Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thủy sản - nỗi lo thiếu nguyên liệu
05 | 03 | 2008
Tính đến cuối năm 2007 số lượng các nhà máy chế biến và xuất khẩu thủy sản (XKTS) đã lên trên 450 cơ sở. Sự phát triển “nóng” của các nhà máy này về mặt nào đó cũng tạo ra một sức ép khá lớn đối với khả năng tự cân đối nguồn nguyên liệu trong nước. Số nhà máy chế biến hải sản không ngừng tăng lên trong khi năng lực nuôi trồng, khai thác trong nước có hạn, cạnh tranh trở nên gay gắt và xuất hiện tiêu cực.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thì tình hình thiếu nguyên liệu xảy ra trầm trọng nhất là các nhà máy chế biến ở miền Trung và miền Bắc, trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Và từ tháng 9-2007 đến nay, hầu hết các nhà máy chế biến thủy sản chỉ hoạt động được khoảng 40% công suất. Tại Khánh Hòa, từ sau Tết Nguyên đán Mậu Tý đến nay, 43 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thủy sản trên địa bàn đều hoạt động cầm chừng vì đói nguyên liệu. Để đáp ứng được các đơn hàng đã ký từ trước, nhiều DN buộc phải chọn giải pháp nhập khẩu nguyên liệu. Sang năm nay, các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản vẫn loay hoay nỗi lo thiếu nguyên liệu. Dự báo năm 2008 là năm rất khó khăn của ngành chế biến thủy sản, bởi vì giá nguyên liệu tăng cao do giá xăng dầu, vật tư đều tăng, đó là chưa kể đến việc không ít chủ tàu tạm ngừng đánh bắt vì thiếu vốn lưu động.

Theo số liệu Hải quan, tính đến tháng 12-2007, Việt Nam đã nhập khẩu (NK) nguyên liệu thủy sản từ trên 40 nước và vùng lãnh thổ. Các loại thủy sản nguyên liệu này chủ yếu là các loài mà Việt Nam không có hoặc có nhưng không dồi dào như tôm đông lạnh (chiếm khoảng 27%), cá đông lạnh (cá hồi, cá biển, cá hộp... 38%), mực, bạch tuộc (6%), các loại thủy sản khác (tôm hùm, nghêu sò... 28%). Các nguồn cung cấp nguyên liệu chính cho chúng ta là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, các nước ASEAN... Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để đáp ứng đủ nhu cầu chế biến xuất khẩu, từ nay đến năm 2010, nhập khẩu hàng thủy sản của Việt Nam sẽ tăng từ 8 đến 10%/năm, với giá trị khoảng 190 triệu USD/năm.

Hiện nay, nhiều nhà máy chế biến thủy sản ở nước ta đã được trang bị những dây chuyền chế biến hiện đại, trình độ kỹ thuật và công nghệ cao, có thể ngang tầm khu vực và thế giới, vì vậy ngành chế biến hoàn toàn có khả năng NK nguyên liệu thô để chế biến và tái xuất các mặt hàng GTGT phù hợp với thị trường quốc tế nhằm khai thác triệt để tiềm năng thiết bị máy móc, đồng thời tạo việc làm ổn định cho người dân. Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là chất lượng của nguyên liệu nhập như thế nào, liệu có bảo đảm?

Được biết, các thị trường khó tính như EU, Mỹ… rất khắt khe trong quy định về nguồn gốc nguyên liệu chế biến được nhập khẩu từ nước thứ 3. Nếu kiểm soát và thực hiện không nghiêm túc sẽ ảnh hưởng đến uy tín chất lượng hàng thủy sản Việt Nam. Bên cạnh đó việc nhập khẩu nguyên liệu ngành nông nghiệp cũng nên xác định đây là việc làm trước mắt để giải quyết tình thế, về lâu dài cần có những quy định như đầu tư chế biến phải gắn với đầu tư cho vùng sản xuất nguyên liệu.

 



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường