Một lần vô tình xem ti vi thấy người dân ở Hà Tây trồng cam đường Canh có hơn 1 sào mà lãi tới 70 triệu đồng, anh Long nghĩ: “Tại sao người dân ở nơi khác làm kinh tế giỏi như vậy mà dân mình lại để đất hoang phí quá”. Vậy là anh đã đầu tư tiền của, cất công hàng tháng giời đi Hà Tây, Hưng Yên để học tập cách làm ăn.
Ban đầu việc thực hiện mô hình của gia đình anh thật không đơn giản. Với ý định táo bạo “đưa cây cam Canh xuống đồng ruộng sình lầy - chỉ cấy được một vụ lúa không ăn chắc” đã khiến nhiều người trong thôn nghi ngờ về hiệu quả của mô hình. Ngay cả vợ anh cũng kịch liệt phản đối vì một mặt sợ anh vất vả, mặt khác cũng sợ trồng cam sẽ thất bại. Không ít lời ra tiếng vào nhưng đầu năm 2003 anh Long vẫn quyết tâm đầu tư dồn vốn liếng 205 triệu đồng mua 1,5 mẫu ruộng sình lầy để chuyển đổi mục đích sử dụng, rồi đảo lộn đất lên, đánh luống, làm bầu triển khai trồng 700 cây cam đường Canh đầu tiên. Việc làm của anh khiến hai vợ chồng ba tháng ròng không nói chuyện với nhau...
Để có tiền lấy ngắn nuôi dài, anh Long trồng xen đu đủ Đài Loan với cây cam. Do việc chọn giống tốt và được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vụ đu đủ năm 2004, anh Long đã thu về 92 triệu đồng. Có nguồn vốn này, anh đầu tư mua thêm 1,2 mẫu vải thiều liền kề với trang trại của mình, rồi chặt bỏ vải đi để trồng cam Canh. Có thể nói anh là người đầu tiên trong xã dám mạnh dạn phá vải thiều trồng cây khác.
Sau ba năm cần mẫn chăm sóc, năm 2005, vụ cam Canh đầu tiên đã mang lại cho gia đình anh được hơn 170 triệu đồng. Vụ cam năm 2006, anh thu về được 204 triệu đồng. Thấy đây là loại cây cho thu nhập cao, anh Long lại tiếp tục mua thêm 1,9 mẫu ruộng để mở rộng mô hình. Với cách làm như vậy, diện tích vườn cam Canh không ngừng được mở rộng, tăng lên đến 4,6 mẫu, tổng số trên 2.800 cây lớn nhỏ. Giá trị kinh tế thu về theo đó cũng tăng lên. Năm 2007, anh Long bán được hơn 800 triệu đồng tiền cam. Duy nhất năm 2008, vì bị ảnh hưởng bởi trận lũ lụt lịch sử cuối tháng 11 năm đó nên vườn cam nhà anh chỉ thu về được 250 triệu đồng.
Sản xuất cam Canh, anh Long không chỉ làm giầu cho kinh tế gia đình mình mà còn tạo được việc làm thường xuyên cho từ 5 – 7 lao động nhàn rỗi ở địa phương với thu nhập bình quân khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.
Vào thời điểm phải luân chuyển cây, tạo lại bầu có khi anh phải thuê đến 35 lao động. Từ mô hình trồng cam đường Canh này, anh Bùi Đức Long đã trở thành nông dân sản xuất giỏi vào bậc nhất huyện Lục Ngạn.
Năm nay, với hàng nghìn cây cam Canh cho thu hoạch, anh Long chỉ ước tính với số lượng cây to, mỗi cây lấy trung bình 40 kg quả, sản lượng cam không thể thấp hơn 80 tấn quả, tính ra giá trị thu về phải được trên dưới 1,6 tỷ đồng. Thời điểm này, anh Long đang phải thuê 7 lao động vừa chăm sóc cam, vừa tỉa bớt quả đi cho đỡ sai, để cây có sức nuôi quả.
Kinh nghiệm của anh, muốn trồng cam Canh đạt hiệu quả cần phải áp dụng nghiêm ngặt quy trình chăm sóc: từ việc làm đất tạo bầu cho cây, chế độ phân bón, đến việc phòng trừ sâu bệnh, rồi ép cho cây ủ được mầm hoa..., tất cả đều phải thực hiện đúng kỹ thuật. Trong đó yếu tố quan trọng nhất để cây ra được hoa, người làm vườn phải phán đoán được thời tiết khi nào chuẩn bị trời rét đậm để trước đó xử lý diệt một phần rễ và khoanh gốc cam. Thời điểm “ép quả” thường rơi vào khoảng tháng 10 âm lịch. Lúc cây đậu quả non lại phải khoanh - tiện gốc một lần nữa để giữ quả.
Đối với cây khoẻ thì tiện bóc vài hôm rồi bọc lại, còn yếu thì phải tiện mịn hơn. Việc chăm sóc cây cũng vậy, khi cây đang yếu, lá vàng phải chăm sóc từng tý một, tuyệt đối không được bón nhiều phân đạm, giống như người ốm yếu mình phải cho ăn cháo trước, sau đó hồi phục được sức rồi mới bồi bổ thịt cá.
(Theo NNVN)