7 tháng đầu năm 2009, Mỹ vẫn là thị trường nhập khẩu chủ yếu về gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Mỹ đạt 566,4 triệu USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù không tăng mạnh, nhưng 2 tháng trở lại đây xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Mỹ bắt đầu lấy lại được nhịp độ tăng trưởng sau khi sụt giảm mạnh trong các tháng đầu năm và tiếp tục có những tín hiệu khả quan. Hiện nay, tình hình kinh tế Mỹ được đánh giá là đã thoát khỏi tình trạng suy thoái và đang trên con đường phục hồi. Cùng với đó, thị trường nhà đất Mỹ cũng có những tín hiệu khả quan.
EU hiện vẫn là thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 2 của Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, đây là thị trường xuất khẩu có sự sụt giảm lớn nhất trong các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam 7tháng đầu năm 2009 sang thị trường EU sụt giảm 39% so với cùng kỳ năm trước, đạt 283 triệu USD. Như vậy, trong tháng 7/2009 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang khối EU tiếp tục sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, xuất khẩu sang khối đã có những dấu hiệu khả quan.
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang thị trường Anh, thị trường lớn nhất trong khối, tháng 7/2009 tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, tháng tăng trưởng đầu tiên kể từ đầu năm 2009 đến nay. Tính chung 7 tháng đầu năm 2009, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Anh đạt 93,29 triệu USD, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2009, đã cải thiện được 3% so với mức giảm 28% nửa đầu năm. Trong các tháng cuối năm, tình hình xuất khẩu sang thị trường này sẽ dần được cải thiện.
Nhật Bản, thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 3 của Việt Nam. Xuất khẩu sản phẩm này sang thị trường Nhật nửa đầu năm 2009 khá khả quan. Tuy nhiên, tháng 7/2009, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đột ngột sụt giảm mạnh, giảm tới 42% kéo kim ngạch 7 tháng đầu năm 2009 giảm 2% so với cùng kỳ, đạt 205 triệu USD.
Từ đầu năm đến nay, tình hình xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn có những điểm sáng như xuất khẩu sang thị trường Hồng Kông tăng 17,5%, kim ngạch đạt 6,4 triệu USD; xuất khẩu sang thị trường Mêhicô tăng 121%, đạt 3,5 triệu USD; xuất sang thị trường Ấn Độ tăng 8,2%, đạt 3,4 triệu USD và xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ tăng 1,7%, đạt 3,87 triệu USD.
Thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam 7 tháng đầu năm 2009
Thị trường | Tháng 7/2009 (USD) | 7 tháng năm 2009 (USD) |
Mỹ | 99.453.788 | 566.417.629 |
Nhật Bản | 29.702.044 | 205.250.640 |
Anh | 13.476.636 | 93.295.245 |
Trung quốc | 18.000.174 | 75.558.201 |
Hàn Quốc | 7.321.745 | 47.224.096 |
Đức | 3.949.228 | 46.022.631 |
Hà Lan | 2.101.202 | 35.637.976 |
Pháp | 2.943.963 | 34.370.927 |
Ôxtrâylia | 7.712.069 | 32.806.624 |
Canada | 4.506.647 | 23.583.220 |
Đài Loan | 4.358.128 | 18.360.191 |
Italia | 804.661 | 17.634.943 |
Bỉ | 1.204.165 | 13.191.865 |
Tây Ban Nha | 527.887 | 12.904.660 |
Thuỵ Điển | 604.645 | 12.620.680 |
Đan Mạch | 861.555 | 11.887.632 |
Malaysia | 594.112 | 7.058.566 |
Phần Lan | 58.841 | 6.493.173 |
Hồng Kông | 1.237.940 | 6.426.613 |
Hy Lạp | 84.944 | 6.015.901 |
Ba Lan | 58.753 | 5.298.138 |
NaUy | 391.425 | 3.897.269 |
Thổ Nhĩ Kỳ | 114.534 | 3.869.827 |
Mêhicô | 209.779 | 3.546.588 |
Ấn độ | 721.187 | 3.402.702 |
Áo | 256.303 | 2.652.766 |
Bồ Đào Nha | 214.301 | 2.375.770 |
UAE | 383.874 | 2.192.332 |
Singapore | 682.950 | 1.869.516 |
CH Séc | 293.811 | 1.703.818 |
Thái Lan | 179.290 | 1.329.005 |
A rập Xê út | 252.264 | 1.312.417 |
Thuỵ Sỹ | 35.094 | 1.303.237 |
Nam Phi | 247.375 | 1.176.617 |
Hungary | | 1.098.140 |
Cămpuchia | 347.975 | 957.457 |
Nga | | 859.991 |
Ukraina | 49.046 | 450.427 |