Trong tháng 6 xuất khẩu cá tra, basa đạt 57.918 tấn, trị giá 126,873 triệu USD, tăng 7,4% về khối lượng và 4,5% về giá trị. Với 3 tháng tăng và 3 tháng sụt giảm nhẹ nên 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu cá tra, basa của Việt Nam sang các thị trường chỉ giảm nhẹ 0,6% về khối lượng và 2,4% về giá trị, đạt 266.258 tấn và trị giá 604,749 triệu USD.
Nhu cầu cá tra tra tại thị trường EU đang dần hồi phục sau nhiều tháng sụt giảm. Riêng tháng 6 xuất khẩu cá tra basa sang EU đạt 20.644 tấn, trị giá 51,585 triệu USD, tăng 26,7% và 19,4% so với cùng thời điểm năm ngoái. 6 tháng đầu năm 2009, thị trường này chiếm gần 42% tỷ trọng với khối lượng 101.208 tấn, trị giá 252,821 triệu USD, tăng 3,4% về khối lượng nhưng lại giảm 0,5% về giá trị.
Giá trung bình cá tra basa xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU trong 2 tháng gần đây đã tăng so với các tháng hồi đầu năm nay nhưng lại giảm nếu so với cùng kỳ năm 2008.
Theo ông Jan Kaptijn, Giám đốc điều hành công ty Connection Seafood của Hà Lan nhận định, nhu cầu cá tra Việt Nam cho các nhà máy chế biến đang bắt đầu tăng cao sau 6 tháng đầu năm bị đình trệ. Cá tra vào thị trường EU tiếp tục tăng sau một thời gian trầm lắng, đặc biệt tại thị trường Ba Lan, nơi có nhiều đơn hàng chưa được thực hiện trong năm nay.
Bên cạnh đó, ông Dương Ngọc Minh, trưởng ban điều hành xuất khẩu cá tra vào thị trường Nga, cũng cho biết vừa đạt được thỏa thuận với phía Nga sẽ tăng sản lượng xuất khẩu cá tra vào thị trường này thêm 10.000 tấn trong bốn tháng cuối năm 2009, tức sẽ xuất tổng cộng 60.000 tấn.
EU vốn luôn là thị trường nhập khẩu cá tra basa lớn của Việt Nam nên giá xuất khẩu và sản lượng xuất khẩu cũng có ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường khác. Nhu cầu tại thị trường EU đang dần hồi phục và tăng cao thì giá sẽ theo đó được chào bán cao hơn. Hơn nữa, giá cá tra nguyên liệu tại thời điểm này trong nước đang có chiều tăng do thời gian qua nhiều hộ nuôi bị thua lỗ nên không còn vốn để đeo bám nghề.
Ước tính ở ĐBSCL có khoảng 40% hộ đã treo ao, còn các hộ nuôi còn lại chỉ thả cá với mật độ thưa và cho ăn cầm chừng, không dám đầu tư nhiều vào quá trình nuôi cá, nguồn cá nguyên liệu trở nên khan hiếm. Do vậy nhiều doanh nghiệp sẽ phải chào giá cao hơn cho phù hợp với nhu cầu của thị trường vừa phù hợp với tình hình giá nguyên liệu trong nước.