Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dễ dính kiện vì đồ gỗ Trung Quốc
11 | 03 | 2010
Trung Quốc chuyển nhiều nhà máy sang đầu tư tại Việt Nam cũng có thể khiến Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều vụ kiện hơn.

“Doanh nghiệp đồ gỗ Trung Quốc “đổ bộ” vào Việt Nam. Đó là thông tin được ông Cao Vũ Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Gỗ Việt Nam đưa ra tại buổi tọa đàm về các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp liên quan đến xuất khẩu do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Theo Tiến sĩ Peter John Koenig, luật sư cao cấp của hãng luật Squire Sanders (Mỹ), những vấn đề trên có thể sẽ khiến Việt Nam phải đối diện với nhiều vụ kiện hơn.

Cần sớm đưa ra cảnh báo

Theo ông Hải, sau khi hàng gỗ của Trung Quốc bị kiện bán phá giá, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư sang Việt Nam. Trong đó có một số đơn vị ở Bình Dương, Đồng Nai… Ông Hải cho biết thêm hiện nay, ngày càng có nhiều cảnh báo nguy cơ hàng gỗ xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. “Cơ quan quản lý nhà nước cần sớm đưa ra những cảnh báo để các doanh nghiệp biết” - ông Hải kiến nghị.

Ông Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng Thư ký VCCI, cho rằng về góc độ luật pháp thì không thể ngăn cản các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư. Nhưng về góc độ kinh tế thì chúng ta phải đưa ra những khuyến cáo. Đồng thời, cơ quan quản lý tiếp nhận đầu tư cũng phải cân nhắc. Nếu tiếp nhận ồ ạt khiến lượng hàng xuất khẩu tăng, cạnh tranh tăng, giá rẻ thì dễ bị lọt vào tầm ngắm bị kiện. Khi bị kiện bán phá giá thì “nước lụt dễ chết cả làng”. Do đó, các cơ quan cấp giấy chứng nhận xuất xứ của Việt Nam cũng phải kiểm tra các mặt hàng cẩn thận. Nếu không đủ tiêu chuẩn thì không cấp giấy chứng nhận xuất xứ.

Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM về tình trạng trên, TS Peter John Koenig cho rằng việc Trung Quốc chuyển nhiều nhà máy sang đầu tư tại Việt Nam cũng có thể khiến Việt Nam sẽ phải đối diện với nhiều vụ kiện hơn. Tuy nhiên, các vụ kiện thường tốn kém rất nhiều chi phí nên các nước đi kiện họ cũng phải cân nhắc lợi ích. Chi phí họ phải bỏ ra lớn mà lợi ích thu về chẳng đáng là bao.

Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý để kiện Mỹ

Riêng về việc Việt Nam dự định khởi kiện Mỹ tại WTO về việc kiện bán phá giá tôm, TS Peter John Koenig cho rằng bản chất của phương pháp quy về 0 (zeroing) là bán sản phẩm ra thị trường các mức giá khác nhau. Sản phẩm giá cao sẽ bù cho các sản phẩm giá thấp. Tuy nhiên, Mỹ lại không cho phép bù trừ nên bị nhiều nước kiện.

Tuy nhiên, theo TS Peter John Koenig, Mỹ thường tìm mọi cách để chứng minh để quy về 0. Do đó, các nước không muốn bị áp dụng điều trên thì phải kiện ra WTO. “Thông thường các vụ kiện như thế thì Mỹ thua. Khi đã thua thì đó là cơ sở để các nước kiện và Mỹ không thể đưa ra câu trả lời không nhất quán” - TS Koenig nói.

Đồng tình với vấn đề trên, ông Trần Hữu Huỳnh cũng cho rằng các nước khác đã kiện thành công nên Việt Nam hoàn toàn có cơ sở pháp lý để kiện.

Bà Chi Mai, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương, cho biết dự kiến trong ngày 23-3 tới sẽ diễn ra phiên tham vấn chính thức đầu tiên về các vấn đề mà Việt Nam đưa ra trong việc bán phá giá tôm.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường