Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cầm tay chỉ việc cho nông dân
28 | 01 | 2010
Ngày 27-1, Bộ NN&PTNT phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và hợp tác quốc tế (CECI) tổ chức hội thảo chia sẻ kinh nghiệm phương pháp tiếp cận đào tạo và khuyến nông với cộng đồng miền núi. Ý kiến các chuyên gia nông nghiệp, nhà quản lý và nông dân tại hội thảo đều khẳng định tính ưu việt của dự án "Đào tạo và khuyến nông dựa vào cộng đồng" do CECI thực hiện mang ý nghĩa xã hội sâu sắc, trực tiếp "cầm tay chỉ việc" cho người dân thoát nghèo.
Cơ hội thoát nghèo

Cán bộ khuyến nông tỉnh Gia Lai hướng dẫn bà con kiểm tra độ chín
của hạt lúa trước khi thu hoạch.


Dự án "Đào tạo và khuyến nông dựa vào cộng đồng" được thực hiện trong 3 năm (2007-2009) tại 5.400 hộ gia đình ở 60 thôn, bản thuộc 20 xã miền núi đặc biệt khó khăn của các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp tỉnh Nghệ An và Như Thanh, Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Theo bà Kathleen McLaughlin, Giám đốc CECI (vùng châu Á), dự án thực hiện được mục tiêu tăng sự tham gia của các thành viên hộ gia đình trong lập kế hoạch phát triển; tăng cường sự tiếp cận với thông tin và kiến thức về sản xuất nông nghiệp, quảng bá sản phẩm; cải tiến kỹ năng về phương pháp, kiến thức, kỹ thuật và quản lý khuyến nông cho cán bộ khuyến nông các cấp; thiết lập mạng lưới nông dân, các hộ tham gia thành lập và quản lý nhóm. Tổng hợp kết quả dự án, Trung tâm KNKN quốc gia cho biết, các chỉ số về chương trình nông nghiệp, thu nhập dựa vào cộng đồng đạt kết quả tốt, đã có hơn 10 nghìn nông dân hưởng lợi. Sản lượng lương thực bình quân đầu người tăng từ 230kg (khi bắt đầu triển khai dự án) lên 279kg; năng suất lúa tăng từ 210 lên 270kg/sào/vụ; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp đôi từ 1,55 triệu đồng lên 3,425 triệu đồng; trình diễn hơn 4.000 mô hình mới (lúa, ngô, cỏ dứa, trồng dưa hấu, nuôi gà giun quế...); thiết lập 4 mạng lưới nông dân ở 4 huyện; tổ chức 20 khóa đào tạo khuyến nông viên cơ sở... Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng khẳng định, dự án đã góp phần an toàn an ninh lương thực và tăng thu nhập thông qua canh tác cây lương thực và cây hàng hóa; sản xuất, chăn nuôi nhỏ nhờ nông dân được tăng cường phổ biến về kỹ thuật và công nghệ nông nghiệp.

Đưa "cần câu" hơn "xâu cá"

Huyện Quỳ Hợp là địa phương đặc biệt khó khăn của tỉnh Nghệ An với 14 xã đang thực hiện Chương trình 134 và 135 của Chính phủ. Ông Phan Thanh Tâm, Trạm trưởng Trạm KNKN huyện Quỳ Hợp cho biết, triển khai dự án này đã tạo chuyển biến trong nhận thức về sản xuất, chăn nuôi; giúp đội ngũ cán bộ cơ sở thôn, bản đến cấp xã, huyện biết cách tổ chức, đánh giá và lập kế hoạch sản xuất sát thực tế. Đặc biệt, đã hình thành một đội ngũ trưởng mạng lưới nông dân, là cầu nối vệ tinh giúp đỡ trực tiếp cho nông dân trong quá trình sản xuất, tiếp cận khoa học kỹ thuật bằng cách "cầm tay chỉ việc". Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại hội thảo băn khoăn về những hạn chế ảnh hưởng đến tính bền vững của dự án. Ông Lê Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Như Thành cho rằng, kinh phí dành thực hiện dự án hạn chế dẫn đến các mô hình trình diễn còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, khó quản lý. Đáng nói, đại đa số cán bộ dự án còn trẻ mặc dù có kiến thức tốt, nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm trong vận động đồng bào, chưa linh hoạt, cứng nhắc trong quá trình triển khai. Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Bá Mùi, giảng viên Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội không đồng tình với cách thức triển khai trên nguyên tắc "cho không" của dự án. Theo ông Mùi, muốn dự án đạt hiệu quả bền vững cần triệt để giải pháp đưa "cần câu" hơn "xâu cá", không cho không bất cứ thứ gì mà triển khai theo hình thức cho vay không lãi suất hoặc cho vay bằng giống, vật tư, công cụ sản xuất... Cách làm này giúp người nông dân có trách nhiệm với chính dự án của mình.

Hội thảo đánh giá, cùng với các chính sách khác, dự án "Đào tạo và khuyến nông dựa vào cộng đồng" là cơ hội tốt cho các địa phương giảm nghèo, đặc biệt các huyện miền núi và 61 huyện nghèo. Theo ông Lê Mạnh Hồng, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ sẽ tổ chức lại việc đầu tư cơ sở hạ tầng, các dự án giảm nghèo tại các xã, huyện theo hướng từ dưới lên: Chính quyền cấp xã xây dựng kế hoạch, lựa chọn công trình, dự án, có sự tham gia ý kiến của người dân quyền lựa chọn loại cây giống, vật nuôi phù hợp; còn các bộ, ngành sẽ thẩm định lại dự án. Cũng để giảm nghèo bền vững, Chính phủ sẽ hỗ trợ các điều kiện sản xuất, đặc biệt là đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực... Về vấn đề này, Giám đốc Trung tâm KNKN tỉnh Đắc Nông Nguyễn Tuấn Khải đề xuất xây dựng khung chương trình đào tạo chuẩn. Các địa phương, nhiều bà con dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa thì cần chú trọng đào tạo kỹ năng tay nghề hơn là dạy kiến thức cơ bản. Đồng thời, triển khai hiệu quả cách làm nông dân "dạy" nông dân, để họ cùng trao đổi những kinh nghiệm sản xuất.


Theo Báo Hànộimới
Báo cáo phân tích thị trường