Trong khi chi phí cho niên vụ mới cao gấp đôi so với các năm trước do hạn hán thì giá sản phẩm cũng đang ở mức thấp kỷ lục khiến người trồng cà phê tại Đắk Lắk gần như kiệt sức.
Nông dân lỗ nặng
Trong những ngày qua, tại các trang trại cà phê ở huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’Leo... nông dân đang phải gồng mình chống hạn cho cà phê, mực nước sông suối và cả nước ngầm đang xuống rất thấp khiến nguồn nước tưới thiếu hụt. Do hạn hán nên thời gian và cả lượng nước tưới cũng tăng gấp 1,5 lần so với cùng thời điểm năm trước.
Bị ép giá Theo Hiệp hội Cà phê - ca cao VN, phương thức bán hàng trừ lùi (ký hợp đồng mua bán kỳ hạn nhưng không chốt giá) cũng tạo điều kiện cho các nhà đầu cơ ép giá cà phê VN trong thời gian qua. Mặc dù phương thức này được đánh giá là tiến bộ so với giao ngay (người mua và người bán chốt giá ngay tại thời điểm ký hợp đồng mua bán), nhưng do công tác dự báo thị trường của VN còn yếu kém, các doanh nghiệp chưa có đội ngũ nhân viên đủ lực lượng và kinh nghiệm bán hàng kỳ hạn nên bị các quỹ đầu cơ nước ngoài thao túng, hạ giá cà phê trong thời điểm doanh nghiệp VN giao hàng dẫn đến thua lỗ. |
Theo nhiều nông dân trồng cà phê tại huyện Cư M’Gar và huyện KrôngAna, niên vụ cà phê trước coi như mất trắng vì sâu bệnh nặng, đến vụ 2009-2010 mới đang bắt đầu thì cà phê lại rớt giá thê thảm. Ông Nguyễn Văn Sắc (huyện Cư M’Gar) cho biết gia đình ông có gần 2,5ha cà phê, tương đương 2.500 gốc. Những năm trước thời tiết thuận lợi nên mỗi hecta cà phê cho thu hoạch 3-4 tấn, lãi 40-50 triệu đồng, nhưng năm vừa rồi toàn bộ diện tích trồng cà phê trên chỉ được hơn 6 tấn. “Với giá bán 23.000 đồng/kg như thời gian qua coi như lỗ nặng vì chi phí quá cao”, ông Sắc cho hay.
Từ đầu năm 2010 giá cà phê ở mức 23.700 đồng/kg, có lúc lên 24.500 đồng rồi giảm liên tục. Những ngày đầu tháng 3, giá cà phê trong nước có lúc xuống mức 22.500 đồng/kg. Giá thế giới cũng giảm mạnh, tại sàn giao dịch cà phê London giá cà phê robusta (loại cà phê xuất khẩu chủ yếu của VN) có lúc giảm xuống mức 1.200 USD/tấn.
Theo các chuyên gia, giá cà phê giảm chủ yếu do cung vượt cầu. Tại VN chỉ riêng cà phê robusta đã chiếm 14,3% sản lượng cà phê thế giới. Thế nhưng các nhà xuất khẩu cà phê trong nước đã ào ạt bán ra một lượng lớn cà phê trong thời gian ngắn.
Cụ thể chỉ trong hai tháng đầu năm 2010, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu tổng cộng 278.000 tấn cà phê, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm ngoái dù giá cà phê liên tục giảm. Giám đốc một đơn vị xuất khẩu cà phê thắc mắc: “Tại sao chúng ta lại phải tập trung bán trong 3-4 tháng mà không rải ra 12 tháng để điều tiết nguồn cung, qua đó điều tiết được giá cả?”.
Hơn nữa, theo một chuyên gia ngành cà phê, hiện đang tồn một lượng cà phê lên tới trên 300.000 tấn tại thị trường London. Toàn bộ lượng cà phê trên chỉ tập trung trong tay một vài nhà đầu cơ. Hiện nay vài nhà đầu cơ này đang muốn chuyển các lô hàng trên sang các nhà đầu cơ khác. Và để bán hàng nhanh chóng, họ buộc phải bán giá thấp.
“Giải cứu” giá cà phê
Tại cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT với các bộ ngành bàn về biện pháp hỗ trợ thu mua tạm trữ cà phê cho nông dân vào đầu tháng 3- 2010, Vicofa và Tổng công ty Cà phê VN (Vinacafe) đã kiến nghị mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê nhằm ngăn tình trạng giá cà phê giảm. Theo đó, Chính phủ giao Vinacafe quản lý nguồn tiền hỗ trợ 6% lãi suất trong vòng sáu tháng để mua trữ 200.000 tấn cà phê niên vụ 2009 - 2010 với giá 23.000 đồng/kg.
Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành cà phê, khi VN mua dự trữ sẽ làm cho nguồn cung giảm và tác động tâm lý tới giá giao dịch tại London và các thị trường khác sẽ kéo giá cà phê lên. Tuy nhiên, đến tháng 4-5 khi hai cường quốc xuất khẩu cà phê khác là Indonesia và Brazil bước vào vụ thu hoạch thì nguồn cung thế giới sẽ tăng lên nên việc dự trữ của VN còn phải chờ đợi chiến lược bán hàng của hai quốc gia này mới có thể phát huy hiệu quả.
Theo ông Nam, thông tin VN mua trữ cà phê được nhiều nước xuất khẩu cà phê trên thế giới quan tâm và ủng hộ. Hiện hai nước xuất khẩu cà phê hàng đầu và thứ ba thế giới là Brazil, Indonesia đã liên hệ với Vicofa bày tỏ quan điểm sẽ can thiệp vào thị trường giống như cách mà VN làm.