kỳ thu hoạch đang khiến người trồng dưa hết sức lo lắng.
Chuyện “khủng hoảng thừa” không chỉ với dưa hấu mà tất cả các mặt hàng nông sản ở miền Trung không còn là chuyện lạ. Đó là hệ quả tất yếu của việc phát triển và chuyển đổi cây trồng một cách tự phát. Khi thấy cây ớt được giá, nông dân ồ ạt phá thuốc lá trồng ớt; thấy dưa hấu được giá, nông dân lại ồ ạt phá bỏ ớt trồng dưa. Trong khi đó, vai trò của các trung tâm khuyến nông từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện rất mờ nhạt, hầu hết nông dân tự xoay xở nên chuyện thất bại, trắng tay rất dễ xảy ra.
Đã thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh Ông Nguyễn Hữu Vượng, Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) vừa cho biết: Đã hai ngày nay, cửa khẩu Tân Thanh không còn tình trạng ách tắc hàng hóa, rau củ quả. Các xe chở hàng đến cửa khẩu đều nhanh chóng được làm thủ tục và xuất hàng ngay trong ngày. Theo ông Vượng, việc “thuận buồn xuôi gió” với các xe hàng nông sản (chủ yếu là dưa hấu chở từ miền Trung ra) là do phía Trung Quốc đã mở thêm một bãi kho hàng lớn ở phía bên kia biên giới để tập kết hàng hóa trước khi đưa sâu vào nội địa. Giá cả nhiều mặt hàng nhờ đó cũng ổn định và được nâng lên, như giá dưa hấu từ 1.000đ lên 2.000đ/kg. Hy vọng đây là tin vui đối với những nông dân trồng dưa hấu ở miền Trung. |