Chỉ trong một thời gian ngắn, ngành chế biến gỗ nước ta đã tăng trưởng vượt bậc, cả về năng lực, giá trị sản xuất và thị trường xuất khẩu.
Nhưng hiện tại, ngành gỗ đang đối diện với không ít khó khăn. Về xuất khẩu, 4 tháng đầu năm nay chỉ đạt 774 triệu USD, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2008, là một thí dụ...
Khó khăn xuất phát từ hội nhập?
Nhiều chuyên gia lý giải sự sút giảm này của ngành gỗ cũng như các ngành hàng xuất khẩu chủ lực khác là do ảnh hưởng chung của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi chiếm tới 39% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của Việt Nam trong năm 2008.
Do kinh tế khó khăn, mức tiêu thụ đồ gỗ của người dân Hoa Kỳ năm 2008 đã giảm khoảng 50% so với năm trước, và 2 tháng đầu năm 2009 mức giảm này đã tăng thêm khoảng 12,6%...
5 năm qua, ngành gỗ đã là một trong số các ngành đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm; và liên tục có mức tăng trưởng kim ngạch 28%- 35%/năm.
Năm 2008 là năm đầu tiên gỗ xuất khẩu không đạt mục tiêu kế hoạch 3 tỷ USD, nhưng vẫn đạt 2,78 tỷ USD, tăng 21% so với năm trước (chỉ đứng sau các mặt hàng dầu thô, dệt may, giày dép, thuỷ sản, gạo; và đứng trước các sản phẩm điện tử-máy tính, cà phê, cao su, than đá, dây và cáp điện - là 11 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên).
Đáng mừng là đồ gỗ Việt Nam đã có mặt tại 120 thị trường khắp thế giới, trong đó có những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... Hội đồng xuất khẩu gỗ cứng Hoa Kỳ (AHEC) đã đánh giá Việt Nam là nước dẫn đầu trong khối ASEAN về uy tín và mặt hàng, sản lượng sản phẩm gỗ xuất khẩu!
Nhiều doanh nghiệp tự hào: ngành gỗ phát triển được như hôm nay không phải là nhờ vào các lợi thế trời cho như dầu thô, lúa gạo, thủy sản..; mà nhờ vào sự năng động, nhạy bén của các doanh nghiệp khi đất nước mở cửa hội nhập với khu vực và thế giới!
Điều này quả không sai. Có lẽ cũng vì vậy mà những khó khăn của ngành gỗ cũng có xuất phát điểm từ chuyện mở cửa hội nhập này?
Đầu tiên là về nguyên liệu. Gỗ là nguyên liệu chính và quan trọng nhất cho ngành chế biến gỗ, chiếm 60%-70% trong giá thành sản phẩm. Để xuất khẩu đạt được kim ngạch xuất khẩu khoảng 2,8 tỷ USD trong năm 2008 vừa qua, ngành gỗ đã phải nhập khẩu 1,21 tỷ USD gỗ nguyên liệu.
Tình hình này vẫn không khá hơn so với trong 3 năm trước đó (2005-2007), mỗi năm các doanh nghiệp gỗ Việt Nam cũng phải chi ra khoảng 41%-43% tổng kim ngạch xuất khẩu cho việc nhập khẩu nguyên liệu gỗ. Sự phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu gỗ như vậy đã làm giảm đi đáng kể hiệu quả kinh tế của ngành.
Quay về thị trường nội địa
Thị trường đầu ra của ngành chế biến gỗ còn lệ thuộc nước ngoài nhiều hơn nữa. Một chuyên gia trong ngành cho biết: tuy một số công ty lớn đã tự thiết kế được các mẫu mã sản phẩm riêng của mình để sản xuất và xuất khẩu, nhưng hiện nay có đến 90% lượng sản phẩm xuất ra nước ngoài là làm gia công theo các mẫu mã thiết kế của nhà nhập khẩu!
Điều này theo vị chuyên gia này, không chỉ làm cho giá trị thực thu của ngành bị giảm mà cơ bản hơn, đáng lưu ý hơn là thương hiệu đồ gỗ Việt Nam chưa có vị thế trên trường quốc tế.
Đã có dự báo là trong bối cảnh khó khăn hiện nay, sẽ chỉ có khoảng 50% số doanh nghiệp chế biến gỗ trụ vững được, còn lại có ít nhất 20% doanh nghiệp phá sản; đồng thời mục tiêu 5,56 tỷ USD xuất khẩu đồ gỗ vào năm 2010 khó thành hiện thực.
Xuất phát từ nhận thức bán hàng nội địa doanh số thấp và lợi nhuận không cao, nên nhiều năm qua thị trường đồ gỗ trong nước gần như bị bỏ rơi.
Kết quả một cuộc điều tra khảo sát thị trường cho biết chỉ có khoảng 20% doanh số tiêu thụ đồ gỗ trong nước thuộc về các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam, còn lại 80% với giá trị hàng trăm triệu USD mỗi năm thuộc về các sản phẩm của các nhà sản xuất Malaysia, Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Công, Thái Lan...
Rõ là nhu cầu đồ gỗ, và đồ gỗ cao cấp trong nước đã và đang gia tăng. Đến nay đã có không ít doanh nghiệp chế biến gỗ phải thu hẹp quy mô sản xuất, một vài công ty chuyển hướng sang thị trường châu Á và nội địa. Việc phát triển thị trường nội địa được nhiều chuyên gia cho là giải pháp tích cực nhất cho ngành chế biến gỗ trong và sau cuộc khủng hoảng kinh tế đang diễn ra hiện nay.
Theo GS.TS Đoàn Thị Hồng Vân, Đại học quốc gia Tp.HCM, chỉ tính riêng nhu cầu trang bị cho các căn hộ tại các dự án khu căn hộ cao cấp đang triển khai tại Tp.HCM, và Hà Nội thì doanh số đã có thể lên tới cả trăm triệu USD. Còn tính chung trong cả nước, thì chắc chắn doanh số không dừng lại ở mức này.
Tất nhiên để làm được điều này, điều quan trọng là các doanh nghiệp phải liên kết, xây dựng các chuỗi cung ứng, hệ thống phân phối hiệu quả cho thị trường nội địa; đồng thời tập trung xây dựng nguồn nguyên liệu ổn định cho ngành chế biến gỗ, khuyến khích trồng rừng (trong nước và liên kết với nước bạn Lào, Campuchia..), bảo vệ và khai thác rừng hợp lý.