Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phập phồng quả bưởi Đoan Hùng
16 | 07 | 2009
Đại dự án trồng 1.000 ha bưởi Đoan Hùng của tỉnh Phú Thọ vốn nhận được nhiều kỳ vọng về vùng hàng hoá đặc sản tập trung nhưng hiện nay đã có những tiếng ì xèo từ phía những chủ vườn.

Bưởi… đặt vòng

Đặc sản bưởi Đoan Hùng, Phú Thọ đã nhiều người biết nhưng nổi danh là thế nhưng dân sở tại chỉ “có tiếng mà không có miếng” bởi vườn bưởi quá manh mún, mỗi nhà chỉ có vài cây đến chục cây cộng với chăm sóc kém, mẫu mã xấu nên giá bán thấp, tính hàng hoá ít, làm quà vặt thì nhiều. Làm sao cho cây bưởi đặc sản “nhả” ra tiền vẫn là nỗi trăn trở của những người dân cũng như lãnh đạo huyện Đoan Hùng. Năm 2005, dự án của Bộ KH-CN đã cho phát triển 300ha bưởi trên đất Đoan Hùng người dân đã vội mừng.

Cũng năm đó, tỉnh Phú Thọ lại tiếp tục triển khai song song một dự án 1.000 ha bưởi ở Đoan Hùng nữa để tạo thành một vùng bưởi hàng hoá cực lớn, cung ứng sản phẩm với những tiêu chuẩn cao và đồng bộ. Về sau, do diện tích đất không cho phép, dự án của tỉnh chỉ triển khai trồng được cỡ 700 ha và của Bộ KH-CN được 300 ha, tổng cộng được cỡ 1.000ha (cả tập trung lẫn xen kẽ)… Mọi sự được khởi động rất “thông đồng, bén giọt”. Trên rót vốn, huyện tổ chức địa bàn, dân nô nức trồng, chăm bón, đến nay toàn bộ dự án đã hoàn thành, tuy nhiên, câu chuyện đằng sau nó cũng làm không ít nông dân rầu lòng.

Ở dự án bưởi của Bộ KH-CN, cơ quan chủ trì dự án là UBND huyện Đoan Hùng, có thời gian thực hiện bắt đầu từ 2005, kết thúc 2008. Nội dung của dự án là trồng mới 300 ha trong đó 73 ha bưởi Sửu, 227 ha Bằng Luân với nguồn vốn huy động cỡ 11 tỉ đồng gồm ngân sách sự nghiệp khoa học trung ương, ngân sách sự nghiệp khoa học tỉnh, đối ứng của huyện, đối ứng của nông dân (6,9 tỉ). Dự án này được đánh giá tương đối tốt nếu không có chuyện là những vùng trồng bưởi ven sông không bị hiện tượng “đặt vòng”, có cây, có lá mà không hề sinh quả. Anh Lữ Văn Quý-Trưởng Trạm khuyến nông huyện đích thân dẫn tôi về Chí Đám thực tế tình hình.

Suốt dọc dài của con sông Lô chảy qua địa bàn xã là những soi bãi trồng ngút ngàn bưởi. Rất nhiều nơi, bưởi cao đến 5-6 m, tốt um một màu xanh thẫm đẹp mắt, thân cành mập mạp nhưng chỉ có lá mà không hề có quả. Tìm đỏ mắt, thi thoảng cũng thấy có cây đậu được dăm ba quả, nhưng quả lại còi cọc tựa trẻ suy dinh dưỡng. Dân sở tại thấy hiện tượng lạ thường ấy liền gọi là “bưởi đặt vòng” hay “bưởi vô sinh”. Chị Nguyễn Thị Hoa-Khuyến nông xã thông tin thêm với tôi, địa phương mình có 72 ha bưởi trong đó bưởi dự án của Bộ là 30 ha (trồng ven bãi) còn 42 ha là của dân địa phương tự trồng trên đồi cao.

Anh Lữ Văn Quý kể: Năm 2004, Bộ KH-CN đề nghị thí điểm trồng 4 ha bưởi ở ven bãi sông Lô, chúng tôi cũng băn khoăn vì bưởi trước đây toàn trồng trong vườn cao hoặc gò đồi, nay trồng ra bãi không biết sẽ ra sao? Nhưng băn khoăn đó bị lấn át bởi 4 ha bưởi ngoài bãi, gặp đất đai phì nhiêu, nước nôi đầy đủ, cây phát triển tốt đến không ngờ. Những năm đầu bưởi ngoài bãi lớn gần gấp ba bưởi trồng ở trong đồi, cành lá cứ óng mượt.

Không chỉ có Chí Đám trồng bưởi ngoài bãi mà còn có những địa phương khác ở Đoan Hùng trồng nữa, tuy biểu hiện “vô sinh” chưa rõ nét. Theo quan điểm Trưởng Trạm khuyến nông Lữ Văn Quý, cách khắc phục hiện tượng này có lẽ sẽ phải hạn chế sinh trưởng của cây mới mong được đậu quả. Nhưng xem ra, cách đó thành công hay không còn ở một tương lai khó đoán định

Do lúc đó cây chưa có quả, chỉ biết là thân, lá, tán rất tốt, dân thích, cán bộ trông thấy cũng mê nên từ 4 ha thí điểm, tiến tới vận động dân trồng tiếp 27 ha ngoài bãi nữa. Giống, phân bón trên cấp còn dân chỉ bỏ công, bỏ đất vậy mà làm vèo cái, khoảng 1 tháng là trồng kín cả 27 ha. Sau này mới hay, cây bưởi Sửu rất phản ứng với dinh dưỡng. Khi trồng trên đất tốt, bưởi Sửu chỉ có lá mà không có quả. Diện tích trồng ban đầu đã 6 năm tuổi rồi, đáng nhẽ cho thu hoạch vài vụ rồi nhưng chẳng được tí quả nào. Dân họ ca cẩm, than vãn nhiều lắm trồng cây ai cũng mong đến ngày hái quả mà.

Đến lẫn giống

Nếu dự án của Bộ KH-CN có chuyện bưởi “đặt vòng” thì dự án của tỉnh cũng có một phần diện tích bị dân phàn nàn là lẫn giống. Tiếp xúc với chúng tôi, anh Phùng Minh Cường (Đoàn Kết, xã Hùng Quan) người có 2 ha bưởi và Đặng Văn Đông (thôn Cao Sóc, xã Hùng Quan có 1 ha bưởi kể: “Chúng tôi đã nhận với Ban dự án bưởi đặc sản xã Hùng Quan toàn bộ giống bưởi Bằng Luân.

Gia đình chúng tôi chăm sóc đến nay không phải giống bưởi Bằng Luân. Đầu tháng 5/2009, đoàn của tỉnh về kiểm tra gồm Sở KH-CN  và Trung tâm Giống cây trồng Phú Thọ (đơn vị cung ứng giống-PV) cũng đã kết luận không phải giống bưởi Bằng Luân”. Vậy giống bưởi này là loại gì? Để trả lời cho câu hỏi đó, chúng tôi đã tiếp xúc với chị Nguyễn Thị Tâm-Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng Phú Thọ và được biết, đơn vị cũng đang gấp rút cử cán bộ xuống các xã để kiểm tra , làm rõ vấn đề này. Theo bà giám đốc cho hay, hiện tượng lẫn chỉ xảy ra ở một phần diện tích giống sản xuất năm 2005, do đội ngũ kỹ thuật đơn vị lấy nhầm vật liệu của bưởi Diễn để làm, còn những năm tiếp theo, tình trạng này không còn nữa. “Quan điểm của đơn vị chúng tôi là sẽ có trách nhiệm với dân, ngay khi có ý kiến của dân đã cử cán bộ xuống kiểm tra kỹ .

Quả thực có một diện tích bưởi trồng năm 2005 bị lẫn sang giống bưởi Diễn. Tuy nhiên giống bưởi Diễn trồng ở Đoan Hùng có ưu điểm là ra quả sai, mẫu mã đẹp lại rơi vào đúng dịp Tết. Trong khi giống bản địa chưa ra quả, nếu có ra quả cũng phải vài năm mới ăn ngon thì giống bưởi Diễn đã bắt đầu được thu, ăn được và bán có giá. Vì thế đa phần người dân trồng bưởi khi tiếp xúc với chúng tôi đều có ý kiến giữ lại để chăm sóc. Còn một số hộ muốn trồng lại giống bản địa chúng tôi sẽ cử cán bộ đến ghép cải tạo tại vườn cho họ. Tất cả những diện tích bưởi bị lẫn năm 2005 này chúng tôi sẽ hỗ trợ vật tư, phân bón và chỉ đạo kỹ thuật chăm sóc…”.

(Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam)



Báo cáo phân tích thị trường