Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhà máy chế biến “ăn đong” tôm nguyên liệu
01 | 07 | 2010
Do cung không đủ cầu nên giá tôm sú nguyên liệu ở đồng bằng sông Cửu Long liên tục tăng trong nhiều tháng qua.

Hiện tôm sú loại 20 con/kg giá nhà máy thu mua đã lên đến 190.000- 200.000 đồng/kg, loại 30 con giá 160.000 đồng/kg và loại 30 con giá 130.000 đồng/kg. Riêng tôm thẻ chân trắng có giá 55.000 - 60.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều nông dân cho biết, đây là mức giá cao kỷ lục trong vòng mười năm trở lại đây.

Tình trạng thiếu tôm nguyên liệu đang diễn ra khá phổ biến tại các nhà máy chế biến thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhà máy chỉ hoạt động 20-30% công suất.

Theo Vụ Nuôi trồng thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng (chủ yếu là tôm) của cả nước 5 tháng đầu năm 2010 chỉ đạt 872.000 tấn, giảm 5,2% cùng kỳ năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu là do vùng nuôi ở nhiều nơi bị thu hẹp và mất mùa. Tại Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, tình hình nắng hạn đã làm cho không ít hộ nuôi tôm bị thiệt hại nặng hoặc bị chậm lịch thời vụ.

Ông Lê Anh Xuân, Tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Trúc Anh (Bạc Liêu) cho biết, hiện giá tôm đang ở mức rất cao nhưng chỉ có một số ít hộ nông dân có tôm để bán. Do năm nay nắng hạn gay gắt khiến nhiều người không dám mạnh dạn đầu tư.

Còn theo bà Nguyễn Ngọc Phượng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tính đến thời điểm này toàn tỉnh đã thả nuôi được 79.313ha tôm các loại, sản lượng thu hoạch trên 16.000 tấn, đạt khoảng 47,8% so với kế hoạch. Trong đó, chủ yếu là nuôi theo hình thức quảng canh và quảng canh cải tiến, năng suất thấp.

Trước tình hình thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu, nhiều nhà máy chế biến phải chuyển hướng sản xuất sang mặt hàng khác để duy trì sản xuất. Đối với các hợp đồng cung cấp tôm sú còn hiệu lực, các doanh nghiệp phải đàm phán với khách hàng để có thể kéo dài thêm thời gian, chờ gom đủ hàng. Đây cũng là tình trạng chung của các nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long.

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản (Vasep), tôm là mặt hàng xuất khẩu triển vọng. Ngoài các thị trường truyền thống như châu Âu, Hoa Kỳ, năm 2010, xuất khẩu tôm sẽ đẩy mạnh vào Nhật Bản, Hàn Quốc... Chỉ riêng tôm sú, dự kiến sẽ mang về không dưới 1,4 tỷ USD.

Vasep cho rằng, vấn đề phát triển bền vững của ngành nuôi tôm vẫn gặp nhiều trở ngại, thời vụ nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ, hệ thống thủy lợi yếu kém, dịch bệnh tràn lan, vùng nguyên liệu không ổn định, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nuôi lỏng lẻo dẫn đến giá cả lên xuống thất thường, nguồn nguyên liệu không ổn định.

Ông Chu Văn An, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần thủy hải sản Minh Phú (Cà Mau) cho biết, lo ngại nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu tôm sú phục vụ chế biến xuất khẩu khan hiếm, do nhiều vùng nuôi bị thất mùa. Hiện giá tôm đông lạnh xuất khẩu đang tăng rất mạnh và đã đạt mức cao nhất trong vòng mười năm trở lại đây. Trung bình giá tôm xuất khẩu tăng từ 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó tôm sú cỡ 16-20 con/kg tăng từ 10 USD/kg lên 13 USD/kg.

Tuy nhiên theo ông An, dù đang được giá nhưng các công ty đều phải dè dặt khi ký hợp đồng vì sợ không có hàng để giao. Các chuyên gia thuỷ sản cho rằng, giá tôm xuất khẩu hiện nay tăng mạnh là do hầu hết các nước có sản lượng tôm lớn như Indonesia, Thái Lan đều bị mất mùa. Ngoài ra, sự cố tràn dầu tại vịnh Mexico đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng khai thác tôm nội địa của Hoa Kỳ và khiến người dân nước này lo ngại chuyển sang ăn tôm có nguồn gốc nhập khẩu.

Nghịch lý là giá tôm xuất khẩu tăng cao nhưng các nhà máy lại không có hàng để bán. Nhiều lãnh đạo các công ty chế biến thủy sản cho biết, hiện trung bình mỗi ngày họ chỉ thu mua được khoảng 20-30 tấn tôm nguyên liệu, trong khi công suất nhà máy lên đến hàng trăm tấn.

Ông Nguyễn Bá Dân, Phó tổng giám đốc công ty cổ phần xuất khẩu thủy sản Năm Căn (Cà Mau) cho biết, hầu hết các nhà máy bị thiếu nguyên liệu hiện nay là do làm theo kiểu “ăn đong”, không có sự đầu tư cho vùng nguyên liệu bài bản.

Trong khi đó, chính quyền địa phương còn lúng túng trong việc quy hoạch cũng như chưa có biện pháp để gắn trách nhiệm của nhà máy với việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững. Do đó, thường bị rơi vào vòng luẩn quẩn, lúc thừa chẳng biết bán cho ai, còn khi hút hàng lại không có để bán.



Theo VnEconomy
Báo cáo phân tích thị trường