Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nghịch lý vú sữa Lò Rèn
18 | 01 | 2010
Hàng loạt xã viên ở Tiền Giang trồng vú sữa Lò Rèn đúng theo tiêu chuẩn quốc tế Global GAP đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng rất bức xúc vì không được HTX thu mua cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu như đã hứa, buộc lòng phải bán cho thương lái bên ngoài. Vì sao có nghịch lý này?

Tỉnh Tiền Giang là nơi nổi tiếng duy nhất ở ĐBSCL với đặc sản vú sữa Lò Rèn trên diện tích 2.500ha tập trung tại huyện Châu Thành và Cai Lậy.

Tháng 6-2008, sau 2 năm thử nghiệm với sự giúp sức của Sở KH-CN Tiền Giang, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim vinh dự là sản phẩm trái cây đặc sản đầu tiên ở ĐBSCL đạt tiêu chuẩn Global GAP - sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn quốc tế và được đăng ký nhãn hiệu độc quyền. Từ đó, hứa hẹn một tương lai xán lạn cho vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim trên thị trường thế giới.

Ban đầu chỉ có 19 xã viên đầu tiên áp dụng thành công Global GAP trên diện tích 7 ha, đến nay đã tăng lên nhiều lần với 131 hộ trên 52 ha. Để áp dụng thành công “quy trình sản xuất mới” này, HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim phải đáp ứng 141 yêu cầu và các hộ xã viên phải thỏa mãn 236 yêu cầu về kỹ thuật canh tác rất khắt khe của Global GAP. Đây quả là một cố gắng vượt bậc của nông dân trồng vú sữa Lò Rèn.

Nông dân sốc vì sản phẩm bị loại oan ức

Thực tế, đã có lúc HTX phải từ chối các đơn hàng xuất khẩu lớn vì không có sản phẩm cung ứng. Thế nhưng, đầu năm 2010 khi chúng tôi trở về vùng vú sữa Lò Rèn Global GAP đang vào mùa thu hoạch rộ thì cũng là lúc những xã viên thất vọng hơn bao giờ hết vì sản phẩm làm ra “bị loại” một cách oan ức.

Không được HTX tiêu thụ, các xã viên trồng vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn Global GAP ngậm ngùi.

Chúng tôi đến nhà ông Trương Văn Vốn ở ấp Phú Quới xã Phú Phong, huyện Châu Thành - một trong những nông dân đầu tiên trồng vú sữa Lò Rèn đạt tiêu chuẩn Global GAP. Năm 2008 chính hộ của ông Vốn được HTX chọn giới thiệu cho khách hàng, chuyên gia người Mỹ những thùng vú sữa Lò Rèn đẹp nhất, đạt chuẩn Global GAP.

Ông Vốn bức xúc: Đây là năm thứ 3 tôi thực hiện đúng quy trình Global GAP được chính HTX và ngành chức năng, chuyên gia nước ngoài công nhận đạt yêu cầu. Nhưng HTX không tổ chức được khâu thu mua. Cụ thể khi chúng tôi đem hàng đến HTX bán thì bị loại với nhiều lý do hết sức… cảm tính. Trong khi đó, thương lái tại chợ trái cây Vĩnh Kim thì tiêu thụ hết. Bằng chứng là chiều ngày 12-1, vợ chồng tôi vừa đi bán 3 thùng vú sữa trong đó có gần 2 thùng là hàng gói (loại 1).

Theo quy cách, vú sữa Lò Rèn loại 1 có trọng lượng từ 280 – 310g (màu sắc đẹp), loại 2 từ 250g đến dưới 280g, còn lại là loại 3. Ông Vốn cũng như nhiều nhà vườn trồng vú sữa Lò Rèn theo tiêu chuẩn Global GAP khẳng định, sản lượng vú sữa thu hoạch có gần 40% là đạt loại 1.

Tuy nhiên, hầu hết xã viên HTX khi mang sản phẩm ra HTX bán thì ông Lê Văn Sơn, Phó chủ nhiệm HTX - phụ trách kinh doanh tìm nhiều cách để loại hàng, thậm chí có người không bán được trái nào loại 1… buộc lòng phải đem bán bên ngoài với mức giá ngang bằng với vú sữa trồng theo phương thức truyền thống, 60.000 - 70.000 đồng/chục 14 trái. Việc HTX tiêu thụ sản phẩm vú sữa Lò Rèn Global GAP với giá luôn cao hơn bên ngoài 5.000 - 6.000 đồng/kg không thể xảy ra…

Ai thao túng?!

Ngày 12-1-2010, chúng tôi đến trụ sở HTX Vĩnh Kim chứng kiến cửa đóng, then cài. Dây chuyền đóng gói trái cây của HTX đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ cũng đang bị “đóng băng” từ lâu. Trong khi đó, tại chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim cách đó vài trăm mét, thương lái, nông dân mua bán vú sữa Lò Rèn rất sôi động, trong đó có 2 quầy sạp do vợ con ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm HTX quản lý. Rất nhiều thương nhân từ Hà Nội, TPHCM đưa xe tải xuống tận chợ Vĩnh Kim săn hàng vú sữa Lò Rèn.

Những người trồng theo quy trình Global GAP quả quyết: Khâu thu mua của HTX đang có “vấn đề” bởi sự nhập nhằng giữa công – tư. HTX giao việc giao dịch, đàm phán mua bán với các đối tác cho người có người thân là thương lái thì sẽ không tránh khỏi sự “nội gián”. Bởi lẽ, dù không xuất khẩu được thì vú sữa Lò Rèn Global GAP vẫn có thể bán với giá cao tại các thị trường lớn như Hà Nội, TPHCM. Đằng này, lấy lý do không xuất khẩu được và “loại” hàng như thế để “cào bằng” giữa vú sữa Lò Rèn trồng theo Global GAP với vú sữa Lò Rèn truyền thống là quá bất công. Trong khi đó, công sức bỏ ra để làm theo quy trình Global GAP gấp 2 - 3 lần so với sản xuất bình thường.

Những bức xúc của các xã viên, được ông Lê Văn Sơn giải thích: “Năm nay vú sữa Lò Rèn có giá cao nhưng xã viên trồng không đạt yêu cầu nên không mua được, chẳng thà để tư nhân mua. Nếu hàng không đạt mà mình tiêu thụ thì hư thương hiệu hết. Xã viên nhận tiền hỗ trợ nhưng làm hàng không đạt, không bao trái, màu sắc, chất lượng không bằng. Trong khi đó người ngoài HTX bao trái. Mà xã viên cũng muốn bán bên ngoài theo dạng đứt đuôi. Nhiều người khi đạt Global GAP rồi thì muốn đi ra ngoài trong khi nhiều người khác thì muốn vào…”. 

Chúng tôi đơn cử trường hợp của xã viên Trương Văn Vốn (nơi từng được HTX chọn giới thiệu những thùng sản phẩm vú sữa Lò Rèn đạt chuẩn Global GAP với khách hàng, chuyên gia đến từ nước Mỹ) thì sao? Ông Sơn khẳng định: “Hộ ông Vốn làm chẳng đạt trái nào?!”.

Trong khi đó, theo tìm hiểu của chúng tôi và cũng được chính lãnh đạo HTX thừa nhận, trong đợt khảo sát mới đây, các chuyên gia khẳng định 131 xã viên HTX vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đáp ứng tiêu chuẩn Global GAP.



Theo SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường