Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủy sản thiếu hàng để xuất
07 | 07 | 2010
Ngành thủy sản đang cần 300.000 tấn hàng hóa để xuất khẩu nhưng khó thực hiện do trong nước thiếu nguyên liệu.

Cho dù xuất khẩu thủy sản trong những tháng đầu năm có mức tăng trưởng khá cao (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái) nhưng theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep), chủ yếu là do tỉ giá đang có lợi cho xuất khẩu nên các doanh nghiệp (DN) đẩy mạnh xuất khẩu từ nguồn hàng tồn. Nay nguồn hàng tồn đã cạn, các DN đang lo sốt vó vì không có nguyên liệu để sản xuất trong khi từ nay đến cuối năm cần ít nhất 300.000 tấn thủy sản để sản xuất hàng xuất khẩu...

Nợ hàng nhưng lại phải giảm công suất

Nhiều DN chế biến xuất khẩu thủy sản cho hay nếu tình trạng khan hiếm nguyên liệu không được khắc phục sớm, ngành sản xuất hàng thủy sản xuất khẩu sẽ tổn thất nặng nề. Bằng chứng là nhiều DN hiện không có nguyên liệu để chế biến, nhà máy chỉ hoạt động từ 30%-40% công suất, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng. Ông Ngô Văn Nga, Tổng Giám đốc Công ty Chế biến Thủy sản và XNK Quốc Việt, than: Nguyên liệu đang thiếu hụt trầm trọng nên cả 6 tháng qua công ty ông chỉ hoạt động 50% công suất.

Năm nay công ty lên kế hoạch xuất khẩu 100 triệu USD nhưng sẽ khó thực hiện vì đã qua tháng 7 mà chỉ mới xuất được 32 triệu USD... Còn ông Nguyễn Thanh Đạm, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy sản Bạc Liêu, than: Bình thường mỗi ngày thu mua hơn 10 tấn tôm nhưng cả chục ngày qua không còn mua được hàng. Nhiều khách hàng nước ngoài liên hệ ký hợp đồng cả ngàn tấn nhưng công ty cũng không dám ký. Trước đó, đơn vị ông đã ký hợp đồng xuất khẩu sang Nhật cả trăm tấn hàng trong tháng 7 nhưng đến nay chưa xuất được tấn nào. Trước tình trạng không có hàng để xuất, đơn vị đã phải đàm phán với khách hàng để xin khất nợ một thời gian...

Nhiều DN chế biến thủy sản xuất khẩu cho biết do nhận định sai tình hình nên khi thấy giá thế giới tốt họ đã mạnh dạn ký nhiều hợp đồng nay không có hàng để giao. Ông Trần Văn Lĩnh, Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Thuận Phước, cho biết bình thường mỗi ngày thu mua trên 50 tấn tôm để chế biến xuất nhưng từ nhiều tháng qua mua chưa tới 20 tấn/ngày. Theo ông Phước, công ty của ông hiện đang phải nợ 30% số lượng hàng xuất khẩu vì không có nguyên liệu chế biến...

Đua nhau nhập nguyên liệu

Để cứu vãn tình thế, nhiều DN đang lựa chọn giải pháp nhập khẩu nguyên liệu để chế biến (những DN nhỏ nhập khẩu vài ba trăm tấn còn DN lớn đã nhập hàng chục ngàn tấn). Nhưng theo giới chuyên môn giải pháp này chỉ tạm thời vì không có hiệu quả do giá nguyên liệu thế giới cũng đang tăng, lại phải chịu mức thuế cao cũng như phải đáp ứng được các quy định kiểm soát nghiêm ngặt nên khi nhập về giá thành đã khá cao khiến DN lỗ lã. Tuy vậy nhiều DN vẫn phải nhập để có hàng giao cho đối tác nếu không sẽ bị phạt.

Ông Trần Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến XNK Thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết hiện đang thiếu nguyên liệu từ 30%-40% nên đơn vị ông đã phải nhập 500 tấn, dự kiến trong năm nay phải nhập từ 3.000 tấn-4.000 tấn mới đủ đáp ứng nhu cầu. Theo ông Trương Đình Hòe, dự kiến trong năm nay các DN chế biến thủy sản sẽ phải nhập khẩu khoảng 200 triệu USD nguyên liệu thủy sản.

Thiếu đầu tư nuôi trồng

Theo đánh giá từ cơ quan chuyên môn, sở dĩ nguyên liệu trong nước không ổn định là do sự mất cân đối về quy mô và tính chất của việc phát triển vùng nguyên liệu và phát triển công nghiệp chế biến thủy sản ngày càng trầm trọng. Tình trạng khai thác, nuôi trồng cũng như chế biến đều phát triển theo hướng tự phát, chưa được quy hoạch theo hướng công nghiệp. Nhiều DN chỉ chạy theo hàng xuất khẩu mà bỏ qua khâu đầu tư nuôi trồng...

Trước thực trạng nông dân bỏ ao, neo ao hoặc chuyển sang ngành nghề khác một số DN chế biến thủy sản xuất khẩu đã tự tổ chức nuôi hoặc liên kết với nông dân. Đây là cách làm tốt nhưng theo nhiều DN họ không có đủ quỹ đất để nuôi, còn liên kết với nông dân thì gặp nhiều rủi ro. Do đó đến thời điểm này cũng chỉ có rất ít DN đi theo mô hình này...



Theo Người lao động
Báo cáo phân tích thị trường