Theo Jetro (Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản), nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ của Nhật đang gia tăng, năm 1998 Nhật nhập khẩu trên 306.000 tấn đồ gỗ trị giá 138 tỷ yên đến năm 2002 con số đã tăng lên gấp đôi. Nếu nói đến đồ nội thất (bao gồm gỗ, mây, kim loại và vật liệu khác) thì lượng nhập khẩu của Nhật gần 630.000 tấn trị giá gần 300 tỷ yên vào năm 1998, tăng lên trên 1,1 triệu tấn với trị giá gần 380 tỷ yên vào năm 2002.
Ông Shigeru Takayama, chuyên gia tư vấn đầu tư cao cấp của Jetro cho biết thị trường Nhật đang có những thay đổi đáng kể và những thay đổi này có thể tạo ra cơ hội xuất khẩu cho các DN chế biến gỗ, kể cả các DN Việt Nam. Ông nói rằng người Nhật giờ đây đang chuyển lựa chọn hàng cao cấp của Châu Âu sang hàng trung bình với giá cả cạnh tranh của khu vực Châu Á. Vì vậy hàng đồ gỗ vào Nhật phần lớn xuất phát từ Châu Á.
Trên 90% lượng đồ gỗ nhập khẩu vào Nhật Bản có xuất xứ từ các nước khu vực Châu Á. Trung Quốc là nước xuất khẩu vào Nhật nhiều nhất và chiếm đến 32,% thị phần đồ gỗ của quốc gia này; kế đến là Thái Lan 17,4% và Malaysia 9,2%. Việt Nam xuất khẩu hàng đồ gỗ không nhiều như Thái Lan hay Malaysia nhưng nằm trong top 5 nước xuất khẩu đồ gỗ nhiều nhất vào Nhật. Với thị phần có được hiện nay là 7,3%, Việt Nam qua mặt hàng đồ gỗ của Ý, Đài Loan, Mỹ, Đức và Đan Mạch.
Ông Takayama lý giải sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam tăng ở thị trường Nhật trong những năm gần đây là vì thực lực chế biến gỗ của DN Việt Nam đã phát huy đúng thị trường nhờ biết tận dụng lao động rẻ và sự khéo léo của các nghệ nhân trong nước. Ngoài ra cũng do nguyên nhân chuyển dịch đầu tư từ các vùng khác trong Đông Nam Á như Malaysia và Indonesia sang Việt Nam để "chia sẻ" điểm mạnh này của DN Việt Nam và tạo ra sản phẩm xuất khẩu cạnh tranh.
Nội địa chỉ đáp ứng 43% nhu cầu
Xu hướng tiêu dùng của người Nhật thay đổi đáng kể đối với hàng đồ gỗ. Kỳ thật sức mua ở thị trường này không tăng và chuyện nhập khẩu đồ gỗ tăng vào Nhật là một vấn đề không phải do nhu cầu tăng.
Có nhiều lý do để nói về sức mua không tăng hoặc tăng không mạnh ở Nhật. Thứ nhất nhu cầu xây dựng khu dân cư, cao ốc văn phòng...không còn nhiều như trước thay vào đó đã giảm đáng kể vì cơ sở hạ tầng nhà cửa, cao ốc ở Nhật tương đối đã chỉnh chu. Thanh niên Nhật có xu hướng sống độc thân, không muốn kết hôn nên việc mua sắm, trang bị đồ đạc sinh hoạt cho gia đình sau hôn nhân trong đó có cả đồ gỗ trở nên không cần thiết. Giới trẻ sẽ mất dần vị trí lực lượng chiếm đa số trong dân số Nhật khi xu hướng này đẩy nhanh hơn. Từ những lý do này mà các phân tích cho rằng sức mua của thị trường này không tăng và sẽ không thay đổi về nhu cầu trong thời gian tới.
Còn nhập khẩu tăng là chuyện có thật vì cung trong nước không còn giữ vai trò chính đối với thị trường đồ gỗ Nhật. Ông Takayama cho biết cung trong nước chỉ đáp ứng khoảng 43% nhu cầu của người tiêu dùng. Do sở thích người tiêu dùng thay đổi cùng với sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu đã khiến cho các DN chế biến gỗ bản địa phải thu hẹp dần sản xuất, vốn chỉ tạo ra sản phẩm kém cạnh tranh do chi phí lao động cao hơn.
Khi hàng nhập khẩu tràn vào thị trường tiềm năng nhất châu Á này lại tạo ra sự thay đổi khác đáng kể đối với sản phẩm đồ gồ, đó là giá giảm liên tục. Việc giảm giá phần lớn là do hàng giá rẻ của Trung Quốc tràn vào buộc các nhà sản xuất trong nước và cả những nước xuất khẩu khác cũng phải giảm theo.
Chỉ có Việt Nam mới cạnh tranh được với Trung Quốc
Ông Takayama nhận định rằng chỉ có Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với hàng đồ gỗ của Trung Quốc vì Việt Nam có lao động giỏi và rẻ. Ngoài ra chi phí nhập nguyên liệu chế biến của Việt Nam cũng thấp nên đây cũng là lợi điểm cho hàng đồ gỗ Việt Nam. Ông Takayam còn cho biết hàng Việt Nam có những điểm mạnh và cơ hội khác để vào thị trường Nhật Bản với thuế suất 0% đó là ngày càng có nhiều người Nhật "cảm tình" với hàng Việt Nam. Chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Nhật tương đương với chi phí vận chuyển bên trong nước Nhật dù rằng đoạn đường vận chuyển bên trong ngắn hơn. "Những cơ hội này không phải để tạo ra một sự đột phá cho hàng đồ gỗ Việt Nam mà hy vọng tạo được mối quan hệ lâu dài cho hàng Việt Nam trên thị trường Nhật", chuyên gia Nhật phát biểu.
Chuyên gia Nhật còn khuyên các DN Việt Nam nên chú ý đến việc chọn đối tác cho mình khi làm ăn ở Nhật và biết kiên nhẫn khi làm ăn ở đây. Nhu cầu của người Nhật thay đổi thường xuyên vì vậy các nhà nhập khẩu thường có khuynh hướng bắt đầu từ cái nhỏ, ít trước khi quyết định cái lớn hơn. "Do đó DN Việt Nam phải biết chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ, từ từ tính đến các đơn hàng lớn hơn", ông Takayama khuyên. Việc chấp nhận đơn hàng nhỏ lẻ không phải là chuyện dễ làm đối với DN Việt Nam vì thực tế nhiều đối tác Nhật nói rằng DN Việt Nam thường từ chối các đơn hàng loại này.
Bên cạnh những cơ hội và điểm mạnh, DN Việt Nam cũng có những điểm yếu cũng như nguy cơ đứng trước những cạnh tranh khi xuất hàng sang Nhật Bản. 80% nguyên liệu chế biến gỗ hiện nay của Việt Nam phụ thuộc vào nhà cung cấp nước ngoài nên sự ổn định không đảm bảo tuyệt đối. Thiếu vốn đầu tư, kinh nghiệm tiếp thị, nghiên cứu thị trường ...và hệ thống phân phối yếu là những điểm yếu khác của các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với hàng Trung Quốc vì vậy DN nước này " đổ dồn" sang thị trường khác, trong đó có Nhật nên tạo một áp lực cạnh tranh lớn cho các nhà chế biến gỗ trong nước cũng như nước ngoài. Đây cũng là thách thức đối với hàng Việt Nam. Ngoài ra, những nước mới có chi phí sản xuất thấp như Campuchia và Myanmar có thể sẽ là nguy cơ đối với DN chế biến gỗ Việt Nam ở những thị trường lớn như Nhật.
Các chuyên gia Nhật khuyên rằng DN Việt Nam cũng nên bắt đầu chú ý đến thị trường trong nước để tạo thế cân bằng cho mình khi cạnh tranh ở thị trường nước nước ngoài trở nên gay gắt hơn. Theo dự báo của các chuyên gia này nhu cầu đồ gỗ của Việt Nam sẽ tăng đáng kể trong thời gian tới nhất là khi hiện nay Việt Nam đang ở giai đoạn khích cầu mạnh, giai đoạn mà Nhật cũng như Mỹ đã từng trãi qua hồi những năm 1960.