Nghịch lý RAT
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, thành phố Hà Nội đã giải quyết được cơ bản diện tích đất để sản xuất rau xanh. Hiện nay, diện tích sản xuất rau xanh của toàn thành phố lên tới gần 12.000ha, phân bố ở 22 quận, huyện, thị xã. Ước tính, mỗi năm bà con nông dân ở các địa phương đã tự sản xuất cung ứng khoảng 570.000 tấn rau, đáp ứng được 60% nhu cầu về rau xanh trên thị trường Hà Nội. Với diện tích trồng rau khá lớn, lượng rau đại trà sản xuất ra nhiều nhưng RAT lại rất hạn chế. Trên địa bàn thành phố mới có 122 cửa hàng bán RAT được cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh; 8 chợ đầu mối buôn bán rau nhưng chỉ có duy nhất 1 chợ đầu mối Vân Nội (Đông Anh) có khu vực bán RAT tách riêng biệt với nơi bán rau thường. Qua khảo sát, diện tích trồng RAT toàn thành phố cũng mới có vẻn vẹn 2.105ha, đáp ứng được 14% nhu cầu của người tiêu dùng. Điều đáng nói là việc sản xuất, tiêu thụ RAT đang bộc lộ khá nhiều bất cập cần giải quyết. Hiện số doanh nghiệp đứng ra thu mua sản phẩm lâu dài, ổn định cho bà con nông dân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Do đó, bà con nông dân trồng RAT vẫn phải bán lẻ tại chợ đầu mối của địa phương. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ cũng không mấy dễ dàng bởi giá RAT trên thị trường bấp bênh, chi phí lại cao hơn sản xuất rau đại trà truyền thống nên tâm lý người nông dân không mấy mặn mà với sản xuất RAT. Từ đó, bà con nông dân ở nhiều vùng chuyên canh trồng RAT lớn vẫn e ngại với việc mở rộng diện tích.
Mở ra hướng đầu tư sản xuất lớn
Khắc phục tình trạng thiếu RAT, thành phố dự kiến chi gần 1.000 tỷ đồng để thực hiện đề án RAT đến năm 2015. Sở NN&PTNT cho biết, thực hiện đề án này, từ nay đến năm 2010, ngoài việc duy trì đầu tư phát triển gần 12.000ha rau hiện có và quản lý giám sát hơn 2.000ha rau sản xuất theo quy trình sản xuất RAT, thành phố sẽ chú trọng phát triển diện tích RAT ở các vùng sản xuất tập trung nhằm nâng diện tích RAT lên 2.400-2.500ha, năng suất 20 tấn/ha/vụ, sản lượng khoảng 150.000-155.000 tấn rau/năm vào các năm tiếp theo, phấn đấu đáp ứng trên 16% nhu cầu của người tiêu dùng. Kế hoạch đến năm 2015, toàn thành phố trồng 5.000 - 5.500ha RAT, đáp ứng khoảng 35% nhu cầu người tiêu dùng Thủ đô. Đối với diện tích rau còn lại sẽ được thực hiện bằng các biện pháp kiểm tra và phân công cán bộ kỹ thuật quản lý, giám sát. Cùng với xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất và tiêu thụ rau nói chung, RAT nói riêng, thành phố sẽ đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế rau với công suất lớn, trong đó ưu tiên các vùng sản xuất tập trung và các chợ đầu mối, có cơ chế đầu tư xây dựng cơ sở trang, thiết bị sơ chế rau, kho bảo quản và hạ tầng kỹ thuật xử lý môi trường để từng bước lấy lại lòng tin với người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến băn khoăn xuôi ngược đánh giá kết quả thực hiện đề án đến đâu, có xứng tầm đầu tư và mong đợi của người dân? Bởi, sản xuất RAT không phải là lĩnh vực dễ, lợi nhuận lại thấp, thường bị mất chỗ đứng trước rau xanh giá rẻ được trồng theo cách truyền thống. Ở một số vùng chuyên canh, RAT không tìm được nơi tiêu thụ, thành thử phải mang đi chợ bán lẻ, giá lại bèo bọt ngang bằng với rau trồng bình thường. Đây không chỉ là nỗi lo của người nông dân ở những vùng chuyên canh RAT mà còn là nỗi lo của chính quyền địa phương nằm trong diện được quy hoạch phát triển RAT.