Bà con nông dân vùng U Minh Thượng cho biết, đây là hiện tượng chưa từng xảy ra ở vùng đất này, đặc biệt là trên vùng đất canh tác một vụ tôm, một vụ lúa. Tuy nhiên, vụ mùa này hiện tượng trổ lung tung lại trở thành phổ biến trên các trà lúa mùa ở bốn xã thuộc huyện An Biên. Trưởng Phòng NN&PTNT huyện An Biên Nguyễn Hữu Hoa thông báo: Tại xã Nam Thái có 97 hộ gieo cấy giống lúa lai F1 với tổng diện tích khoảng 118 ha. Hầu hết diện tích lúa đang sinh trưởng trong giai đoạn từ 60 đến 80 ngày tuổi và tại xã Nam Thái A có 42 hộ với khoảng 91 ha canh tác giống lúa này. Và theo số liệu thống kê sơ bộ, chỉ tính riêng tại xã Nam Thái đã có 104 ha lúa lai F1 trổ bất thường, đa số tập trung trên diện tích đất cấy.
Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện An Biên Lê Văn Hai: Trước tình trạng lúa lai F1 trổ bất thường, UBND huyện An Biên đã chỉ đạo cho ngành NN&PTNT và các ngành chức năng vào cuộc tìm hiểu xem nguyên nhân từ đâu. Sáng ngày 13-11, tổ khảo sát của huyện đã tiến hành xuống các xã có trồng lúa lai F1 để thống kê lại toàn bộ dịên tích, xem xét kỹ thuật canh tác của người dân cũng như nguồn gốc lúa giống. Qua khảo sát sơ bộ có đến ba loại giống lúa lai F1 được nông dân trồng tại địa phương đó là: XL 94014, B-TE1 và PAC 87. Các giống lúa này đều đã được Bộ NN&PTNT công nhận và đã có trồng tại Kiên Giang từ 2-3 vụ.
Theo ông Nguyễn Phước Hoa, giá các giống lúa lai F1 trên rất đắt, khoảng 75 ngàn đồng/kg, cao hơn gần 10 lần so với các giống lúa nguyên chủng. “Việc giống lúa lai trổ bất thường, bước đầu chúng tôi chưa xác định được nguyên nhân. Nhưng tất cả các khả năng có thể dẫn đến chúng tôi đều đưa ra để mở rộng hướng xem xét. Nếu nguyên nhân trổ sớm thuộc về lỗi của giống lúa chúng tôi sẽ nhờ pháp luật can thiệp để người nông dân được bồi thường thỏa đáng”- ông Hoa nói.
Nguyên nhân rồi sẽ rõ, nhưng trước mắt người nông dân đang đứng trước một vụ mùa thất bát, mà trong số này không ít những gia đình rơi vào khó khăn, túng thiếu. Chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần có kế hoạch hỗ trợ người nông dân để họ vượt qua khó khăn, ổn định đời sống, đầu tư tái sản xuất.