Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Làm trắng bún bằng hóa chất độc hại
23 | 09 | 2007
Gần đây dư luận đang râm ran nhiều cơ sở sản xuất bún tại TP.HCM đang sử dụng một số loại hóa chất công nghiệp để làm trắng bóng sợi bún. Điều đáng nói là những hóa chất này bị cấm sử dụng trong chế biến thực phẩm.

Cảnh giác với bún tươi giá rẻ

Theo thư phản ảnh của bà Nguyễn Thị Bính - giám đốc Công ty TNHH Nguyễn Bính - chuyên sản xuất bún tươi có thương hiệu bún “Thủ Đức” (Q.Gò Vấp), vài năm gần đây nhiều cơ sở sản xuất bún không có giấy phép kinh doanh đang sản xuất bún theo kiểu bất chấp sức khỏe người tiêu dùng.

Theo bà Bính, trên thực tế, không ít cơ sở sản xuất bún chạy theo lợi nhuận đã có những mánh lới riêng để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Thay vì dùng bột gạo hoàn toàn, họ pha trộn thêm bột khoai mì tươi, bột lọc vì giá bột này rẻ hơn gạo (khoảng 1.800đ/kg). Giá bỏ sỉ của loại bún này cũng rẻ hơn bún gạo hoàn toàn, chỉ 2.500-2.800đ/kg. Tuy nhiên, bún làm bằng bột khoai mì tươi, bột lọc thường có màu xám đen, trụng nước sôi thì bị bở, vụn. Vì vậy, những cơ sở làm loại bún này phải dùng hóa chất Tinopal để làm trắng và dai sợi bún. Với loại bún có pha trộn chất Tinopal nhìn rất trắng, bóng, đẹp mắt, hoàn toàn không để lại mùi vị, khi đưa ra ánh sáng mặt trời sợi bún thường trắng óng ánh.

Vẫn theo bà Bính, hiện nay các điểm bán bún tại hầu hết các chợ của TP.HCM thường lấy hàng xen kẽ cả hai loại bún gạo và bún làm bằng khoai mì tươi có hóa chất. Tùy theo sở thích của các bà nội trợ và túi tiền của họ mà người bán sẽ bán loại nào. Chưa kể còn có nhiều điểm sản xuất bún từ địa phương khác đưa vào TP.HCM tiêu thụ mà không thể biết chất lượng ra sao.

Sử dụng hóa chất tẩy rửa công nghiệp

Ngày 27-11, chúng tôi mua năm mẫu bún (mỗi loại nửa ký) ở ba chợ khác nhau đem đến Trung tâm Dịch vụ thí nghiệm phân tích TP.HCM để tìm chất Tinopal. Trong năm mẫu này, có một mẫu mà chính cơ sở sản xuất tự thú nhận là có sử dụng Tinopal với liều lượng rất ít. Tuy nhiên, kết quả trả lời lại không tìm thấy Tinopal trong cả năm mẫu bún. Theo các chuyên gia của trung tâm, có thể do lượng Tinopal trong bún ít, dưới ngưỡng của máy phân tích nên khó có thể phát hiện. Hơn nữa nếu dùng chất này nhiều trong bún sau một thời gian ngắn bún có thể chuyển sang màu xanh hoặc đen.

Thạc sĩ Đặng Ngọc Lý - trưởng khoa công nghệ hóa học Trường cao đẳng Công nghiệp thực phẩm TP.HCM - cho biết Tinopal là một loại hóa chất tẩy rửa công nghiệp, dùng làm trắng sáng sản phẩm. Trong danh mục phụ gia thực phẩm của Bộ Y tế không có loại này, tức là không cho phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. Nếu dùng hóa chất công nghiệp cho chế biến thực phẩm là không thể chấp nhận được.

Trong quá trình tìm hiểu việc dùng hóa chất để tẩy trắng bún, chúng tôi còn được biết có cơ sở sản xuất bún tại TP.HCM đã sử dụng hóa chất Psychotrine để làm trắng bún. Cơ sở này tự đem mẫu bún thành phẩm của mình đi kiểm nghiệm vì không biết tại sao khi bún làm ra chỉ khoảng một buổi đã chuyển từ màu trắng sang xám đen. Tuy họ nói không bỏ bất cứ hóa chất nào trong quá trình sản xuất bún nhưng kết quả phân tích đã tìm thấy Psychotrine. Theo một chuyên gia, Psychotrine cũng là chất tẩy trắng quang học dùng trong công nghiệp, không được phép sử dụng trong thực phẩm. Chắc chắn người sản xuất bún đã bỏ hóa chất này vào với mục đích làm trắng bún.

Qua thực tế, chúng tôi thấy Tinopal được bán ở một số điểm mua bán hóa chất ở chợ Kim Biên và xung quanh khu vực chợ với giá khoảng 500.000đ/kg. Đây là chất tẩy rửa cực mạnh, có màu vàng, không mùi, chỉ cần dính một chút thì da sẽ bợt trắng rất nhanh.

Tác hại của chất Tinopal

Việc sử dụng bún có hóa chất tẩy trắng có gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng? Trả lời vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Xuân Mai - viện phó Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM - khẳng định: có hại! Theo bác sĩ Mai, Tinopal là hóa chất tẩy trắng thường được sử dụng trong công nghiệp sản xuất giấy, vải, sợi. Cấm sử dụng cho người ăn. Nếu sử dụng trong thực phẩm sẽ làm hư hại đường tiêu hóa, dạ dày, hư hại hệ thống niêm mạc thành ruột, có thể dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày.

Đặc biệt, có thể làm tổn thương hệ nhung mao khiến cơ thể gặp khó khăn trong việc hấp thụ, tiêu hóa thức ăn và các chất dinh dưỡng. Một chuyên gia khác trong lĩnh vực hóa thực phẩm còn cho rằng nếu dùng hóa chất công nghiệp để chế biến thực phẩm rất có thể gây nguy cơ ung thư cho người tiêu dùng.

Khi nào cơ quan chức năng ra tay? Bà Đào Thị Mỹ Thanh - trưởng khoa vệ sinh thực phẩm Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM - cho biết trung tâm cũng nhận được đơn thư phản ảnh của cơ sở về việc sử dụng hóa chất Tinopal trong sản xuất bún. Hiện trung tâm đang đi kiểm tra thực tế, khảo sát ở một số cơ sở sản xuất bún của các quận huyện. Bước đầu đã phát hiện và lấy mẫu được vài loại hóa chất không rõ nguồn gốc ở một số cơ sở làm bún. Trung tâm đang yêu cầu những cơ sở này cho biết tên và nguồn gốc hóa chất ở đâu.

Trước mắt, trung tâm chưa lấy mẫu bún phân tích tìm hóa chất vì các cơ sở sản xuất bún thường dùng hóa chất trong quá trình ngâm gạo, hoặc bột... nên kiểm nghiệm bún thành phẩm khó tìm ra hóa chất độc hại...



LÊ THANH HÀ
Báo cáo phân tích thị trường