Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vướng quy định, khó nhập nguyên liệu thủy sản
16 | 06 | 2010
Doanh nghiệp tốn thêm 200 USD/ngày cho mỗi container hàng nằm tại cảng.

Trong khi đơn hàng xuất khẩu có dấu hiệu tăng lên thì việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản lại gặp phải khó khăn do vướng một số quy định tại các văn bản do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành.

Làm tốn thêm chi phí

Hiện việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để gia công, chế biến hàng xuất khẩu phải chịu cùng lúc các thủ tục kiểm soát quy định trong bốn văn bản hiện hành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu sẽ phải xuất trình Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad), Cục Thú y giấy chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng lô hàng do nước xuất khẩu cấp.

Theo doanh nghiệp, quy định này khiến họ khó khăn trong việc thông quan bởi không phải nhà xuất khẩu nào cũng đồng ý cấp giấy chứng nhận chất lượng cho các lô hàng xuất khẩu sang Việt Nam. Nếu có cấp thì doanh nghiệp sẽ phải chịu thêm chi phí phát sinh do kiểm tra, kiểm nghiệm, lưu kho bãi... Đáng chú ý, Thông tư 25/2010 (có hiệu lực từ ngày 1-7) quy định việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu do Cục Thú y và Nafiqad tiến hành, thay cho trước đây chỉ có Nafiqad.

Ông Nguyễn Quang Tuyến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cafico Việt Nam (Cam Ranh, Khánh Hòa), cho biết hiện nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu trầm trọng nên bắt buộc phải nhập khẩu để bảo đảm công suất nhà máy cũng như giải quyết việc làm cho hàng ngàn công nhân.

Nhập khẩu nguyên liệu sẽ giải quyết việc làm cho rất nhiều công nhân trong ngành thủy sản.

Theo ông Tuyến, quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ làm phát sinh thêm thời gian, chi phí của doanh nghiệp, trong khi những quy định trước đây vẫn có thể kiểm soát tốt chất lượng nguyên liệu thủy sản nhập khẩu. “Mỗi lần nhập hàng, doanh nghiệp thường mong hàng đừng về vào mấy ngày cuối tuần để đỡ phải trả chi phí kho bãi, bảo quản. Với quy định mới, dù muốn hay không thì để hàng được ra khỏi cảng, doanh nghiệp cũng mất thêm nhiều thời gian và phải tốn thêm chi phí” - ông Tuyến nói.

Tính toán của doanh nghiệp cho thấy nếu một container thủy sản không thể thông quan, doanh nghiệp phải tốn thêm 200 USD/ngày cho chi phí bến bãi, quản lý, kho lạnh… Mới đây, một doanh nghiệp thủy sản tại đồng bằng sông Cửu Long phàn nàn những quy định mới khiến họ phải tốn thêm 90 triệu đồng để nhập khẩu một lô hàng nguyên liệu.

Tháo gỡ khó khăn

Mới đây, trong kiến nghị giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đề xuất bỏ quy định phải đăng ký kiểm dịch đối với thủy sản đông lạnh nhập khẩu (được bảo quản ở nhiệt độ dưới -18 độ C). Theo VASEP, sản phẩm thủy sản được bảo quản ở nhiệt độ -18 độ C không có nguy cơ gây dịch bệnh cho người và động vật.

Ngoài ra, VASEP còn kiến nghị việc kiểm tra chất lượng và kiểm dịch đối với thủy sản đông lạnh nên quy về một đầu mối để tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, thay vì cả Cục Thú y và Nafiqad cùng làm. Theo VASEP, hai cơ quan này đều yêu cầu bản gốc chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng trong khi nhà xuất khẩu chỉ cung cấp cho doanh nghiệp một bản nên không thể đáp ứng được.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM ngày 15-6, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Lê Phương cho biết việc kiểm soát chặt nguồn nguyên liệu thủy sản nhập khẩu như các thông tư quy định nhằm bảo đảm cho việc xuất khẩu thủy sản được tốt hơn. Giám sát chặt chất lượng nhằm không để một số nước lợi dụng đẩy nguyên liệu thủy sản kém chất lượng sang Việt Nam.

Tuy nhiên theo ông Phương, trong thực tế vẫn có một số điểm gây khó khăn cho doanh nghiệp. Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ yêu cầu Nafiqad nhanh chóng họp với VASEP nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong vấn đề nhập khẩu nguyên liệu.

Nhập khẩu nguyên liệu góp phần giảm nhập siêu

Tại đại hội VASEP diễn ra ngày 11-6, ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương, lý giải việc siết nguyên liệu thủy sản nhập khẩu để hạn chế nhập siêu. Tuy nhiên, ý kiến này không được doanh nghiệp thủy sản đồng tình. Doanh nghiệp cho rằng cần phân biệt việc nhập khẩu phục vụ cho xuất khẩu và nhập khẩu phục vụ tiêu dùng hay nhu cầu khác. Riêng nhập khẩu nguyên liệu thủy sản để phục vụ xuất khẩu sẽ góp phần giảm nhập siêu. Ví dụ, doanh nghiệp bỏ ra 10 USD nhập khẩu nguyên liệu, sau khi chế biến sẽ xuất khẩu thu về 15 USD.



Theo Pháp Luật TPHCM Online
Báo cáo phân tích thị trường