Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mua bán qua mạng: giải pháp nào sau khi gia nhập WTO?
02 | 07 | 2007
Trở thành thành viên của WTO, các doanh nghiệp VN sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt đến từ các doanh nghiệp nước ngoài, không chỉ từ sự mất cân xứng về vốn, trình độ khoa học kỹ thuật, kỹ năng quản lý và kinh nghiệm kinh doanh nói chung, mà còn do các doanh nghiệp nước ngoài biết áp dụng một cách nhuần nhuyễn phương thức kinh doanh mới là thương mại điện tử.

Bài viết này xin phân tích một hình thức kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử khá phổ biến hiện nay trên thế giới, nhưng chỉ đang trong giai đoạn hình thành ở VN: mua bán qua mạng.

Theo lộ trình, khi việc gia nhập WTO có hiệu lực, các nhà phân phối sỉ và lẻ nước ngoài được phép liên doanh với đối tác VN để kinh doanh tại VN với mức vốn góp không được vượt quá 49%. Kể từ ngày 1-1-2008, mức hạn chế này sẽ bị hủy bỏ và kể từ 1-1-2009, các doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài được hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ tại VN (Biểu cam kết cụ thể về dịch vụ - Schedule of specific commitments in services, phần II, mục 4).

Như vậy, ngay sau 30 ngày kể từ ngày Quốc hội VN phê chuẩn việc gia nhập WTO, các nhà phân phối nước ngoài được quyền hoạt động tại VN bằng cách liên doanh với các đối tác VN, và nếu kiên nhẫn thêm khoảng hai năm nữa họ được toàn quyền thành lâp một doanh nghiệp 100% vốn của mình.

Đến lúc đó, với nền tảng công nghệ, trình độ quản lý và kinh nghiệm kinh doanh, các nhà phân phối nước ngoài hoàn toàn có thể thiết lập một hệ thống bán hàng qua mạng ngay sau khi gia nhập thị trường VN.

Thế nhưng, đến nay giao dịch B2B (Business to Business - giữa các doanh nghiệp với nhau) tại VN chỉ dừng lại ở mức tìm thông tin thị trường, bán hàng qua thư điện tử và các website thương mại điện tử. Các hệ thống mua bán trực tuyến giữa các doanh nghiệp lớn với nhau hầu như chưa tồn tại (Theo báo cáo thương mại điện tử năm 2005 của Bộ Thương mại).

Trong khi đó, việc mua bán trực tuyến B2C (Business to Customer - giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng) và C2C (Customer to Customer - giữa người tiêu dùng với nhau) tại VN chưa phổ biến và cũng chưa có một doanh nghiệp nào cung cấp hoàn chỉnh các công đoạn của một chu trình mua bán trực tuyến.

Một hệ thống bán hàng trực tuyến hoàn chỉnh phải đảm bảo yêu cầu sau: thay vì đến cơ sở của người bán, người mua có thể thực hiện tất cả các công đoạn của việc mua hàng chỉ thông qua Internet. Nghĩa là người mua có thể thực hiện việc xem hàng, đặt hàng, thanh toán, nhận hàng, thụ hưởng các dịch vụ sau bán hàng... thông qua mạng Internet.

Xem hàng và đặt hàng

Có thể nói thương mại điện tử VN hiện nay chỉ gồm việc thiết lập một “showroom trên mạng” để giới thiệu về doanh nghiệp và trưng bày các thông tin cần thiết liên quan đến hàng hóa, dịch vụ.

Trong một số trường hợp, các website còn thiết lập cơ chế để người tiêu dùng có thể đặt hàng thông qua email hoặc gọi điện thoại đến nhà cung cấp. Sau đó nhà cung cấp sẽ vận chuyển hàng hóa đến tận tay người mua và sẽ tiến hành thanh toán. Trong qui trình giao dịch này, việc mua bán qua mạng chỉ thể hiện ở giai đoạn xem hàng và đặt hàng, các công đoạn khác vẫn được tiến hành theo cách thức truyền thống.

Trong khi các showroom trên mạng được hình thành rất rầm rộ, thậm chí có cả những showroom để cho thuê (người lập website không dùng nó để trưng bày các sản phẩm của mình, mà của các doanh nghiệp khác); thì việc mua bán qua mạng lại chưa được phát triển ở VN. Lý do của vấn đề này nằm ở chính khâu thanh toán. Có thể nói thanh toán như là một “nút cổ chai” cản trở sự phát triển của việc mua bán trực tuyến nói riêng và của thương mại điện tử nói chung ở VN.

Thanh toán

Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu hoạt động từ tháng 5-2002 và đến nay đã có lượng thanh toán trung bình 12.000 - 13.000 món/ngày với số tiền là 8.000 tỉ đồng/ngày. Hệ thống đã kết nối thanh toán cho 232 chi nhánh tổ chức tín dụng và 50 ngân hàng thương mại (Theo báo cáo thương mại điện tử năm 2005 của Bộ Tài chính). Như vậy, việc thanh toán điện tử giữa các chi nhánh của ngân hàng và giữa các ngân hàng trong nước với nhau đã liên thông.

Nguồn: sunway
Tuy nhiên, phương thức thanh toán mà các doanh nghiệp có website bán hàng qua mạng áp dụng chủ yếu hiện nay là chuyển khoản (qua ngân hàng hoặc qua máy ATM), gửi tiền qua bưu điện, chuyển tiền qua hệ thống chuyển tiền quốc tế, thanh toán thông qua các thẻ mua hàng trả trước.

Nhược điểm chung của các hình thức thanh toán này là không nhanh gọn, kéo dài thời gian mua hàng và không đảm bảo mục đích mà người mua mong muốn khi mua hàng qua mạng: tiến hành tất cả các thủ tục mua hàng tại chỗ, trên máy vi tính, nhanh gọn. Riêng việc thanh toán qua thẻ mua hàng trả trước thì đáp ứng được các yêu cầu trên nhưng chỉ đối với khách hàng thân thiết (những người đã mua thẻ), chưa đáp ứng được các giao dịch của các khách hàng vãng lai, nghĩa là vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thanh toán “mọi lúc mọi nơi” của giao dịch B2C.

Trong khi đó, phương thức thanh toán đặc trưng nhất của thương mại điện tử là thanh toán qua mạng thông qua mã số thẻ ngân hàng thì chưa được áp dụng tại VN. Các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến chưa thể mở tài khoản thu tiền thanh toán từ thẻ (merchant account) tại các ngân hàng thương mại tại VN. Người tiêu dùng chưa thể sử dụng thẻ tín dụng để thanh toán cho các sản phẩm mua tại những website bán hàng trong nước.

Luật về các công cụ chuyển nhượng đã cho phép cá nhân được ký phát sec nhưng mới chỉ có hiệu lực từ ngày 1-7-2006.

Như vậy, việc giải tỏa những trở ngại về thanh toán qua mạng hiện nay là điều kiện thiết yếu giúp thương mại điện tử nói chung và việc mua bán qua mạng nói riêng ở VN phát triển, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này dần quen với phương thức kinh doanh mới để có đủ sức cạnh tranh khi các hàng rào hoàn toàn bị xóa bỏ theo qui định của WTO.

Nếu như các ngân hàng không triển khai phương thức thanh toán mới ngay từ bây giờ, thì đến lúc các hàng rào pháp lý đối với ngân hàng nước ngoài được dỡ bỏ hoàn toàn, chính các ngân hàng trong nước sẽ gặp khó khăn để cạnh tranh trong việc kinh doanh các dịch vụ thanh toán.

Vận chuyển

Một trong những ưu thế của mua bán trực tuyến là giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng và nhanh chóng mua một món hàng không có ở địa phương mình với chi phí rẻ. Tuy nhiên, lợi thế này chỉ đạt được khi hệ thống vận chuyển có chất lượng phục vụ tốt và có mức phí cạnh tranh.

Hiện nay, hầu như chỉ có Tổng công ty Bưu chính viễn thông (VNPT) mới có thể đảm nhận việc vận chuyển hàng hóa đến tay người tiêu dùng (giao dịch B2C hay C2C) và là nhà vận chuyển duy nhất có mạng lưới rộng khắp cả nước. Ngoài ra, Tổng công ty Đường sắt VN cũng có thể đảm nhận điều này nhưng chất lượng dịch vụ trong lĩnh vực này có vẻ như chưa được quan tâm, và hơn nữa do tính đặc thù nên khó có thể đảm nhận các yêu cầu của giao dịch B2C hay C2C.

Ngoài phí vận chuyển chưa được cạnh tranh, chất lượng vận chuyển cũng chưa được đảm bảo. Cả VNPT và Tổng công ty Đường sắt VN đều yêu cầu người gửi phải cam kết là “hàng vỡ không khiếu nại” trước khi chấp nhận vận chuyển một mặt hàng dễ vỡ.

Tuy nhiên, với việc gia nhập thị trường của DHL mới đây (việc thực thi đầu tiên các cam kết WTO của VN), ngành mua bán qua mạng đang hi vọng một sự cải thiện trong lĩnh vực này trong tương lai gần. Trong tương lai xa, trong vòng năm năm sau khi gia nhập WTO, các nhà đầu tư nước ngoài được thành lập liên doanh nhưng với vốn góp hạn chế ở mức 51%; năm năm sau khi gia nhập cho phép thành lập công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài. Như vậy, đã đến lúc VNPT nên nhìn lại chất lượng phục vụ của mình nếu không muốn mình đứng ngoài cuộc chơi mua bán hàng qua mạng.



Theo Tuổi Trẻ Online
Báo cáo phân tích thị trường