Việc đầu tư chuồng trại, trang thiết bị và quản lý chăn nuôi được phần lớn các hộ nuôi bò sữa ở TP Hồ Chí Minh thực hiện theo mô hình công nghiệp với các hệ thống làm mát chuồng trại trong mùa nắng nóng, sử dụng máy vắt sữa, sử dụng một phần thức ăn hỗn hợp thô xanh, xử lý ô nhiễm kết hợp với khai thác bi-ô-ga…
Theo anh Hai Phi (Lê Văn Phi, ngụ xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi), trong chăn nuôi bò sữa, việc đầu tiên cần quan tâm là chuồng trại kiểu mẫu và trồng cỏ. Chuồng trại xi măng được anh xây 2 mái cao, có khoảng hở thông khí thoáng mát, hệ thống cống rãnh thoát nước có nắp đậy để thu gom nước thải. Do đó chuồng trại luôn được sạch sẽ, khô ráo, lại thêm sân rộng khoảng 700m2 để bò có nơi vận động và phơi nắng ngày 2 lần. "Nhờ vậy mà đàn bò của tôi rất ít bệnh tật và cho nhiều sữa", anh Hai Phi cho biết.
Không chỉ xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật, nhiều nông dân còn chú trọng trồng cỏ, vì họ hiểu rằng tự trồng cỏ cho bò ăn là rất có lợi. Chị Nguyễn Thị Hường (ở ấp Thới Tây 2, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn) cho biết, gia đình chị trồng trên 1ha cỏ các loại, gồm cỏ voi, cỏ xả, cỏ Ô-xtrây-li-a, đủ cung cấp đều đặn cho đàn bò mỗi ngày, không phải mua hèm bia, xát mì như nhiều người khác, chỉ cần mua cám làm thức ăn tinh và bổ sung thêm rơm rạ. Chị nói: Thay vì phải mua cỏ từ 120 đến 200 đồng mỗi ki-lô-gam thì mỗi ngày gia đình chị đã tiết kiệm được 120.000 đến 200.000 đồng tiền cỏ, trong khi đó cỏ mình trồng lại còn tốt hơn cỏ nước, cỏ hoang người ta bán.
Trong tình hình chăn nuôi bò sữa còn khó khăn như hiện nay, người nuôi không chỉ biết tận dụng đất đai để trồng cỏ, tạo nguồn thức ăn tươi tại chỗ bổ sung khẩu phần thức ăn cho bò để bảo đảm chất lượng sữa, mà còn biết tận dụng nguồn phân bò để kinh doanh, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiệu quả của cách làm này phải kể đến gia đình Hai Phi. Anh tổ chức kinh doanh phân bò khô bán cho các hộ trồng hoa, cây kiểng, đồng thời nuôi giun quế. Riêng phần nuôi giun quế mỗi tháng anh bán cho Công ty Alfa trên 100kg, thu nhập cũng gần 5 triệu đồng, đó là chưa kể phân giun, mỗi ki-lô-gam bán được gần 600 đồng.
Con bò sữa đang hấp dẫn nông dân TP Hồ Chí Minh bởi hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi trồng các cây, con khác. Đó cũng là lý do nhiều nông dân ở đây bán cả ruộng vườn, thậm chí cầm cố luôn nhà cửa để đầu tư vào bò sữa. Hai Phi cho biết: "Vốn nuôi bò sữa là rất lớn nên phải tính chắc ăn, chứ không dám liều nuôi cầu may đâu. Khi quyết định nuôi bò sữa, vợ chồng tôi phải bán lô đất mặt tiền để có 120 triệu đồng đầu tư, sau đó phải vay thêm ngân hàng 20 triệu đồng nữa mới đủ đầu tư chuồng trại, bò giống…". Rồi anh khoe: Ban đầu chỉ có 2 con bò lai Sind làm giống, đến nay đàn bò đã có 27 con, trong đó có 10 con cho sữa với số lượng sữa vắt mỗi ngày khoảng 150kg. Như vậy, bình quân mỗi tháng tiền bán sữa thu về gần 20 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng chục triệu đồng, đó là chưa kể bê con và giun quế!
Giờ đây, nhiều gia đình chăn nuôi bò sữa đã phất lên như "diều gặp gió", thậm chí có những gia đình thuộc diện đói nghèo trước đây thì nay thu nhập từ bò sữa đã lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Lê Thanh Liêm - Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh khẳng định: Chăn nuôi bò sữa đã góp phần đáng kể trong việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông thôn ngoại thành. Nhiều hộ đói nghèo đã vươn lên làm giàu, một số hộ đã tích lũy tăng quy mô nuôi trở thành doanh nghiệp bò sữa. Điều đó một lần nữa khẳng định, việc xác định bò sữa là vật nuôi nằm trong chương trình trọng điểm của ngành nông nghiệp TP Hồ Chí Minh đang là một hướng đi đúng.