Sau hơn 3 năm thi công, công trình thủy lợi có vốn đầu tư 260 tỷ đồng đã cơ bản hoàn thành vào tháng 9/2009. Với dung tích hồ chứa lên tới 82,4 triệu m3 nước, hồ Rào Đá được coi là hồ chứa lớn nhất tỉnh Quảng Bình.
Ngoài đập chính, hệ thống còn bao gồm hơn 20 km kênh mương, 300 đường ống vượt sông, hàng nghìn mét xuyên núi. Theo kế hoạch, hồ Rào Đá chính thức vận hành phục vụ vụ đông xuân năm nay, tưới tiêu cho 6.000 ha lúa của 2 huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy (Quảng Bình) và cấp nước sinh hoạt cho trên 4 vạn dân huyện Quảng Ninh.
Tuy nhiên, một thực tế là công trình hoành tráng đã hoàn thành, nhưng đến nay hàng nghìn ha lúa ở Quảng Ninh và Lệ Thủy vẫn “khát nước”. Ở một số xã thuộc huyện Quảng Ninh, nông dân vẫn phải dùng nước từ đập Cẩm Ly - đập thủy lợi được xây dựng từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Do lượng nước Cẩm Ly không đủ, dân phải dùng thêm nước đã bị lợ hóa để tưới tiêu.
Đáng buồn nhất chính là các hộ dân ở chính thôn Rào Đá, nơi đập này đứng chân. 20 ha lúa đông xuân của thôn đang thì vào đòng vẫn “ngóng” nước dù đập nước chỉ cách đồng vài trăm mét.
“Khi thi công đập, khoảng 50 hộ dân Rào Đá đã phải di dời, nhiều hộ dân khách mất đất sản xuất để phục vụ hồ, song đến khi công trình hoàn thành thì không chỉ chưa có nước, mà nguồn nước tự nhiên từ sông Rào Đá cũng bị chặn, nhiễm mặn không tưới được” - tay chỉ ra cánh đồng đang nứt chân chim vì hạn hán, ông trưởng thôn Trần Văn Dũng nói.
Được biết, hiện hệ thống kênh mương phục vụ tưới tiêu đều đã cơ bản hoàn tất, chỉ còn duy nhất một vướng mắc là đoạn kênh đi qua đường Hồ Chí Minh (thuộc địa phận xã An Ninh - huyện Quảng Ninh).
Nhưng hệ thống kênh mương đến đường Hồ Chí Minh thì “tắc” dù đoạn trước và sau đường đều đã hoàn tất.
Ông Nguyễn Viết Ánh - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: rắc rối nằm ở chỗ 2 Bộ NN&PTNT và Bộ GT-VT (Cục Đường bộ) chưa thống nhất được phương án thi công đoạn kênh này.
Bộ NN&PTNT cho rằng nên áp dụng phương án đào 1/2 mặt đường để thi công, xong bên nào lấp lại bên đó để tiết kiệm chi phí. Còn Cục Đường bộ thì đề nghị phương án làm đường tránh giao thông để đảm bảo an toàn.
Do đây là đường quốc gia nên khi các bộ nói trên chưa thống nhất quyết định, huyện Quảng Ninh và tỉnh Quảng Bình cũng đành “bó tay” dù đã có rất nhiều công văn đề nghị.
Như vậy, chỉ vì một đoạn kênh dài 20m, hàng vạn hộ dân và 6.000 ha lúa đang trổ đòng đã “dài cổ” 7 tháng chờ đợi sự thống nhất của ngành nông nghiệp và giao thông.
Ngày 22/3, BQL Dự án thủy lợi Rào Đá cho biết: cuối cùng, sau 7 tháng chờ đợi, Cục Đường bộ vừa cho phép thi công đoạn kênh này. Nhận được thông tin tốt lành đó, ngay trong ngày 22/3, Ban đã ngay lập tức cho làm đường tránh, phong tỏa đường chính để đào đường, làm kênh.
Tuy nhiên, trong khi chờ đợi đoạn kênh này hoàn thành, người dân vẫn phải xoay xở nguồn nước cứu một vụ lúa có nguy cơ thất bát khi mùa hạn hán đang gõ cửa.