Từ những tháng cuối năm 2008 đến nay ngành thủy sản Việt Nam gặp không ít khó khăn khi xuất khẩu ra nước ngoài.
Trước tình hình đó các cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp khác nhau nhằm tháo gỡ nhưng đâu là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay?
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, từ đầu năm 2009 đến nay cả nước đã xuất khẩu được trên 632 nghìn tấn thuỷ sản các loại, trị giá gần 2,2 tỷ USD, giảm 5,2% về lượng và 7,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2008.
Trong đó, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực như tôm sú chiếm 35,4% tổng giá trị xuất khẩu với 776,7 triệu USD, giảm 1,8%; cá tra, basa giảm 4,8%; cá ngừ giảm 14,2%; mực, bạch tuộc giảm 14,8% so với cùng kỳ năm 2008.
Chỉ có mặt hàng khô tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Các thị trường xuất khẩu thủy sản đều giảm, chỉ riêng thị trường Trung Quốc tăng khoảng 21% so với cùng thới điểm năm 2008.
Ông Trần Thiện Hải, Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, chưa bao giờ ngành thủy sản đối mặt với hàng loạt khó khăn như thời điểm này. Hiện ngành thuỷ sản chỉ còn giữ được 122 thị trường xuất khẩu, giảm 37 thị trường so với cùng kỳ năm 2008.
Đại diện một doanh nghiệp ở Tp.HCM than thở, nhiều lúc doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thấy e ngại khi một số thị trường đưa ra quá nhiều rào cản kỹ thuật để chặn hàng thủy sản Việt Nam.
Đặc biệt ở Italia, có những phương tiện truyền thông đã đưa ra các thông tin cho rằng cá tra, basa được nuôi ở nguồn nước ô nhiễm, gây lo ngại cho người tiêu dùng nhưng kiểm chứng thực tế thì không có, khiến cho hai mặt hàng thủy sản này gặp khó khăn khi vào thị trường này.
Rồi đến các thị trường khác liên tục xuất hiện những thông tin bất lợi cho hàng thủy sản Việt Nam khiến không ít doanh nghiệp xuất khẩu lao đao.
Ông Trần Thiện Hải cho rằng chúng ta cần phải lên kế hoạch vận động và thực hiện việc áp mã số, mã vạch cho cá tra, cá ba sa của từng vùng. Xây dựng những quy chuẩn kỹ thuật nuôi cụ thể để đối phó được với những hàng rào kỹ thuật của các thị trường trên thế giới.
Để được cấp mã vạch, mỗi tổ chức, cá nhân nuôi cá tra, cá basa phải có một bộ hồ sơ từ nguồn gốc con giống, chế độ dinh dưỡng, thức ăn chăn nuôi, điều kiện vệ sinh vùng nuôi, nhật ký dùng thuốc trị bệnh... Việc theo dõi nghiêm ngặt quá trình nuôi thả sẽ giúp cho mặt hàng này đáp ứng những yêu cầu khắt khe của các thị trường lớn.
Ông Hải nói thêm, nếu trong trường hợp xảy ra kiện cáo về chất lượng sản phẩm thì việc truy tìm nguồn gốc cũng dễ dàng hơn. Chỉ những tổ chức, cá nhân nào đáp ứng được các điều kiện nuôi thả thì mới được cấp mã số, mã vạch và được các doanh nghiệp xuất khẩu thu mua chế biến.
Bên cạnh việc củng cố niềm tin cho các thị trường xuất khẩu từ chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần có những hoạt động xúc tiến mở rộng thị trường mới cho sản phẩm cá tra, cá basa nói riêng và các sản phẩm thủy sản nói chung.
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký VASEP cho biết, đối với mặt hàng cá tra, cá ba sa, chúng ta nên tiếp tục duy trì hoạt động và có những điều chỉnh phù hợp với chỉ tiêu xuất khẩu cho 10 doanh nghiệp chế biến được phép xuất khẩu vào thị trường Nga. Cùng với đó sẽ tiếp tục đàm phán để tăng số lượng doanh nghiệp và khối lượng xuất khẩu vào thị trường này.
Riêng thị trường Hoa Kỳ, theo thông tin từ Trung tâm Thông tin Phát triển nông nghiệp nông thôn, trong quý 2/2009 khối lượng cá da trơn bán ra của những nhà chế biến Hoa Kỳ giảm, nhưng sản phẩm cá tra của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này vẫn tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên việc Hoa Kỳ đưa cá tra của Việt Nam vào danh mục cá da trơn là một điều bất lợi và chúng ta đang cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của người tiêu dùng ở thị trường này để thuyết phục phía Hoa Kỳ loại cá tra Việt Nam ra khỏi danh mục cá da trơn.
Ông Nguyễn Hữu Dũng nhấn mạnh, việc các rào cản thương mại lập ra ngày càng nhiều đã gây khó khăn cho thủy sản của Việt Nam đòi hỏi các cơ quan chức năng cũng như chính các doanh nghiệp thủy sản phải có những điều chỉnh hợp lí về chính sách quản lý và chiến lược kinh doanh.
Các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản trong giai đoạn này cần nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh, không nên đặt nặng vấn đề sản lượng như năm 2008.
Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Kiều Hưng, Đoàn Luật sư Tp.HCM, cho rằng một trong những biện pháp để khắc phục khó khăn từ rào cản kỹ thuật là việc tăng cường các chế tài pháp lý.
Cơ quan chức năng cần đưa ra quy định cụ thể để ngăn chặn những hành vi nuôi thả thủy sản bằng các chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, hành vi lừa dối trong chế biến, kinh doanh thủy sản. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải có đầy đủ quy trình kiểm tra chất lượng trước khi xuất khẩu, nếu vi phạm sẽ bị cấm xuất khẩu thủy sản.