Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Tây Nguyên - Rẻ như... cà phê
11 | 03 | 2010
Lẽ ra những ngày này mọi năm, bà con Tây Nguyên rộn ràng thu hoạch cà phê. Còn năm nay cà phê chín mà không ai muốn thu hái.

Nhiều tuần qua, người trồng cà phê ở Tây Nguyên như đang lên cơn "co giật" bởi giá cà phê liên tục hạ. Ở thời điểm hiện tại, giá 1kg cà phê nhân chỉ còn khoảng 22 nghìn đồng, giảm so với cùng kỳ năm ngoái từ 3- 4 nghìn đồng/kg. Trái với quy luật nếu năm nào cà phê được mùa thì mất giá, ngược lại cà phê mất mùa thì giá tăng cao. Năm nay, cà phê mất giá trong tình trạng mất mùa: Vụ cà phê vừa rồi, sản lượng cà phê cả nước giảm từ 40- 45%.

Sản lượng giảm, giá giảm nhưng những chi phí khác thì lại tăng cao: Nếu tầm này năm ngoái, giá phân đạm là 55 nghìn đồng/kg thì hiện tại, phân đạm đang ở ngưỡng 70- 72 nghìn đồng/kg. Giá điện tăng, xăng dầu cũng tăng mấy chập làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tưới cà phê. Nhân công cũng theo đó mà “đỏng đảnh” đòi giá cao hơn.

Có vườn cà phê hơn 4 ha ở xã Gào (TP Pleiku, Gia Lai), bà Lê Thị Bích Liệu không ngớt than vãn: “Do chi phí đầu tư niên vụ cà phê vừa rồi lên cao, trong khi thời điểm trước đó, giá cà phê còn thấp nên tôi ghim hàng không bán. Cứ nghĩ năm nay sản lượng cà phê giảm thì giá tăng, nào ngờ từ Tết đến giờ, cà phê cứ rớt giá mãi không dừng. Bây giờ đang là mùa tưới, cần tiền để thuê mướn nhân công, tiền mua dầu…mà giá cà phê lại xuống quá thấp, bán ra thì lỗ lớn. Tôi phải đi vay mượn tiền của người thân để lo chi phí chăm sóc vườn cây. Cà phê thì để đó, vẫn phải chờ thôi”.

Bà Liệu thì còn để cà phê chờ giá cao mới bán, chứ như hoàn cảnh ông Lê Thanh Hải (Đăk Hà, Kon Tum) thì không thể chờ được bởi hiện tại, “Trong nhà tôi không còn một xu, trong khi không biết vay mượn ai để lo cho chi phí tưới nước. Không thể ngồi nhìn vườn cà phê chết héo nên có lỗ vẫn phải bán”. Gia đình ông Hải còn trữ được hơn 3 tấn cà phê từ vụ rồi, mang cà phê ra bán mà lòng dạ thì như dao cắt.

Còn ông Lê Tiến Trung ở Ea H’leo (Đăklăk) thì đang “méo mặt” với vườn cà phê gần 5 ha của gia đình. Mọi năm đến mùa tưới, gia đình ông thuê gần chục nhân công tưới nước. Bây giờ đang là lượt tưới thứ hai, vườn cà phê mênh mông chỉ còn hai vợ chồng với một nhân công thuê được, thay nhau kéo ống, bơm nước. Được hai đứa con thì cho đi học đại học ở xa, hai vợ chồng già ở nhà như “đánh vật” với cái nắng gay gắt của cao điểm mùa khô Tây Nguyên. Đưa tay lau mồ hôi nhễ nhại, ông cho biết: Trước Tết dù giá thấp, tôi vẫn phải bán hơn nửa số cà phê thu được để lo cho cái Tết, rồi để cho tiền các con đi học. Còn lại non nửa, mới đây tôi đành phải bán với cái giá bèo bọt để lấy tiền trang trải cuộc sống.

Mới đây, Chính phủ đã có chủ trương cho mua tạm trữ từ 300- 350 nghìn tấn cà phê, chờ thời điểm giá cao sẽ xuất. Ông Nguyễn Đại Ngọc- GĐ Cty Cà phê Ia Grai (TCty Cà phê Việt Nam) cho biết: Đây là một chủ trương đúng bởi hiện tại, giá cà phê đang xuống quá thấp, nếu người dân bán cà phê trong thời điểm này thì sẽ chịu thiệt thòi lớn.

Chủ trương giữ hàng, chờ giá lên là hợp lý nhất trong thời điểm này. Tuy nhiên Nhà nước phải có biện pháp hỗ trợ vốn cho các DN, để họ có tiền thu mua cà phê tạm trữ chứ DN biết vay đâu ra tiền trong khi các NH đang siết lại việc cho vay vốn.

Ông tính: Mỗi niên vụ, người trồng cà phê phải tưới từ 3- 4 đợt, khoảng cách mỗi lần tưới từ 20- 25 ngày, kéo dài đến tháng tư năm sau. Chi phí tưới một đợt cho 1 ha hết khoảng 4 triệu đồng (mỗi giờ tưới hết khoảng 70 nghìn, mỗi ha tưới hết 50 giờ). Như vậy 5 ha cà phê, một đợt tưới hết khoảng 20 triệu đồng. Nếu chỉ tưới 3 đợt cũng bay đứt 60 triệu đồng. Thời điểm này, với giá cà phê như hiện nay thì số tiền ấy quả là quá sức với gia đình ông.

Ông Trung bấm đốt ngón tay: “Thuê một nhân công từ Bình Định lên tưới nước, mỗi ngày gần một trăm nghìn đồng tiền công, chưa kể cơm ăn nước uống. Biết là khó nhưng không thể để vườn cà phê chết khát, còn mùa thu hoạch năm sau nữa chứ! Đành phải giảm lượng phân bón lại, cầm cự cho mùa sau. Lỡ làm rồi thì phải cố, hy vọng là trời sẽ thương thôi”.

Cà phê là một trong số ít loại cây trồng chủ lực của Tây Nguyên. Cây cà phê đã từng đem đến diện mạo mới, đời sống sung túc cho hàng vạn hộ dân ở đây. Vậy mà liên tiếp những năm gần đây, người trồng cà phê ở Tây Nguyên luôn phải hứng chịu những biến động khôn lường của thị trường: Chi phí cao- giá thành thấp. Điệp khúc này hình như cứ trở đi trở lại ở Tây Nguyên không biết khi nào kết thúc.



Theo NNVN
Báo cáo phân tích thị trường